(SK&MT) - “Một nhà giáo nhiệt huyết và tận tâm với nghề; một hiệu trưởng tài giỏi luôn hết mình vì công việc chung” là những lời nhận xét của nhiều thế hệ học trò, của những người đồng nghiệp về cô Đỗ Thị Thông - Hiệu trưởng Trường THCS Phùng Hưng (Sơn Tây, Hà Nội). Trong suốt hơn 35 năm gắn bó với ngành giáo dục, cô Thông luôn được các thế hệ học sinh tin yêu, đồng nghiệp quý mến, nể phục và hết lòng tin tưởng.
Người giáo viên vượt khó, dành hết thanh xuân vì sự nghiệp trồng người
Cô giáo Đỗ Thị Thông sinh năm 1969, là một trong những giáo viên ở thế hệ gạo cội, những người đã tạo nên nền móng cho ngôi trường Phùng Hưng đạt được nhiều các thành tích cho đến hôm nay.
Trường THCS Phùng Hưng (Thị xã Sơn Tây).
Bước chân vào nghề từ khi còn rất trẻ, khi tuổi mới đôi mươi đã làm cô giáo cấp 2. Ấn tượng làm nhiều người nhớ mãi và cảm phục về người con gái nhỏ nhắn ấy chính là một cô giáo rất thật thà, chất phác, hiền hậu, tận tụy với nghề, tận tâm với học trò và tận tình với đồng nghiệp.
Có dịp được trò chuyện cùng cô Thông, được cô chia sẻ về con đường đến với nghề giáo của cô quả là một hành trình nhiều gian nan và vất vả mà đến bây giờ nghĩ lại có những lúc cô cũng không biết sao mình có thể vượt qua được khoảng thời gian đó.
Năm 1985, tốt nghiệp cấp 3 cô đã bước chân vào giảng đường sư phạm và 3 năm sau đó chính thức trở thành cô giáo dạy cấp 2. Không chọn cho mình con đường trải hoa hồng, cô giáo mới ra trường xung phong về dạy cho trẻ em ở vùng xa Sơn Đông. Hồi đó, phương tiện đi lại còn rất hạn chế, ngày ngày chị phải đạp chiếc xe đạp cà tàng, còn hay tuột xích giữa đường để đi dạy. Nhưng vì lòng yêu nghề, cũng như yêu học trò cô giáo trẻ đã vượt lên mọi khó khăn, dần thích nghi và nhanh chóng được các em trong trường yêu mến.
Trong khoảng thời gian này, dường như cô đã dành hết sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cho các thế hệ học trò. Không chỉ hoàn thành việc lên lớp của mình, lúc ngoài giờ cô luôn dành thời gian để gần gũi học sinh của mình. Từ chỗ chỉ cách làm bài, cách đọc sách khai thác kiến thức đến những kiến thức các em không hiểu cô đều hướng dẫn rất chi tiết. Chính những hành động quan tâm đó đã giúp cô không chỉ được học trò mà còn được phụ huynh của các em yêu quý và dành cho cô tình cảm đặc biệt.
Học trò xem như mẹ hiền
Những năm làm giáo viên ở Sơn Đông, không biết cô Thông đã dìu dắt bao nhiêu thế hệ học trò vào cấp 3 và bước chân vào con đường Đại học. Sau năm 1991 cô chuyển ra giảng dạy ở Trường THCS Phùng Hưng, với bản tính yêu nghề và yêu quý học trò, mong muốn mang đến cho các em những kiến thức giảng dạy tốt nhất cô như người “thuyền trưởng” tiếp tục truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò thành công.
Cô giáo Đỗ Thị Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Phùng Hưng (Thị xã Sơn Tây).
Nhiều người là học trò của cô Thông hiện nay đã là những vị bác sĩ tài hoa, tiến sỹ phó giáo sư, chủ nhiệm các khoa quốc tế các trường đại học lớn,…. nhưng chưa bao giờ quên được người cô giáo – như người mẹ thứ 2 của mình đã dìu dắt mình năm ấy. Do vậy, nhiều học trò dù bận việc nhưng khi rảnh rỗi đều tìm đến cô để gặp gỡ và trò chuyện.
Trong số đó có nhiều nhà văn, nhà báo, người giữ chức vụ về luật pháp có dịp gặp gỡ trò chuyện giúp cô trò am hiểu hơn về xã hội về con người, từ đó cô càng trau dồi đạo đức sống đúng với bản chất nhà giáo: trong sáng, mẫu mực, ham học hỏi cầu tiến bộ. Không chỉ ở mặt công việc, nhiều người bây giờ thành công nhưng vẫn nhớ đến cô đặc biệt là những lúc cô khó khăn nhất.
