Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏe

  • TIN NÓNG
  • 10:27 24/11/2022

(SK&MT) - Các Trạm trộn bê-tông, sản xuất gạch, khai thác cát, sỏi, tập kết vật liệu xây dựng trên hành lang đê, bãi ven sông, lòng sông sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nước, không khí. Đó là thực trạng đang diễn ra hằng ngày tại hành lang đê sông Thái Bình trên địa bàn phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trên bãi sông - tiềm ẩn rủi ro

Trong quá trình thực hiện Chuyên đề: “Doanh nghiệp phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe đời sống người dân” khảo sát trên địa bàn TP Hải Dương, phóng viên Tạp chí điện tử Sức khỏe & Môi trường đã tổ chức ghi nhận thực tế tại hành lang đê sông Thái Bình trên địa bàn phường Cẩm Thượng.

Cụ thể: Tại khu vực chân cầu Hàn, sông Thái Bình, phóng viên (PV) ghi nhận hàng loạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng (Công ty Phượng Hoàng) như tập kết vật liệu xây dựng, sản xuất bê-tông thương phẩm, gạch với công suất lớn...

Trong quá trình khảo sát, PV đã liên hệ với UBND tỉnh Hải Dương và đến ngày 2/11, Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã nhận được văn bản số 3159/UBND-VP tỉnh Hải Dương về việc chỉ đạo các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi và cung cấp thông tin cho Tạp chí Sức khoẻ & Môi trường theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏeẢnh thực tế khu vực đang là trạm trộn bê-tông, bãi vật liệu xây dựng và sản xuất VLXD của Công ty Phượng Hoàng. Ảnh chụp từ Google map.

Ngày 17/11, PV có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hữu Đáng - Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. Theo ông Đáng, phần đất đê thuộc quản lý của Sở nhưng việc cho thuê đất lại thuộc thẩm quyền của tỉnh, nên PV cần làm việc với tỉnh. Việc hoạt động tập kết bến bãi, ông Đáng cho rằng, các bãi phù hợp sẽ được hoạt động. Về việc xả thải, xử lý nước thải từ trạm-tông, ông Đáng cũng cho biết Sở NN&PTNN có kiểm tra. Ông Nguyễn Hữu Đáng cũng cho biết thông tin vấn đề hoạt động kinh doanh và sản xuất của Công ty Phượng Hoàng sẽ do Chi cục Đê điều quản lý. Tuy nhiên, khi PV liên hệ ông Đỗ Tiến Bậc -  Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hải Dương theo hướng dẫn thì bị từ chối, với lý do ông Bậc không phải người phát ngôn.

Để tiếp tục làm rõ mô hình kinh doanh của Công ty Phượng Hoàng và các đơn vị kinh doanh khác trên toàn tỉnh Hải Dương, PV đã đề nghị được cung cấp thêm các thông tin từ Sở NN&PTNN. Ông Nguyễn Hữu Đáng hẹn sẽ tổng hợp và trả lời sớm nhất.

Cùng ngày, PV tiếp tục trao đổi và liên hệ đến các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, tuy nhiên đến nay chưa có bất cứ phản hồi chính thức nào từ các đơn vị này.

Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏeKhu vực Công ty Phượng Hoàng hoạt động sản xuất kinh doanh nhìn từ trên cầu Hàn xuống.

Trong quá trình nghiên cứu đề tài “Doanh nghiệp phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe đời sống người dân”  trên địa bàn tỉnh Hải Dương từ tháng 10 đến 11/2022, PV Tạp chí Sức khỏe và Môi trường đã ghi nhận hàng loạt hoạt động kinh doanh, sản xuất có dấu hiệu trái pháp luật của Công ty Phượng Hoàng.

Với diện tích sử dụng lên đến hàng chục nghìn m2 nằm ngoài đê sông Thái Bình, Công ty Phượng Hoàng cho xây dựng địa điểm tập kết vật liệu cát, sỏi, sản xuất gạch, bê-tông. Toàn bộ khuôn viên của công ty đều được dựng rào thép, cắm biển cấm với nội dung: “Công ty Phượng Hoàng, khu vực sản xuất, không nhiệm vụ. Cấm vào”.

Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏeNhững tấm biển khng định khu vực của Công ty Phượng Hoàng.

