Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội

  • KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
  • 16:05 06/06/2022

(SK&MT) - Thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngành đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8912/KH-UBND, khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ thành lập khu tập trung hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên cơ sở bổ sung chức năng nhiệm vụ quản lý, vận hành cho Trung tâm Thông tin ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Hình thành 1 khu vườn ươm phức hợp dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật và quản lý, vận hành. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2020/NQ HĐND quy định một số nội dung và mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút, hình thành một số mô hình vườn ươm doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Phúc.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội

 

Ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến của ngành y tế giúp Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng trong phòng chống dịch bệnh Covid-19

Tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát động 2 cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”; tổ chức các hội nghị, tọa đàm diễn đàn khởi nghiệp nhằm mục đích chia sẻ thông tin, kiến thức, cơ chế chính sách của tỉnh về khởi nghiệp tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp của thanh niên.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp khoa học công nghệ và 11 tổ chức khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ đã được đầu tư tăng cường tiềm lực để phát triển hơn cả về số lượng và chất lượng, dần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đời sống cán bộ, người lao động được cải thiện cao hơn. Đội ngũ cán bộ của các doanh nghiệp khoa học công nghệ có bước phát triển khá rõ nét về chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của các tổ chức từng bước được tăng cường.

Theo ông Nguyễn Công Võ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ngành đã lấy ứng dụng và chuyển giao công nghệ làm trọng tâm, triển khai các vấn đề cần thiết, bức xúc, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm thước đo. Các đề tài, dự án đã đóng góp tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời, là cơ sở khoa học tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách.

Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nhiều đề tài được ứng dụng rộng rãi vào thực tế đời sống góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Một số kết quả mô hình được tuyên truyền sâu rộng và được các địa phương ứng dụng góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong việc tuyển chọn, phục tráng, sản xuất các giống cây trồng có năng suất, chất lượng đưa vào cơ cấu giống của tỉnh, nhân giống, bảo tồn các loài cây, con dược liệu và sản xuất các dược chất, các sản phẩm thứ cấp có giá trị; duy trì lưu giữ gen các giống hoa lan, cây lô hội, các loại dược liệu quý như sâm ngọc linh, ba kích, trà hoa vàng ...

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: nuôi cấy mô, kỹ thuật thuỷ canh, khí canh, canh tác trên giá thể không đất đã được áp dụng vào trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính, trồng hoa lan, cây cảnh, cây lâm nghiệp. Công nghệ nuôi trồng và sau thu hoạch, phát triển thị trường cho các sản phẩm của các đề tài, dự án nhằm nâng cao giá trị, giá thành của sản phẩm, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, thị trường ổn định, tạo thành chuỗi khép kín. Các kết quả nghiên cứu nhanh chóng được đưa vào ứng dụng và nhân ra diện rộng.

Chia sẻ về những thành quả đạt được từ ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực dịch vụ y tế, ông Nguyễn Khắc Lập, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong những năm qua, nhờ có vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng, sản xuất dược phẩm - vật tư y tế giúp ngành Y tế tỉnh nhà làm tốt công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ của ngành Y tế tập trung vào xây dựng các bài thuốc và phương pháp chữa bệnh cho người dân; áp dụng các công nghệ cao trong điều trị bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao trình độ chuyên môn của y bác sĩ. Nhiều đề tài đã giúp thực hiện thành công các kỹ thuật công nghệ cao trong khám, chữa bệnh như: Sử dụng máy X- quang C-Arm trong điều trị phẫu thuật chấn thương cột sống – thắt lưng, tán sỏi ngoài cơ thể, kỹ thuật phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu, phương pháp phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ bằng công nghệ PPH và HCPT, thụ tinh trong ống nghiệm...

Thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy, tỷ lệ ứng dụng trực tiếp vào thực tế của các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của tỉnh đạt 78,38%. Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng, thiết thực cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng vào xây dựng quy chế, công các chuyên môn, hoạt động của cơ quan, tổ chức; đề xuất các cơ chế chính sách, dự thảo nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND về phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục an ninh quốc phòng của tỉnh.

Thời gian tới, ngành Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2025, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh trọng điểm về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có sức lan tỏa đến các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế. Lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới có khả năng ứng dụng và tạo ra giá trị gia tăng cao vào phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng và hoạt động sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất trên địa bàn. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị để có cơ sở khoa học phục vụ tốt cho việc tham mưu các cơ chế chính sách của các ngành phục vụ sự nghiệp đối mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người.

NGUYỄN KHÁNH

Gửi bình luận của bạn