Minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích - nguồn tài chính trong hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

  • MÔI TRƯỜNG
  • 15:45 08/11/2022

(SK&MT) - Ngày 07/11/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Hội thảo đã có hàng trăm đại biểu từ các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các doanh nghiệp, hiệp hội tái chế, xử lý chất thải. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích - nguồn tài chính trong hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải 

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT phát biểu khai mạc hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT - Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư cho biết nguồn tài chính đóng góp từ nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc xử lý chất thải sinh hoạt, tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích khác ngoài tái chế, xử lý chất thải. Đây là điểm khác biệt giũa khoản đóng góp khoản tài chính này so với các loại thuế, phí môi trường hiện nay. Đây là nguồn tài chính quan trọng để thúc đẩy để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế hiện đại, thân thiện môi trường, đồng thời đây cũng là nguồn tài chính bổ sung quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương để góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt vốn rất bức xúc hiện nay. Nguồn tài chính này không chỉ được ban hành, Bộ TN&MT sẽ tổ chức giải ngân khoản đóng góp này để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện các hoạt động xử lý chất thải trong năm 2023.

Ông cũng cho biết thêm, mục đích xây dựng, ban hành Thông tư này để quản lý, sử dụng nguồn tài chính đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu một cách minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích – nguồn tài chính này không phải là thuế, phí nên không đưa vào ngân sách mà sẽ được sử dụng hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế, xử lý chất thải. Đại diện Bộ TN&MT cho biết hiện nay các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải đã đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và để sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn tài chính này thì cần thiết phải có quy định của pháp luật điều chỉnh.

Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó được thải bỏ. Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định 02 trách nhiệm gồm tái chế và xử lý chất thải. Đối với trách nhiệm tái chế, doanh nghiệp phải tự mình tổ chức tái chế một số sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế. Đối với trách nhiệm xử lý chất thải, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số sản phẩm, bao bì phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải.

Minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích - nguồn tài chính trong hỗ trợ tái chế, xử lý chất thảiToàn cảnh hội thảo

 

Nguồn tài chính đóng góp từ nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc xử lý chất thải sinh hoạt, tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích. Đây là nguồn tài chính bổ sung quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương để góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt vốn rất búc xúc hiện nay. Nguồn tài chính này không chỉ tạo ra cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp tái chế mà còn giúp giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ soạn thảo và giao Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Tại Hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT đã giới thiệu quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và giới thiệu dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Theo Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT, dự thảo Thông tư quy định 02 cơ chế hỗ trợ tài chính gồm hỗ trợ các hoạt động tái chế và hỗ trợ các hoạt động phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Về hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải, dự thảo Thông tư quy định có 2 loại hỗ trợ tài chính gồm: 1) hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế theo khối lượng tái chế và 2) hỗ trợ tổ chức, cá nhân có các hoạt động phân loại, thu gom sản phẩm, bao bì cho mục đích tái chế. Mức hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tái chế được xác định theo khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế; mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân có hoạt động phân loại, thu gom sản phẩm, bao bì được xác định theo khối lượng sản phẩm, bao bì được phân loại, thu gom.

Về hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải, dự thảo Thông tư quy định có 03 loại hình hỗ trợ gồm hỗ trợ: 1, Chủ đầu tư dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 2, chủ dự án ứng dụng sáng chế về xử lý chất thải rắn sinh hoạt được nhà nước bảo hộ và 3, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp có các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, bao gồm bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Mức hỗ trợ tài chính tùy thuộc vào từng đối tượng, địa bàn và hoạt động cụ thể.

Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện, hồ sơ, quy trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tái chế, xử lý chất thải, kèm theo các cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính do nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích - nguồn tài chính trong hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

Các đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, đại diện các địa phương doanh nghiệp, hiệp hội tái chế xử lý chất thải đã tham gia góp ý trực tiếp vào từng nội dung của dự thảo Thông tư. Đại đa số  các đại biểu tham dự đều đồng tình với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Thông tư, mong muốn Thông tư sớm được ban hành để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động tái chế, hỗ trợ địa phương trong các hoạt động xử lý chất thải. Một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng hoạt động được hỗ trợ để đảm bảo sự tham gia của nhiều bên trong hoạt động bảo vệ môi trường. Qua Hội nghị có nhiều kiến nghị của  các hội như Hội LTTP, và 10 Hiệp hội ngành hàng chủ lực của Việt Nam đã có thư kiến nghị gửi đến Bộ trưởng Bộ TN&MT với nhiều nội dung góp ý, ý kiến đề xuất hết sức chân thành nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện Dự thảo, giúp quản lý và sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các khoản đóng góp của doanhn nghiệp để tái chế  sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường, phù hợp với pháp luật hiện hành.

Kết luận tại Hội thảo, đại diện Bộ TN&MT cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp rất thực tiễn của các đại biểu, phù hợp với nhu cầu hiện nay và khẳng định các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được tổng hợp, nghiên cứu để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Thông tư. Theo kế hoạch, Thông tư này sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành cuối năm 2022 và dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

X.Vinh – X.Phú

 

 

Gửi bình luận của bạn