Phía bên trong khuôn viên, Công ty Phượng Hoàng cho xây dựng trạm trộn bê-tông thương phẩm với nhiều téc trộn bê-tông, tuy nhiên hệ thống bể lắng được thiết kế khá đơn giản có đường dẫn nguồn nước và đường ống đấu nối xuống sông Thái Bình. Ngay cạnh khu trạm trộn bê-tông, những bãi cát tập kết ước tính cao từ 5-10m. Nhiều vị trí bị đào khoét sâu tạo thành hố, nổi váng, nước đọng có màu xanh, bê-tông đã đông cứng lại phủ trên bề mặt đất.

Hoạt động tại Công ty Phượng Hoàng đã và đang diễn ra trong suốt mùa mưa bão, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe người dân tại khu vực cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi mỗi ngày có tới hàng chục lượt xe trộn bê-tông, xe tải di chuyển qua các khu dân cư, trường học.

Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏeKhu bể xả thải, lắng, lọc của trạm trộn bê-tông của Công ty Phượng Hoàng.

Bên cạnh đó, các xe bê-tông của Công ty Phượng Hoàng còn có dấu hiệu hoạt động vận tải quá khổ quá tải dù ngay trên tuyến đê sông Thái Bình các biển báo trọng tải 12 tấn được đặt ở vị trí rất dễ nhìn thấy, nhưng các xe trộn bê-tông, xe tải chở VLXD của Công ty Phượng Hoàng vẫn “ung dung” hoạt động.

Theo một người dân sống tại khu vực này cho biết, khu vực phía ngoài đê sông Thái Bình thuộc địa phận phường Cẩm Thượng, thì phạm vi sử dụng của Công ty Phượng Hoàng kéo dài từ gầm cầu Hàn tới phía chân dốc....

Trước đó, đại diện Công ty Phượng Hoàng đã liên hệ với với Tạp chí Sức khỏe và Môi trường. Qua trao đổi, vị này khẳng định Công ty Phượng Hoàng không có diện tích hoạt động nằm dưới chân cầu Hàn.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế ở khu vực này cho thấy ngay tại khu vực chân cầu sông Hàn những tấm biển nền đỏ, chữ trắng với nội dung: : “Công ty Phượng Hoàng, khu vực sản xuất, không nhiệm vụ. Cấm vào” vẫn được cắm cố định và tồn tại trong suốt thời gian khảo sát thực tế.

Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏeNgay chân cầu Hàn, tấm biển Công ty Phượng Hoàng được cắm rất chắc chắn, bên cạnh bãi tập kết vật liệu.

Mặt khác, trong thời gian PV đang liên hệ trao đổi thông tin với UBND tỉnh Hải Dương, UBND phường Cẩm Thượng, PV chưa có liên hệ nào đến Công ty Phượng Hoàng, nhưng vị đại diện công ty này lại có toàn bộ nội dung làm việc mà PV Tạp chí Sức khỏe và Môi trường gửi tới các cơ quan trên.

Trước đó, ngày 27/10/2022 PV đã liên hệ đến UBND phường Cẩm Thượng về vấn đề hoạt động kinh doanh của Công ty Phượng Hoàng, tuy nhiên ông Đinh Văn Tuyến - Chủ tịch UBND phường liên tục báo bận họp không thể trao đổi thông tin.

Bảo vệ môi trường, nguồn nước, hành lang đê điều là bảo vệ cuộc sống của người dân

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Hải Dương: Từ ngày 15/6 đến 31/10, các hoạt động khai thác đất, cát, sỏi lòng sông, bãi sông phải tạm dừng, đồng thời các đơn vị, tổ chức phải giải tỏa không gian thoát lũ trước ngày 15/6. 

Theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai từ ngày 15/6- 31/10 các cá nhân, tổ chức khai thác đất, cát, sỏi lòng sông, bãi sông trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của giấy phép và dừng mọi hoạt động khai thác trong thời gian mưa lũ, để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ.

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động bến bãi chứa, kinh doanh vật liệu và các hoạt động khác ngoài bãi sông có liên quan đến đê điều, thoát lũ phải tuân thủ các quy định của Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai và giấy phép được cấp. Di chuyển toàn bộ máy móc, trang thiết bị, giải tỏa toàn bộ vật liệu, nhiên liệu và các vật cản lũ khác trên bãi sông trước ngày 15/6. Hải Dương hiện có 20 tuyến sông với tổng chiều dài 420 km, trong đó có 14 tuyến sông quốc gia dài gần 300 km, chảy qua nhiều địa bàn giáp ranh, ở xa nơi dân cư nên có nhiều bến bãi ven sông hoạt động.

Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏe

Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏe

Nhiều vị trí bị đào khoét sâu tạo thành hố, nổi váng, nước đọng có màu xanh, bê-tông đã đông cứng lại phủ trên bề mặt đất.

