Phú Thọ: Xã Quảng Yên, chính quyền làm ngơ cho “đất tặc”?

  • MÔI TRƯỜNG
  • 12:17 10/03/2023

(SK&MT) Đất được coi là một loại khoáng sản, người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ, không được tự ý khai thác trái phép.

Khai thác tài nguyên khoáng sản nói chung và đất nói riêng phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác. Tuy nhiên, tại một số địa phương, lợi dụng việc đất giao để phục vụ cho dự án thì doanh nghiệp lại khai thác tận thu, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái quy định.

Phú Thọ: Xã Quảng Yên, chính quyền làm ngơ cho “đất tặc”?

Từ thực tiễn trên, Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã triển khai thực hiện chuyên đề nghiên cứu: "Công tác quản lý tài nguyên - khoáng sản ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ: Thực trạng và giải pháp".

Phú Thọ là tỉnh đang trên đà phát triển với mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, Phú Thọ luôn có nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên, khoáng sản đất rất lớn. Để đảm bảo không lãng phí tài nguyên đất, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, các địa phương trong tỉnh đã từng bước chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai theo hướng chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo cho nhu cầu phát triển bền vững. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai là vấn đề khó, vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng, chồng chéo bất cập ở một số địa phương…

Khảo sát thực tế tại xã Quảng Yên, Huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Có mặt tại thôn Hưng Long, xã Quảng Yên, phóng viên đã ghi nhận có hiện tượng khai thác đất một cách ngang nhiên, gây tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm môi trường mà không hề có sự can thiệp nào từ các cơ quan chức năng.

Ông N.V.V tại đây cho biết:

“Đồi đất mà đơn vị đang khai thác là đất của Lâm Trường đã giao cho Công ty Bắc Ái để phục vụ dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang, còn đơn vị khai thác thì tôi không biết là ai nhưng đất họ lấy đi chở cho một số hộ dân quanh đây cũng như tập trung chính là đổ san lấp mặt bằng cho hộ gia đình ông Thức.”

 Liên quan đến việc khai thác “đất tặc” một cách ngang nhiên, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Thành Long – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên cho biết:

“Địa điểm đang diễn ra việc khai thác đất này là đất Lâm Trường đã giải phóng mặt bằng và giao cho công ty Bắc Ái để phục vụ cho dự án dự án Cao tốc, đơn vị đang khai thác đất vẫn là người của công ty, còn họ tự thỏa thuận với dân để cho họ để nhờ... Đúng là cũng có tình trạng họ đổ đất cho một số hộ dân để sử dụng không đúng mục đích đất, xã cũng đã cho lập biên bản. Việc đang san lấp tại hộ gia đính ông Thức là có, nhưng đất đấy đã có sổ đất trồng cây lâu năm.”

Thế nhưng, khi Phóng viên yêu cầu tiếp cận một số tài liệu liên quan đến việc lập biên bản và cam kết bảo vệ môi trường của đơn vị thi công, thì vị Phó Chủ tịch xã cho biết thêm: “Tôi chuẩn bị đi có việc, còn hôm nay đồng chí Khánh cán bộ địa chính phụ trách giấy tờ liên quan đi vắng nên không cung cấp được...”

Phú Thọ: Xã Quảng Yên, chính quyền làm ngơ cho “đất tặc”?

Tuy nhiên, ngay sau khi làm việc xong với UBND xã Quảng Yên, khi phóng viên quay trở lại địa điểm khai thác thì tại hiện trường khai thác máy móc đã được di chuyển ra khỏi khu vực múc đất.

Để đảm bảo việc khai thác và vận chuyển khoáng sản diễn ra đúng quy định, tránh thất thoát tài nguyên, thất thoát thuế của Nhà nước và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Toà soạn Tạp chí Sức khoẻ và Môi trường nhận định những tồn tại như trên, gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ xem xét, kiểm tra, khắc phục tồn tại trên.

 

Theo quy định của pháp luật, khoáng sản được định nghĩa như sau. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Như vậy, đất có thể coi là một loại khoáng sản. Trong quá trình sử dụng thì người sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ phần đất đó, không được tự ý khai thác trái phép. Khi khai thác tài nguyên đất phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác.

Theo quy định của Luật khai thác khoáng sản 2010 trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc bảo vệ khoáng sản được thể hiện như sau:

“a) Khi thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;

b) Khi khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được”

Hoạt động khai thác khoáng sản được hiểu là quá trình thực hiện nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm các công đoạn như: xây dựng mỏ, khai đào, phân loại, và các hoạt động khác có liên quan. Hoạt động này phải có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan có thẩm quyền mới được tiến hành và được tính bắt đuầ từ khi mỏ bắt đầu xây dựng cơ bản, khai thác bình thường theo công thức thiết kế, cho đến khi mỏ kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ – phục hồi môi trường).

Theo đó, có thể hiểu, khai thác khoáng sản trái phép là hoạt động thu hồi khoáng sản của cơ quan, tổ chức không có quyền hoặc có quyền mà thực hiện không đúng phạm vi quyền của mình, không được sự chấp thuận, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do là hành vi vi phạm pháp luật nên khai thác khoáng sản trái phép sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ, tính chất, phạm vi vi phạm.

 

Khánh Tuấn

Gửi bình luận của bạn