(SK&MT) - Vai trò của cây xanh trong bảo vệ môi trường cũng như xa hơn là phát triển bền vững cho thấy trồng và bảo vệ rừng đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Vì vậy, cần có sự chung tay góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường và giảm biến đổi khí hậu.
Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu nước ta ngày càng rõ rệt, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp. Tỉ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của toàn cầu.
Lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng
Trong bối cảnh đó, Tết trồng cây - một truyền thống đẹp đã được "khởi động" bằng sáng kiến trồng một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và cụ thể hóa bằng Chỉ thị 45/CT-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021 đã đề ra mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, riêng năm 2021, chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020…Đây là hành động thiết thực để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường, chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”.
Xác định trồng rừng có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, UBND tỉnh Yên Bái luôn sát sao chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hạt Kiểm lâm Yên Bái phối hợp với các huyện, thị xã rà soát diện tích rừng nghèo, rừng năng suất thấp để chuyển sang trồng các loại cây vừa đạt hiệu quả trong phát triển kinh tế, vừa đảm bảo độ che phủ của rừng.
Với tổng diện tích đất rừng trồng gần 220.000ha, những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn tích cực đẩy mạnh phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với vai trò là chìa khóa, Yên Bái đã cụ thể hóa Đề án, đưa kế hoạch trồng cây trở thành phong trào thi đua các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, trong từng khu nông thôn, khu đô thị, khuôn viên trường học, khu công nghiệp, công sở… với sự tham gia của mọi người dân; huy động tối đa nguồn lực của xã hội, từng bước nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng, tăng cường sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng trong bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Để tiếp tục đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng và thực hiện có hiệu quả Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, tỉnh đã cụ thể hóa bằng kế hoạch và giao trách nhiệm cũng như các giải pháp thực hiện căn cơ, bài bản.
Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu triển khai, song với sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của UBND các cấp, kế hoạch trồng “1 tỷ cây xanh” theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ được triển khai sâu rộng với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên toàn tỉnh. Công tác trồng cây phân tán, trồng rừng mới tập trung đã có nhiều chuyển biến và đạt kết quả tốt. Mục tiêu hết năm 2025, tỉnh trồng mới 32.822 triệu cây xanh gồm: 25 triệu cây xanh phân tán, 7.822 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất bằng loài cây thân gỗ, cây lâu năm, cây đa mục tiêu và ưu tiên các loài cây bản địa.
Tuy nhiên, giá trị sản xuất lâm nghiệp trong phát triển kinh tế của tỉnh Yên Bái chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Dù số lượng có tăng nhưng năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng còn thấp, chưa có sản phẩm chế biến sâu, chất lượng nhiều loại sản phẩm lâm nghiệp chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Tuy đã hình thành được một số chuỗi sản xuất lâm nghiệp nhưng mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm đặc sản như quế, sơn tra…
Yên Bái phấn đấu trồng mới 15.500 ha rừng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%
Chính vì vậy, để phủ xanh Yên Bái cũng như nhiều địa bàn khác trên cả nước, ngoài việc dựa vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước, rất cần sự đồng lòng góp sức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đa mục tiêu về xã hội, môi trường, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ các giống cây quý hiếm; tạo thu nhập cho người dân làm nghề rừng.
Là doanh nghiệp đề cao việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và hoạt động có trách nhiệm với cộng đồng, Tập đoàn Stavian đã và đang trong quá trình thực hiện kế hoạch tài trợ 20.000 cây xanh tại tỉnh Yên Bái nhằm hưởng ứng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong những ngày cuối năm 2022, số cây này sẽ được phủ xanh trên khu vực đồi trọc và rừng cây tại 2 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình thuộc huyện Mù Cang Chải. Qua đó, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống gắn bó với rừng. Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của môi trường rừng và phát triển bền vững
Việc thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, phát triển cây xanh trong toàn xã hội, đồng thời góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia. Phát huy sức mạnh từ nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh.
THANH LAM
Rác thải nhựa khiến hàng triệu người trên thế giới có nguy cơ hứng chịu lũ lụt
Giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn
Cần xử lý tình trạng cố tình “chây ì” không khắc phục vi phạm ảnh hưởng đến đất và môi trường sống
Ứng Hòa - Hà Nội: Cần xử lý việc bán “đất thải” trái quy định
Miền Bắc trời chuyển mát từ sáng 8/5
Hậu Lộc (Thanh Hóa): Những bất cập việc giao khoán hàng nghìn m2 đất nuôi trồng thủy sản
Mỹ Đức - Hà Nội: Cần xử lý nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất - kinh doanh vật liệu
Tam Dương (Vĩnh Phúc): Người dân bức xúc vì ô nhiễm từ trang trại lợn tại xã Hướng Đạo
Nghệ An: Xử phạt cơ sở tái chế dầu nhớt thải nguy hại trái phép