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Các hoạt động của doanh nghiệp như: trạm trộn bê-tông, sản xuất gạch, khai thác cát, sỏi, tập kết vật liệu xây dựng trên hành lang đê, bãi ven sông, lòng sông sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và không khí. Chúng ta có thể thấy rõ một số hiện tượng thực tế như: Việc tập kết máy móc, vật liệu trong phạm vi hành lang an toàn giao thông; làm rơi vãi vật liệu ra đường gây mất an toàn giao thông; để phần nước thải, chất thải chảy ra rãnh thoát nước. Hay như việc trạm trộn xi-măng thường như một cỗ máy bức tử môi trường khổng lồ, thải bụi, xi-măng, nước bẩn ra chung quanh. Chung quanh trạm, bụi xi-măng đóng mảng trên cây cối, phủ trắng nhà dân. Nước thải lẫn xi-măng đục ngầu chảy thẳng vào mương nước, bên cạnh. Dọc đường bờ mương, bột xi-măng hoặc được vùi lấp hoặc chất đống; sục tay vào bất cứ vị trí nào chung quanh tường rào trạm cũng móc lên được bột xi-măng khô hoặc ướt.

Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏeTrạm trộn bê-tông Công ty Phượng Hoàng.

Luật sư Hùng cũng thông tin thêm: Theo quy định tại Khoản 49, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 thì “…..Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và thực hiện xây dựng công trình tạm. Trường hợp công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thiết kế xây dựng công trình phải được thẩm tra về điều kiện bảo đảm an toàn và gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương để theo dõi và kiểm tra theo quy định…”.

Tại mục 1.2.1.4, bảng 1.2, Phụ lục I, kèm theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng thì công trình trạm trộn sản xuất bê-tông thương phẩm sẽ có cấp II hoặc cấp III (tùy theo công suất).

Ở Phụ lục X kèm theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ thì công trình trạm trộn sản xuất bê-tông thương phẩm thuộc đối tượng có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng. Vì vậy, khi thực hiện việc lắp đặt các trạm trộn bê-tông thương phẩm có thời hạn (công trình tạm) thì cần phải xin giấy phép xây dựng. Về quy định cấp phép, Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 quy định.

Hải Dương: “Phượng Hoàng” dưới chân cầu Hàn - muôn vàn nỗi lo dòng chảy, môi trường và sức khỏeHàng ngày, hàng chục lượt xe trộn bê-tông ra vào, vận chuyển bê-tông thương phẩm tại Công ty Phượng Hoàng.

Trách nhiệm bảo vệ hành lang đê điều, công trình thủy lợi sẽ thuộc về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Để thực hiện việc quản lý bảo vệ hành lang đê điều thì về nguyên tắc luôn cần phải có hệ thống pháp luật điều chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường để các cơ quan có thẩm quyền cũng như các cá nhân thực hiện theo đúng pháp luật, do đó mà các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ dựa trên thực tế quản lý sẽ tiến hành chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để qua đó đánh giá tình hình thực tế từ đó các chủ thể này sẽ xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý.

Đồng thời, ngoài việc ban hành và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật thì hằng năm Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn có trách nhiệm báo cáo cho Chính phủ các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành của mình quản lý để Chính phủ nắm bắt được tình hình bảo vệ môi trường và có những chính sách, giải pháp đối với thực trạng đang diễn ra, định hướng bảo vệ hành lang đê điều.

Các cơ quan chức năng phải bảo đảm phát triển bền vững, quốc phòng, an ninh; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, chủ quyền và lợi ích quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tuân thủ quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều đã được phê duyệt, bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, đồng bộ, khả năng thoát lũ trên toàn tuyến sông, kết hợp đồng bộ các giải pháp tổng thể về trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, xây dựng hồ chứa nước ở thượng lưu, thanh thải vật cản, nạo vét lòng sông, làm thông thoáng dòng chảy, phân lũ, làm chậm lũ; phòng, chống lũ hiệu quả, kết hợp với phát triển giao thông, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa của dân tộc, phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản.

Khi các cá nhân, tổ chức vi phạm một trong những điều cấm Quy định tại Điều 7 Luật Đê điều 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2020. Hình thức xử phạt được quy định tại Nghị định số: 03/2022/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều. Trong đây quy định rõ về hình thức xử phạt hành chính và hình thức phạt bổ sung:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

4.2. Điều 238 Chương XIX Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 quy định tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi…Như vậy, các trường hợp vi phạm lỗi kéo dài hay tái phạm thì vẫn sẽ bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015.

Nhóm PV

Gửi bình luận của bạn