Cô Thông chia sẻ: “ Nhớ nhất là khi gia đình tôi khó khăn thì luôn có các em học sinh và gia đình học sinh cũ đặc biệt giúp đỡ và tiếp thêm nghị lực để tôi dễ dàng vượt lên nghịch cảnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Những tình cảm học trò dành cho cô không phải bỗng nhiên mà có. Bởi trong cuộc đời giảng dạy của cô đã rất nhiều lần cô giúp đỡ gia đình các em mà không màng đến vật chất khi cô dành cho họ tất cả những gì mình có.
Hồi đó vì thương các em có hoàn cảnh khó khăn cô đã đón nhận và hỗ trợ dạy thêm hoàn toàn miễn phí cho các em. Suốt 30 năm trời ròng rã từ năm cô 18 đến 48 tuổi với những hoàn cảnh đặc biệt cô không lấy tiền học phí. “Tôi quan niệm rằng, dạy thêm là để củng cố nâng cao kiến thức chứ không hoàn toàn vì vật chất. Tất cả vì một tâm nguyện là dệt ước mơ cho đời.” – Cô Thông cho biết.
Người hiệu trưởng bản lĩnh, dìu dắt nhiều thế hệ
Hơn 35 năm gắn bó với nghề giáo và nhiều năm (kể từ năm 2016) ở cương vị Hiệu trưởng cô luôn có trách nhiệm trong công việc, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các phong trào thi đua do trường và cấp trên phát động.
Cô giáo Thông và các học trò Trường THCS Phùng Hưng trong một chuyến trải nghiệm lịch sử.
Cô thường xuyên gần gũi, động viên, chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong gia đình hay trong công việc, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, luôn quan tâm mọi người một cách chu đáo nhất.
Chính sự đoàn kết và góp sức của toàn bộ tập thể cán bộ giáo viên Trường Phùng Hưng đã trở thành trường chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Hà Tây cũ thời trước. Tuy nhiên, do tiêu chí mới quy định thì hiện nay nhà trường đang quyết tâm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1.
Mục tiêu trước mắt là thế còn mục tiêu lâu dài cô Thông luôn xây dựng giữ vững ổn định thương hiệu của Nhà trường trong dạy tốt, học tốt xứng đáng là trường có bề dày truyền thống. Được biết kể từ khi thành lập vào năm 1946 trường luôn giữ vững là một trong những trường top đầu về học sinh giỏi.
Bằng những nỗ lực, cố gắng không ngừng, nhiều năm liền, cô đã “chèo lái” nhà trường đạt được những thành tích, bằng khen.: Huân chương Lao động Hạng 3, Trường tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố; Bằng khen của Bộ Giáo dục; Bằng khen của UBND TP Hà Nội và nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến…
Bên cạnh đó, trường có 30 giáo viên trên tổng số 36 giáo viên giỏi của thị xã thành phố, rất nhiều giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong các kì thi cấp thị xã, thành phố,…Chính vì vậy, cô và nhà trường luôn được các phụ huynh và mọi người yêu mến, tin tưởng gửi gắm những con em những thế hệ tương lai của đất nước.
Tất bật với công việc cơ quan là vậy nhưng cô Thông vẫn thực hiện tốt thiên chức là người vợ, người mẹ trong gia đình. Cô luôn tâm niệm, đối với người phụ nữ để có được thành công, ngoài sự say mê, tâm huyết với công việc thì yếu tố quan trọng nhất là sự thông cảm và sẻ chia từ gia đình.
Chính tình yêu thương gia đình, tình cảm đồng chí, đồng nghiệp đã “tiếp lửa” cho sự say mê, tâm huyết, tận tụy với nghề để cô hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Những cố gắng, nỗ lực của cô giáo Đỗ Thị Thông đã góp phần không nhỏ vào bảng thành tích chung của Trường THCS Phùng Hưng nói riêng và ngành Giáo dục huyện Sơn Tây nói chung. Cô xứng đáng là tấm gương tiêu biểu hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.
Phương Thảo, Lê Sang
Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội
Không có giải pháp cụ thể thì tăng trưởng xanh chỉ nằm trên giấy
Khánh Hòa: Tuyển dụng viên chức y tế ra công tác tại huyện Trường Sa
Trao giải thưởng Đào Tấn cho 5 đơn vị nghệ thuật và 15 văn nghệ sĩ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh
Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa năm 2023 với chủ đề “Khánh Hòa - Khát vọng phát triển”
Sửa Luật Đấu thầu sẽ tháo gỡ vướng mắc trong mua thuốc, vật tư y tế
Bắt hai người đàn ông về hành vi mua bán bộ phận cơ thể người
Bình Dương: Tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa