Thương hiệu truyền thống: Tôn vinh các giá trị văn hóa phát triển hội nhập

  • THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
  • 09:58 05/01/2016

Ngày 2/1/2016, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, báo Người Hà Nội tổ chức chương trình tôn vinh “thương hiệu truyền thống gia truyền nổi tiếng, thương hiệu phát triển bền vững và doanh nhân tiêu biểu nghề truyền thống, lần thứ V, năm 2015, với gần 100 thương hiệu trong cả nước tham gia. Qua 5 lần tổ chức, đã có hơn 700 thương hiệu được tôn vinh, chương trình đã góp phần giữ gìn và phát triển thương hiệu truyền thống của đất nước.

Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Hưng – Phó Tổng Biên tập báo Người Hà Nội - Phó trưởng ban Tổ chức để giúp công chúng hiểu rõ hơn những ý nghĩa của chương trình.

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc tổ chức chương trình?

Ông Đào Xuân Hưng: Việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói chung và thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống là một việc hết sức cần thiết trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia, nhằm gia tăng giá trị hàng hóa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu và lấy ngày 20 tháng 4 hàng năm là ngày thương hiệu quốc gia.

Ông Đào Xuân Hưng - Phó TBT báo Người Hà Nội, Phó Trưởng BTC Chương trình (thứ 3 từ trái qua phải hàng trên) trao danh hiệu cho các doanh nhân, doanh nghiệp

Hưởng ứng chủ trương này, báo Người Hà Nội đã tổ chức thường niên chương trình tôn vinh Thương hiệu truyền thống gia truyền nổi tiếng và thương hiệu phát triển bền vững, doanh nhân tiêu biểu nghề truyền thống. Qua 5 lần tổ chức, đã vinh danh hơn 700 thương hiệu.

Đây là sự kiện thường niên, nhằm ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau trong sản xuất, kinh doanh; tôn vinh đức tính lao động cần cù, sáng tạo, ý chí vượt khó vươn lên thành công của các nghệ nhân, doanh nhân Việt Nam; biểu dương các nghệ nhân có bàn tay vàng, doanh nhân có nhiều sáng tạo cống hiến cho xã hội, góp phần làm giàu thêm truyền thống, bản sắc, giá trị tinh hoa của văn hóa Việt Nam.

Thông qua chương trình, Ban Tổ chức mong muốn nâng cao ý nghĩa thiết thực của những giá trị của thương hiệu, góp phần khuyến khích, động viên các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp không ngừng đổi mới công nghệ, phát huy truyền thống nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và quảng bá giá trị thương hiệu Việt với bạn bè Quốc tế.

 PV: Được biết, đây một trong những hoạt động thường xuyên của báo Người Hà Nội tổ chức. Vậy, ngoài việc tiếp tục tổ chức chương trình này, báo Người Hà Nội có những chương trình gì đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập?

Ông Đào Xuân Hưng: Trong xu hướng hội nhập sâu rộng như hiện nay, bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách khuyết khích phát triển, thì các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí truyền thông trong việc quảng bá sản phẩm thương hiệu của doanh nghiệp. Báo Người Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình phát triển, ngoài việc tiếp tục tổ chức chương trình Thương hiệu truyền thống gia truyền nổi tiếng và thương hiệu phát triển bền vững, doanh nhân tiêu biểu nghề truyền thống theo hướng chuyên nghiệp, báo Người Hà Nội sẽ tổ chức chương trình liên quan đến thương hiệu có xuất xứ từ Thủ đô.

Hà Nội có rất nhiều làng nghề, cùng với đó là hàng nghìn sản phẩm, trong đó có nhiều thương hiệu truyền thống nổi tiếng của đất kinh kỳ. Trong quá trình hội nhập và phát triển Hà Nội cũng có nhiều sản phẩm thương hiệu mạnh như xe đạp Thống Nhất, kem Tràng Tiền, May 10…Chính vì vậy mà trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, việc xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh, nổi tiếng xuất xứ từ Thủ đô là một việc làm cần thiết.

Trong thời gian tới, báo Người Hà Nội sẽ phối hợp cùng với các cơ quan đơn vị tổ chức chương trình quảng bá thương hiệu madein Hà Nội. Đây là việc làm ý nghĩa khi Hà Nội đang chủ động hội nhập mạnh mẽ, báo sẽ tổ chức chương trình khảo sát, truyền thông, kết nối các thương hiệu mạnh của Thủ đô madein Hà Nội. Chương trình không chỉ dừng lại chương trình tôn vinh các sản phẩm, mà còn tôn vinh các dịch vụ, các giá trị văn hóa đặc trưng nét ẩm thực Hà Nội như: Cốm Làng Vòng, Phở Thìn, Bánh cốm Hàng Than... Bên cạnh đó báo Người Hà Nội sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu.

Chương trình nhằm ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau trong sản xuất, kinh doanh đồng thời tiếp nối và phát huy những tinh hoa của sản phẩm truyền thống, sáng tạo, hội nhập và phát triển. Bên cạnh đó, chương trình là một hoạt động tiếp nối và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long- Hà Nội sau 1005 năm văn hiến.

 PV: Thông qua các chương trình, ông kỳ vọng gì đối với sự phát triển của các thương hiệu trong thời gian sắp tới?

Ông Đào Xuân Hưng: Hiện nay, Việt Nam là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO và hiệp định TPP. Đây là cơ hội để hàng hóa của Việt Nam vươn ra thị trường rộng lớn, những chúng ta cũng xác định là phải cạnh tranh rất lớn với hàng ngoại nhập, cũng có những ý kiến lo lắng nếu không cạnh tranh được, sản phẩm của chúng ta thua ngay trên sân nhà. Để thực hiện được điều đó các doanh nghiệp phải luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, thường xuyên đổi mới mẫu mã kiểu dáng và quan tâm đến việc xây dựng phát triển thương hiệu.

Cũng có những doanh nghiệp hiện nay chỉ mới lo việc sản xuất chứ chưa chú trọng đến việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, chính vì vậy mà có nhiều sản phẩm, nhất là sản phẩm làng nghề truyền thống chưa được quan tâm phát triển thương hiệu nên ít người biết, mặc dù có những sản phẩm gia truyền đã tồn tại hàng trăm năm, bởi do tư duy cũ là sản phẩm tốt thì mọi người biết đến theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”.

Chính vì vậy, rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân quan tâm nhiều hơn nữa đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu, coi đó là chiến lược phát triển doanh nghiệp, bởi có thương hiệu mạnh mới hội nhập tốt và một sản phẩm có thương hiệu bao giờ cũng được người tiêu dùng lựa chọn và có sức cạnh tranh cao.

Trong quá trình tổ chức, báo người Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát các đơn vị sau khi tham chương trình Thương hiệu truyền thống gia truyền nổi tiếng và thương hiệu phát triển bền vững, doanh nhân tiêu biểu nghề truyền thống đã quan tâm chú trọng hơn đến xúc tiến quảng bá thương hiệu, giá trị thương hiệu sản phẩm hàng hóa cũng được nâng lên. Báo Người Hà Nội sẽ là cầu nối, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là những thương hiệu truyền thống trên hành trình hội nhập để vươn ra thị trường Quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm chương trình diễn ra, thay mặt Ban tổ chức xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân, lương y đã đồng hành với chúng tôi trong thời gian qua. Xin chúc các thương hiệu luôn phát triển và hội nhập thành công./.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Đăng Chung nguoihanoi

Gửi bình luận của bạn