TP.HCM: Xử phạt nặng quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang thông tin điện tử

  • PHÁP LUẬT
  • 11:26 07/07/2020

(SK&MT) - Quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung được xác nhận... trên các trang thông tin điện tử sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 40 triệu đồng, tùy theo từng cách thức, nội dung.

Liên quan đến vấn nạn quảng cáo ẩu, sai sự thật thực phẩm chức năng trên các trang thông tin điện tử, cũng như việc sử dụng hình ảnh, tên tuổi của các y tá, bác sĩ mà không xin phép PGS. Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP.HCM, thông tin cho PV Sức khỏe&Môi trường, rằng cơ quan này đã bắt tay thực hiện thanh tra chuyên đề trong suốt tháng 7/2020 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang thông tin điện tử”.

Nhiều người “tiền mất tật mang”

Đầu tháng 6/2020, em T.N.P.H (17 tuổi, trú tỉnh Ninh Thuận) phải nhập BV Da liễu TP.HCM trong tình trạng da mặt lở loét, rớm máu và sưng phù. Qua tìm hiểu, thiếu nữ trần tình với các bác sĩ rằng, do em quá mê làn da trắng đẹp như các nữ diễn viên Hàn Quốc, nên đặt mua sản phẩm lột thay da sinh học Collagen ở một trang thông tin điện tử để thỏa ý nguyện.

Theo nạn nhân, quảng cáo của sản phẩm này “cực kỳ bắt mắt, cuốn hút người có nhu cầu” với nhiều hình ảnh da lột ra từng mảng lớn, trắng như trứng gà, đính kèm cam kết “trắng mịn không tỳ vết”, trong khi giá bán sản phẩm này chỉ có 65 ngàn đồng. “Quá rẻ nên em đã không ngần ngại mua về sử dụng, hy vọng da mình cũng sẽ trắng hệt như quảng cáo vậy”- H. giải thích.

TP.HCM: Xử phạt nặng quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang thông tin điện tử

Mua sản phẩm lột thay da sinh học Collagen trên một trang thông tin điện tử em T.N.P.H (17 tuổi, trú tỉnh Ninh Thuận) phải nhập BV Da liễu TP.HCM trong tình trạng da mặt lở loét, rớm máu và sưng phù.

Tuy nhiên, sự thực quá khác xa quảng cáo. Ngày thứ nhất, sau lần đầu thoa, H. cảm thấy da đỏ ửng, đến tối cùng ngày khi thoa lần 2 thì da càng đỏ hơn, kèm cảm giác nóng rát, châm chích nhiều. Thấy da có dấu hiệu bong tróc, H. bèn dùng tay gỡ khiến da bị chảy máu. Sang đến ngày thứ hai, sau khi thức dậy thấy mặt hơi sưng, nhưng H. vẫn kiên trì sử dụng, tiếp tục thoa thuốc để tẩy trắng da mặt. Và, đến ngày thứ ba, thì H. thực sự hoảng sợ, vì mặt em sưng phù, đầy mụn mủ, chảy nước vàng...

Trước đó, vào tháng 3/2020, TS-BS.Đỗ Quang Hùng- Trưởng khoa Thẩm mỹ- BV Chợ Rẫy phải sử dụng trang cá nhân (facebook) để thanh minh cho vợ là TS-BS.Lê Thị Thu Hà- Trưởng khoa Sản -BV Từ Dũ. “Sản phẩm Hatachi Việt Nhật đã lừa đảo khách hàng trắng trợn bằng cách lấy hình ảnh và giả vai BS.Lê Thị Thu Hà nè bà con”- BS.Hùng viết và không quên đính kèm nhiều ảnh chụp “vợ mình” đang tư vấn online thực phẩm chức năng chống bạc tóc.

Hay như BS.Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh -BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng từng lên trang facebook của mình thanh minh “hổng phải tui nghen bà con”, sau khi quá nhiều người gọi hỏi về món thực phẩm chức năng có gắn tên của BS.Khanh. TS-BS.Võ Xuân Sơn (Phòng khám quốc tế EXSON) cũng từng là nạn nhân của nhiều trang thông tin điện tử khi bị ghép ảnh ông đang quảng cáo thực phẩm chức năng “cường dương cường lực”.

Sẽ phạt nặng

Phòng Thanh tra BQL An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết qua rà soát lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang thông tin điện tử có 5 vi phạm thường xuyên diễn ra. Cụ thể: Quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân... để gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thiếu nội dung khuyến cáo “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; quảng cáo bình bú, vú ngậm nhân tạo, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi…

Theo Phòng Thanh tra, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi “quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng, gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”; phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi “quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”.

Riêng các hành vi như quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân... có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng cho từng hành vi vi phạm.

Ngoài ra, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, sau khi kết thúc thanh tra chuyên đề, thời gian tới, cơ quan này vẫn “đặc biệt quan tâm vấn nạn quảng cáo ẩu thực phẩm chức năng để tiếp tục phát hiện, xử phạt, ngăn chặn kịp thời”.

Trường Giang

Gửi bình luận của bạn