(SK&MT) - Cùng với xu thế chung của thế giới, Việt Nam đang thể hiện trách nhiệm chung trong giải quyết khủng hoảng, thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gây ra. Do đó, trong các năm tới, sẽ tăng cường quản lý tài nguyên số trong số hóa đất đai, môi trường, địa chất khoáng sản…
Nhu cầu bức thiết
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức vì cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề bức xúc đó, Việt Nam thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới xây dựng một xã hội có ý thức tận dụng nguồn tài nguyên đã qua sử dụng, hạn chế tối đa rác thải, bảo vệ sức khỏe người dân. Tạo điều kiện cho Việt Nam bứt phá nhanh, đạt mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, nghiên cứu khoa học và công nghệ nói chung, liên ngành khoa học Trái đất, Mỏ và Môi trường nói riêng đóng vai trò tiên phong. Khoa học Trái đất, Mỏ và Môi trường (EME) ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ các hoạt động của đời sống, kinh tế - xã hội thông qua các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường của con người. PGS.TS. Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh nhận định, đại dịch Covid-19 mặc dù tác động tiêu cực đến mọi mặt hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục… của thế giới cũng như Việt Nam, nhưng cũng đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số và công nghệ số trong khoa học trái đất, mỏ và môi trường góp phần tạo ra nhiều giải pháp tổng hợp, đồng bộ nhằm hạn chế tối đa những tác động không mong muốn từ tự nhiên. Cũng theo PGS.TS. Huỳnh Quyền, vai trò khoa học công nghệ và nguồn nhân lực, đặc biệt liên ngành khoa học trái đất, mỏ và môi trường rất quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường; bảo vệ tính bền vững của trái đất.
Ứng dụng các sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực quan trắc tự động ở Thanh Hóa.
Số hóa lĩnh vực môi trường
Thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Theo Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành TN&MT quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Theo kịch bản hướng tới Chính phủ số ngành TN&MT phiên bản 2.1 do Bộ TN&MT đang xây dựng, chủ thể hướng đến là người dân, doanh nghiệp, cơ quan giao dịch phải thực sự dễ dàng, thông qua hệ thống một cửa nhất quán của Bộ. Trong đó, các công việc chuyển đổi số sẽ lấy người dùng là trung tâm, thống nhất tích hợp trải nghiệm đa kênh của người dùng thông qua định danh số tích hợp, các dịch vụ nghiệp vụ, dịch vụ dữ liệu, dịch vụ hạ tầng cá thể hóa theo người dùng… Bộ TN&MT đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ, bảo đảm phát triển, vận hành Chính phủ điện tử ngành, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số. Để thực hiện kiến trúc Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số ngành TN&MT, Bộ TN&MT sẽ triển khai 3 dự án lớn gồm: Hệ thống quản lý điều hành thông minh tại Bộ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin; chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1). Năm 2022, Bộ TN&MT đang hoàn thiện mục tiêu duy trì 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90%-100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bộ cũng duy trì 100% hồ sơ công việc tại Bộ, 70%-90% hồ sơ công việc của ngành tài nguyên và môi trường được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Đặc biệt, Bộ đang cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường trên nền tảng dữ liệu lớn và kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
NHỊ GIANG
Hà Tĩnh: Cháy bãi rác gây ô nhiễm môi trường
Hưởng ứng phong trào “trồng một tỷ cây xanh” tại xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương
Nghề lao công lặng thầm mà cao quý
Chính quyền vào cuộc kiểm tra hoạt động khai thác đất của công ty Quang Long
Hưng Yên: UBND huyện Văn Lâm tiếp tục vào cuộc xử lý vi phạm của Hợp tác xã Siêu Việt
Thanh Trì (Hà Nội): Dự án hơn 37 tỷ trở thành nơi tập kết, chôn lấp phế thải xây dựng
Phú Thọ: Xã Quảng Yên, chính quyền làm ngơ cho “đất tặc”?
Cẩm Thủy - Thanh Hóa: Ảnh hưởng môi trường từ hoạt động tận thu đất