Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

  • MÔI TRƯỜNG
  • 09:40 14/10/2022

(SK&MT) – Hiện nay, quảng cáo ngoài trời là một nền tảng tiếp thị tuyệt vời, mang lại nền kinh tế cao cho các doanh nghiệp, cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay loại hình này đang bị lạm dụng quảng cáo bừa bãi, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc không nhỏ tới cộng đồng dân cư.

Mỗi năm, Hà Nội có vô số tờ rơi, banner, biển quảng cáo ngoài trời bị tháo dỡ bởi cơ quan chức năng nhưng thực trạng này không giảm đi, không gian đô thị bị bủa vây bởi rác quảng cáo từ quy mô lớn đến rao vặt nhỏ lẻ. Rác quảng cáo xuất hiện “vô duyên” trên các tòa nhà cao tầng, bờ tường, cột điện hay cây xanh công cộng tại nhiều tuyến phố của thủ đô Hà Nội đã không còn gì xa lạ. Tình trạng “người bóc cứ bóc, người dán cứ dán” dường như là chuyện “như cơm bữa”.

Khảo sát nhanh tại nhiều tuyến phố thuộc quận Đống Đa cho thấy, nhan nhản trên các tòa nhà cao tầng xuất hiện những biển quảng cáo lớn và siêu lớn. Không ít biển quảng cáo đã vô tình hoặc cố ý che khuất diện mạo kiến trúc của các tòa nhà, từ đó tạo nên một bộ mặt đô thị chắp vá.

Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

Biển quảng cáo che khuất diện mạo kiến trúc của các tòa nhà.

Không những vậy, hầu hết trên các trụ điện, tủ trạm biến áp, cột đèn tín hiệu giao thông, tường nhà dân, thậm chí cả các cây xanh đều bị bủa vây bởi những tờ quảng cáo, rao vặt. Tình trạng này xuất hiện thường xuyên, liên tục, diễn ra trong thời gian dài và không có dấu hiệu dừng lại.

Trong các ngõ, ngách, không khó để nhận ra những tấm bảng biển, băng rôn, những dòng quảng cáo, rao vặt với đủ loại nội dung “thượng vàng hạ cám” từ chăm sóc thẩm mỹ đến dịch vụ dọn dẹp vệ sinh, khoan cắt bê-tông, tìm người giúp việc, tuyển việc làm, hút hầm cầu, rao bán nhà đất, diệt mối tận gốc, lắp đặt... rất lộn xộn, tùy tiện dán trên mặt tường tại nhiều ngõ ngách, giấy cũ đè lên giấy mới khiến cảnh quan đô thị trở nên nhem nhuốc, khó coi.

Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

Biển quảng cáo lấn chiếm vỉa hè tại đường Tây Sơn (P. Quang Trung, Q. Đống Đa).

Đặc biệt, những loại giấy này được dán từ khi nào, nhiều hộ dân đều không phát hiện ra. Nhiều gia đình có tường nhà ngay cạnh đường khổ sở vì tường nhà mình vốn được quét sơn sạch đẹp, chỉ vài hôm sau lại bị các đối tượng đem đủ loại giấy quảng cáo với nhiều màu sắc dán lên mặt tường. Cấm không được, xóa cũng không xong, nhiều nhà đành “miễn cưỡng” chia sẻ không gian tường nhà cho nạn rác quảng cáo.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Huyền (Khâm Thiên, Đống Đa) bức xúc: “Tôi không hiểu họ đem giấy quảng cáo đi dán như vậy có ai quan tâm hay không nhưng thật sự vô cùng bức xúc khi mặt tường nhà mình vừa mới sơn sửa lại ngày hôm qua, vài hôm sau xung quanh bức tường đã bị dán đủ kiểu tờ quảng cáo như khoan cắt bê tông, hút bể phốt, gọi gas, chăm sóc sắc đẹp. Nhiều lần như thế, chúng tôi cũng nản, nên bất lực, mặc kệ họ muốn dán gì thì dán”.

Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

Đủ loại quảng cáo được dán nham nhở tại các trụ điện.

