(SK&MT) – Sau khi ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ thứ 2, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các viện trực thuộc Bộ Y tế tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Cụ thể, sáng ngày 20/10, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) cho biết vừa phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ thứ hai. Đây cũng là ca đậu mùa khỉ thứ hai của cả nước cho đến lúc này, ca đầu tiên được báo cáo ngày 3/10.
Tăng cường kiểm soát người nhập cảnh tại các cửa khẩu (Ảnh minh họa)
Theo đó bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ thứ hai là nữ, 38 tuổi, thường trú tại Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29-9 đến 18-10.
Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11-10 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.
Người này khởi phát sốt ngày 18-10, có nổi mụn nước nhưng khi về đến Việt Nam (nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) được kiểm dịch y tế rà soát phát hiện.
Tiến hành khai thác thông tin dịch tễ, các nhân viên y tế nghi ngờ và sau đó chuyển người này về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM làm xét nghiệm Realtime PCR. Kết quả ban đầu cho thấy bệnh nhân dương tính với đậu mùa khỉ.
Sau khi nhận được thông tin về hành khách trên chuyến bay nhập cảnh từ Dubai có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi mắc đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch viên y tế (thuộc HCDC) tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với đội y tế khẩn nguy sân bay tiếp cận ngay người bệnh ngay khi tàu bay vừa hạ cánh và đưa vào khu vực riêng để thực hiện khám sàng lọc và khai thác các yếu tố dịch tễ.
Được biết, người phụ nữ này và người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên (nay đã khỏi bệnh) đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung. Khi biết bạn có các triệu chứng tương tự, bệnh nhân đầu tiên đã thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) biết để hỗ trợ cách ly, chẩn đoán và điều trị.
Theo Sở Y tế TP. HCM, nhờ sự chủ động ứng phó của ngành y tế và ý thức tốt của người bệnh nên trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ thứ hai đã được cách ly và xử lý phòng, chống lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, không để lây lan trong cộng đồng.
Liên quan tới ca bệnh này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, tập trung giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. Các viện trực thuộc Bộ Y tế cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Sở Y tế TP. HCM cần tiếp tục giám sát theo dõi, điều tra dịch tễ, điều trị hiệu quả ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai, báo cáo kịp thời viện đầu ngành trên địa bàn để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn. Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, và hình thành một lớp da mới. Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời. |
MẠNH HIỆP
Trẻ hóa Nano Fiber - Dẫn đầu xu hướng xóa nhăn hiệu quả bền vững tại Việt Nam
Phòng khám đa khoa Tâm Đức: Địa chỉ chăm sóc sức khỏe tin cậy
Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể
Phẫu thuật nội soi bóc khối u nang buồng trứng xoắn và bảo tồn thành công buồng trứng cho bệnh nhân
Cứu sống trẻ 4 tháng tuổi bị chảy máu não do hội chứng rung lắc
Quảng Ninh: Tiếp tục tập trung giám sát và kiểm soát tốt dịch bệnh trong tình hình mới
Cảnh báo nguy cơ xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron vào dịp lễ, Tết