(SK&MT) - Các nước kém phát triển dự kiến đề xuất áp thuế toàn cầu liên quan đến khí hậu để lập quỹ bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước phát triển gây ra. Theo dự kiến, đề xuất sẽ được thảo luận tại Khóa họp 77 của Đại Hội đồng LHQ trong tuần này.
Theo đề xuất, quỹ trên có thể được huy động bằng cách áp thuế carbon toàn cầu, áp thuế đối với hoạt động hàng không cũng như nhiên liệu gây ô nhiễm nghiêm trọng và thải ra nhiều khí carbon, tăng thuế khai thác nhiên liệu hóa thạch...
Đề xuất cũng đưa ra các phương án huy động nguồn quỹ từ các nước giàu thông qua các thể chế tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và khu vực tư nhân.
Nhiều khả năng, các phương án huy động quỹ bù đắp cho những tổn thất và thiệt hại nói trên sẽ khó được các quốc gia giàu có đồng ý vào thời điểm chi phí nhiên liệu hóa thạch tăng cao, giá lương thực tăng và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt xảy ra trên toàn thế giới.
Dù tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh) năm 2021, các nước giàu đã nhất trí cần có 1 cơ chế khắc phục tổn thất và thiệt hại, nhưng chưa có thỏa thuận nào về cách thức bồi thường hoặc các bên sẽ đóng góp. Dự kiến đây sẽ là chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại COP27 ở Ai Cập vào tháng 11 tới.
Tại COP26, nhìn chung các cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp và các nước nhất trí cần phải hạn chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều biến động địa chính trị kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, các cuộc đàm phán năm nay khả năng sẽ diễn ra căng thẳng hơn.
Thiệt hại đối với các nước kém phát triển có thể gia tăng trong bối cảnh nắng nóng khắc nghiệt trên toàn cầu.
Một báo cáo riêng do Antigua và Barbuda đệ trình lên Liên hợp quốc cảnh báo nhiệt độ và nước biển gia tăng tại vùng Caribe có thể gây ra một siêu bão trong vòng vài năm, gây thiệt hại 7,9 tỷ bảng Anh (gần 9 tỷ USD) chỉ riêng tại Antigua và Barbuda, cao gấp 6 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của nước này.
Mạnh Thắng
Biến đổi khí hậu - mối đe dọa ngang với khủng hoảng tài chính
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO): Khí hậu toàn cầu đang tệ hơn từng ngày
Nạn phá rừng ở Amazon - Hợp tác toàn cầu để bảo vệ rừng
Năng lượng tái tạo giúp châu Âu tiết kiệm hàng chục tỷ USD
Indonesia với tham vọng sớm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Đề xuất áp thuế toàn cầu liên quan đến khí hậu
Các nước Đông Nam Á cần đầu tư 210 tỷ USD mỗi năm vào năng lượng tái tạo
Các nước đang phát triển “tổn thương” nhiều nhất do biến đổi khí hậu
Tăng tốc chuyển đổi xanh ở châu Phi
Sản lượng điện của Đông Nam Á đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