Hà Nội: Nhiều giải pháp xanh bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

  • MÔI TRƯỜNG
  • 13:30 06/10/2022

(SK&MT) - Trong những năm gần đây vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều tỉnh, thành nói chung và Hà Nội nói riêng. Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ bức thiết, được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Bởi vậy, để góp phần làm cho Thủ đô ngày càng “sáng, xanh, sạch, đẹp, là nơi đáng sống", thời gian qua nhiều quận, huyện đã tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Trên mảnh đất có khoảng 8,5 triệu dân này, mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn chất thải rắn. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Hà Nội có đến 17 khu xử lý rác trong quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô, trong đó có 8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 3 nơi đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn.

Hà Nội: Nhiều giải pháp xanh bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Lễ ra quân vệ sinh môi trên địa bàn phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội).

Có thời điểm, trên địa bàn một số quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm... ùn ứ rác thải sinh hoạt nghiêm trọng. Tại những khu vực rác thải ùn ứ, nước rỉ rác chảy tràn ra đường trong lúc thời tiết nóng bức, bốc mùi hôi thối khó chịu. Nguyên nhân được xác định do Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) ở huyện Sóc Sơn đang bị quá tải khiến phương tiện đi vào bãi khó khăn, ảnh hưởng đến việc xử lý.

Đây không chỉ là thách thức đối với các nhà quản lý mà còn là vấn đề sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội, cùng sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa - xã hội của cả nước, việc bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giữ cho Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp đang là đòi hỏi khách quan của Thủ đô hơn nghìn năm văn hiến. Nhiều cuộc vận động bảo vệ môi trường được phát động, nhiều giải pháp xanh, sáng kiến hay, mang tính bền vững và đem lại hiệu quả ấn tượng.

Hà Nội: Nhiều giải pháp xanh bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Long Biên.

Tại phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), UBND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên các tầng lớp Nhân dân về thực hiện các Chỉ thị, nghị quyết, với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với xây dựng tổ dân phố văn hóa 5 không trong các tầng lớp nhân dân, tạo nên phong trào thi đua bảo vệ môi trường rộng rãi trong các tổ chức, cá nhân.

Kết quả, đường phố Thanh Xuân Nam đã khang trang, sạch đẹp hơn, không còn đổ rác bừa bài, không còn chân rác. Trên địa bàn phường không còn các hộ đun than tổ ong, từng ngõ phố đã đẹp lên, trang hoàng lộng lẫy trong các dịp lễ Tết. Rác thải nhựa được thu gom trở thành nguồn thu đáng kể của các Chi hội phụ nữ, xây dựng chân quỹ Hội hoạt động, làm từ thiện, tặng quà bệnh nhi bệnh viện K Tân Triều, thăm hỏi chị em ốm đau hoạn nạn…

Để giữ môi trường sạch, đẹp, quận Hoàng Mai còn phát huy tính năng ưu việt của mạng Zalo (truyền tải thông tin, hình ảnh nhanh, rõ; tiết kiệm chi phí...). Hơn 2 năm qua, quận đã triển khai ứng dụng mạng Zalo đến từng địa phương để gìn giữ vệ sinh môi trường. Qua mạng Zalo với các nhóm như: “Nhóm đôn đốc trật tự đô thị”, “Nhóm vấn đề nóng về vệ sinh môi trường”, việc giữ vệ sinh môi trường được duy trì hiệu quả ở mỗi phường, phố phường trở nên sáng, đẹp.

Hà Nội: Nhiều giải pháp xanh bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Tổ phụ nữ 22 khu dân cư số 5 Phường Thanh Xuân Nam tham gia thu gom phế liệu.

Triển khai ứng dụng nhóm Zalo không chỉ góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhân dân, mà còn giúp cơ quan chuyên môn xử lý nhanh “điểm nóng” gây ô nhiễm môi trường tại cơ sở. Với hiệu quả “kép” về truyền tải thông tin nhanh và tiết kiệm chi phí, vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, những bất cập về hạ tầng kỹ thuật, sự cố do mưa bão... đã được các thành viên trong nhóm Zalo kịp thời xử lý và báo cáo kết quả, phản ánh bằng hình ảnh trên nhóm nhanh chóng.

Trong phong trào bảo vệ môi trường tại Hà Nội thời gian qua phải kể đến những giải pháp của huyện Đông Anh và một số quận huyện lân cận. Theo thống kê, tổng lượng rác thải của người dân ở huyện Đông Anh thải ra mỗi năm tăng thêm hàng trăm tấn, trong đó có nhiều loại đồ dùng thải bỏ chưa được phân loại, bao gồm các chất độc hại, dẫn đến tình trạng dồn ứ tại các bãi rác, nhất là vào dịp lễ Tết. Từ thực trạng đang diễn ra, huyện Đông Anh đã thí điểm phân loại rác tại nguồn nhằm giảm lượng rác hữu cơ thải thẳng ra môi trường. Song song đó, người dân còn biến rác hữu cơ thành những chế phẩm hỗ trợ trong sản xuất, chăn nuôi.