Với nỗ lực chỉnh trang mỹ quan đô thị, chính quyền Hà Nội đã nhiều lần ra quân dẹp loạn rác quảng cáo bằng việc cạo, bóc các mẩu tin quảng cáo nhưng cũng chỉ mang tính “chiến dịch”. Đằng sau lần ra quân rầm rộ đó lại là những bức tường loang lổ giấy dán chưa xé hết, nhếch nhác vô cùng. Đây là một vòng luẩn quẩn “kẻ dán, người bóc” và chưa thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, một hình thức xuất hiện bắt mắt, được cho là khó tháo dỡ đó là treo lủng lẳng các tấm banner lên cột điện hoặc cây xanh công cộng. Hiện nay, đi dọc quận Đống Đa, không khó để bắt gặp những bảng biển, băng rôn quảng cáo đã cũ, hỏng hoặc rách nhưng vẫn không được gỡ xuống. Nhưng loại quảng cáo này sống bền bỉ, không chỉ làm xấu phố phường, ảnh hưởng đến môi trường đô thị mà còn gây trở ngại cho người tham gia giao thông khi bị che khuất tầm nhìn.

Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

Anh N.V.H, người chuyên thiết kế và in ấn biển quảng cáo, banner ca nhạc cho biết, loại bảng biển này được làm từ chất liệu tốt và được tính toán, thiết kế sao cho đủ dài, đủ rộng theo kích cỡ quy định trong Luật quảng cáo, sau đó được treo cố định bằng dây thép ở một độ cao nhất định. Với cách thức như vậy, khó ai có thể giật xuống nếu như không có sự giúp đỡ của những chiếc thang.

Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

Luật Quảng cáo quy định cá nhân, tổ chức treo băng-rôn quảng cáo thì không mất phí, đồng thời “cởi mở” hơn khi cho phép được quảng bá sản phẩm, thương hiệu khi có nhu cầu. Chỉ cần nội dung quảng cáo không vi phạm quy định về thẩm mỹ, không xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, kỳ thị người khuyết tật, không quảng cáo rượu, thuốc lá... và không dùng nền đỏ màu quốc kỳ là được. Luật cũng quy định, quảng cáo chỉ được treo ở cột đèn chiếu sáng, không được treo ở trụ điện, cột đèn tín hiệu giao thông, cây xanh công cộng. Thế nhưng, hiện nay chẳng trụ điện nào trên hầu hết những tuyến phố ở Hà Nội là “thoát” được cảnh quảng cáo đu bám.

Từ “rác” quảng cáo đến ô nhiễm môi trường đô thị

"Rác quảng cáo" treo nham nhở trên các cây xanh công cộng, cột đèn điện gây mất mỹ quan đô thị.

Theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 121 và Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch quy định: Phạt tiền đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Phạt từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo...

Còn theo Điều 34 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

Dù quy định là vậy nhưng hành vi quảng cáo bừa bãi nơi công cộng vẫn chưa thể dẹp bỏ. Đồng ý rằng quảng cáo là lời chào của thương hiệu, việc tiếp thị, mở rộng không gian cho thông tin về sản phẩm kinh doanh là quan trọng tuy nhiên, đã đến lúc phải nhìn nhận lại về hiệu quả mà các hoạt động đó mang lại. Chính quyền địa phương cần ràng buộc trách nhiệm với từng cơ sở. Mặt khác, ngành Văn hóa cũng cần có những đề xuất, kiến nghị giải pháp mới để việc xử lý vi phạm thực sự hiệu quả, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Để diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý, giám sát khu vực, phạt nặng các đối tượng cố tình vi phạm nhiều lần. Cùng với đó, tiến hành tuyên truyền rộng rãi các điểm quảng cáo, rao vặt miễn phí trên địa bàn để người dân biết và thực hiện quảng cáo, từng bước xóa những “điểm đen” cố hữu, trả lại cảnh quan sạch, đẹp cho đô thị.

THANH LAM - ĐỨC VŨ

Gửi bình luận của bạn