Sóc Trăng ‘gỡ khó’ cho người dân và doanh nghiệp nuôi tôm ở địa phương

  • KINH TẾ
  • 00:01 02/09/2021

(SK&MT) - Thời gian qua, dịch Covid-19 đã để lại hậu quả không nhỏ cho những người chăn nuôi trong nước. Giá nông sản giảm sút, khó tìm đầu ra. Chịu chung những ảnh hưởng của dịch bệnh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chế biến tôm tại tỉnh Sóc Trăng đang gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, tỉnh Sóc Trăng đã tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp địa phương.

Sóc Trăng ‘gỡ khó’ cho người dân và doanh nghiệp nuôi tôm ở địa phương
Sóc Trăng ‘gỡ khó’ cho người dân và doanh nghiệp nuôi tôm ở địa phương
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã hoạt động trở lại, hoạt động thu mua thuận lợi, giá tôm cũng đã tăng dần

Ngày 31/8, ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát tình hình nuôi trồng, thu hoạch, tiêu thụ thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại huyện Trần Đề, một trong những địa phương có vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh. Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết, sản lượng tôm của nông dân trên địa bàn năm nay được mùa, nhưng giá cả giảm sút nhiều.

Theo báo cáo của ông Dũng, huyện Trần Đề đã xuống giống khoảng 4.500 ha (kế hoạch cả năm là 4.150 ha), khả năng đến hết mùa vụ (cuối tháng 9) toàn huyện sẽ thả giống khoảng 5.000 ha tôm. Năng suất tôm phần diện tích đã thu hoạch ước đạt trên 20-25 tấn/ha với diện tích nuôi siêu thâm canh và khoảng 8-9 tấn/ha với diện tích nuôi thâm canh. Khả năng sản lượng của huyện đến cuối mùa vụ sẽ vượt cao so với kế hoạch phấn đấu là 35.000 tấn tôm cả năm 2021.

Đoàn công tác cũng đã đến thăm trang trại nuôi tôm siêu thâm canh của Công ty TNHH Khánh Sủng, tại ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề. Đây là khu nuôi tôm có diện tích khoảng 60 ha, được nuôi theo hình thức công nghệ cao và tôm nuôi sau thu hoạch đạt năng suất, chất lượng tốt; tôm nuôi được đơn vị dùng làm nguyên liệu để chế biến của Công ty Khánh Sủng, phục vụ thị trường xuất khẩu.

Theo lãnh đạo công ty, kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tỉnh chuyển sang việc phân vùng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất của công ty khá thuận lợi, nhất là lượng công nhân đã trở lại làm việc nhiều và giá tôm đã bắt đầu tăng theo từng ngày.

Sóc Trăng ‘gỡ khó’ cho người dân và doanh nghiệp nuôi tôm ở địa phương
Các hộ nông dân nhỏ lẻ thời điểm này cũng đã tìm được đầu ra

Ông Phan Văn Lý Sơn, một hộ nuôi tôm ở xã Trung Bình (Trần Đề) cho biết, hiện giá tôm giảm, ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng các hộ nhỏ lẻ vẫn tìm được đầu ra. Khó khăn hiện tại là thiếu nguồn thức ăn nuôi tôm; thiếu lao động công nhật; xe vận chuyển thức ăn không đến tận khu vực nuôi tôm, do kẹt chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh...

Trao đổi với đại diện doanh nghiệp và hộ nuôi tôm, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp và người nuôi tôm đồng thời ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị của người nuôi tôm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nuôi tôm trong khâu sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Mẫn, hiện tình hình giá cả, đầu ra đang có hướng tốt lên do tình hình dịch bệnh ở Sóc Trăng đang được kiểm soát tốt.

Dự báo thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tăng nên doanh nghiệp và hộ nuôi tôm cần có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp để cung ứng nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Các hộ nuôi tôm nên nắm bắt thông tin thị trường, đánh giá tác động môi trường, tiềm năng tiêu thụ, nhằm triển khai việc thả nuôi tôm hợp lý, đảm bảo lợi nhuận thu hoạch cao.

Để ổn định sản xuất, các doanh nghiệp chế biến, nuôi tôm cần đủ nhân lực hoạt động. Các doanh nghiệp mong muốn công nhân lao động được tiêm vắc-xin, tạo điều kiện trong vận chuyển, thu mua để việc sản xuất, thu hoạch đạt hiệu quả cao.

THANH NAM

Gửi bình luận của bạn