Trên địa bàn quận Long Biên hiện có 17 câu lạc bộ “Tình nguyện vì môi trường” tại 14 phường được thành lập với sự tham gia của hàng nghìn người dân. Từ người già đến trẻ nhỏ ở các khu dân cư đều sẵn sàng xắn tay nhặt rác, dọn cỏ, cầm chổi quét đường...

Nổi bật nhất là giải pháp xử lý rác thải vi sinh tại hộ gia đình của Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ ECO Việt Nam. Triển khai từ năm 2021, giải pháp đã thu hút hàng nghìn hộ gia đình huyện Đông Anh tham gia xử lý rác sinh hoạt bằng chế phẩm vi sinh. Không chỉ áp dụng theo hộ gia đình, giải pháp còn sử dụng được trong khu dân cư, trường học, chợ và bãi chôn lấp.

Giải pháp này đã được nhiều nơi triển khai rộng, giúp giảm phần nào lượng rác thải phải thu gom, xử lý mỗi ngày, kiểm soát mùi hôi phát sinh trong quá trình rác thực phẩm phân hủy... Ngoài xử lý rác bằng chế phẩm vi sinh, người dân Đông Anh còn tái sử dụng, biến rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ đơn giản, giàu dinh dưỡng với thực vật, lại thân thiện với môi trường... Nhờ vậy, huyện Đông Anh đã giảm hơn 50% lượng rác cần gom xử lý và giảm thiểu đáng kể chi phí vận chuyển, thu gom rác hữu cơ, tiết kiệm một khoản đáng kể cho Ngân sách Nhà nước...

Hà Nội: Nhiều giải pháp xanh bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Hà nội đã thu gom tái chế được hàng tấn vỏ hộp sữa tại các trường học.

Bên cạnh giải pháp xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, việc thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy là một trong những hoạt động được nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội áp dụng trong những năm qua. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có khoảng hơn 90% học sinh các trường mầm non, tiểu học công lập trên địa bàn thành phố tham gia chương trình sữa học đường, đồng nghĩa với việc một lượng lớn hộp sữa sẽ thải trực tiếp ra môi trường. Chính vì vậy công tác thu gom, tái chế hộp sữa giấy sau khi sử dụng sẽ làm giảm lượng rác thải và cũng là cơ hội để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường chính từ các vỏ hộp sữa đó.

Được chọn là 1 trong 4 quận thí điểm chương trình “Xây dựng trường học xanh vì một Hà Nội xanh” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, hoạt động thu gom vỏ hộp sữa học đường được ra đời, quận Hoàn Kiếm đã thu gom hơn 500 tấn vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn quận; đem đi tái chế thành giấy, móc treo quần áo, vật liệu xây dựng...

Đã có hơn 1.000 trường học ở 30 quận, huyện đã thực hiện mô hình thí điểm, giúp các tỉnh thành ngoài Hà Nội có cơ hội tham khảo và làm theo chương trình ý nghĩa này. Xuất phát từ chương trình cho học sinh, hoạt động thu gom vỏ hộp sữa đã lan tỏa ra cả cộng đồng, đến nhiều tổ chức xã hội, khu dân cư, thậm chí các khu công nghiệp, doanh nghiệp cũng tham gia thực hiện. Chương trình hình thành một hoạt động nhỏ có tác động lớn, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh sạch đẹp và giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về môi trường.

Hà Nội: Nhiều giải pháp xanh bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Phụ nữ quận Hoàng Mai đoạt giải 3 Hội thi Tác phẩm bảo vệ môi trường.

2022 là năm có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 có hiệu lực (từ 1/1/2022). Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, cải thiện sức khỏe của người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Từ những hoạt động quyết liệt, hiệu quả tại các quận, huyện, có thể thấy, công tác bảo vệ môi trường tại Thủ đô luôn được chú trọng. Nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình từ người dân, nhiều chiến dịch, mô hình, giải pháp đã được phát huy tính hiệu quả cộng đồng, từ đó, mang lại động lực, niềm hứng khởi cho người tham gia, cũng như các công nhân môi trường tiếp tục duy trì các hoạt động nhằm bảo vệ chất lượng cuộc sống, cảnh quan đô thị của Thủ đô.

NGUYỄN HOA

 

Gửi bình luận của bạn