(SK&MT) – Trang trại chăn nuôi lợn của ông Ngô Trí Hồ tại khu vực hủng Ông Quý (tên gọi dân gian) thuộc xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An liên tục xả một lượng lớn nước thải không qua xử lý ra môi trường trong nhiều năm qua, gây nhiều hệ lụy về môi trường và đe dọa đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, đến nay cơ quan quản lý địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.
Quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xã hội phát triển một cách tuần hoàn và bền vững. Thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng nhằm hạn chế tối đa những hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện trạng trước và sau khi có quyết định đình chỉ
Ngành nông nghiệp đã có những phát triển vượt bậc trong vòng hơn 20 năm qua. Những cải cách trong cơ cấu lại mô hình sản xuất, chuyển đổi sang thâm canh tập trung đã phát huy tác dụng, đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu hàng đầu của khoảng 6 mặt hàng nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội và cải thiện đáng kể về an ninh lương thực. Đi kèm với sự phát triển đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều hơn nguồn tài nguyên và các mối lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng cao. Để hoàn thành các tham vọng phát triển nhưng vẫn là một động lực thúc đẩy kinh tế ngành nông nghiệp nói riêng và các ngành nghề mũi nhọn khác cũng sẽ phải đảm bảo phát triển hài hòa bền vững. Mối quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường đang là thánh thức đối với các ban ngành chức năng quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các nguồn lực trong toàn xã hội.
Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định “Nghệ An không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” trong buổi làm việc với Sở TN&MT vào chiều 5/5/2022 về tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm 2022 cũng như định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Kẽ hở nào cho sự coi thường pháp luật, ảnh hưởng môi trường dân sinh?
Trước đó, Sức khỏe và Môi trường điện tử đã có bài phản ánh: “Nghệ An: Thực trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi không có giấy phép”. Qua đó, phản ánh việc cơ sở chăn nuôi của ông Ngô Trí Hồ tại khu vực xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An hoạt động không có giấy phép gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua gây bức xúc dư luận.
Ngay sau đó, phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đô Lương và được ông Hoàng Anh, Trưởng phòng TN&MT cho biết: “Huyện và xã đã lập đoàn kiểm tra, xác nhận các vi phạm tại trại chăn nuôi lợn ông Ngô Trí Hộ thuộc xã Tràng Sơn. Trang trại được xây với quy mô lớn trên đất đồn điền đổi thửa theo Chỉ thị số 08-CT/TU do Tỉnh ủy Nghệ An ban hành ngày 08/5/2012. Trang trại hoạt động không giấy phép từ nhiều năm nay và xả thải trực tiếp ra môi trường”.
Trả lời về việc một trang trại quy mô lớn như vậy hoạt động không phép từ năm 2015 tới nay, ông Hoàng Anh cho biết: “Vị trí trại nằm khuất sâu khó tiếp cận và không nhận được thông tin phản ánh từ người dân cũng như chính quyền xã”.
Đối với trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng cũng như môi trường, ông cho rằng: “Trên địa bàn có 33 cấp ủy chính quyền địa phương, phòng TN&MT chỉ có bấy nhiêu người không thể đi được hết 33 xã, quan niệm của tôi rất rõ ràng về mặt quản lý Nhà nước, chúng tôi bằng văn bản gửi xuống xã, còn trách nhiệm thực hiện vấn đề đó là của xã và nếu có vướng mắc thì báo lên”.
Ông Hoàng Anh cũng khẳng định, ở Tràng Sơn chưa từng có một báo cáo nào có liên quan đến vấn đề này và hiện nay theo báo cáo của xã, đã có quyết định thành lập đoàn, sau đó xử lý như thế nào thì theo thẩm quyền của xã, nếu vượt thẩm quyền, gặp khó khăn thì báo huyện xin ý kiến lãnh đạo để phối hợp với các ngành để xử lý chứ chỉ mỗi phòng TN&MT thì không thể làm được.
Chính quyền xã Tràng Sơn cũng cho biết, đã lập đoàn kiểm tra ghi nhận các vi phạm và ban hành quyết định xử lý: Tạm dừng các hoạt động xây dựng chuồng trại và các công trình khác cho đến khi có ý kiến chỉ đạo hoặc đồng ý của cấp có thẩm quyền; không được tiếp tục tái đàn lơn và phát triển quy mô chăn nuôi, không được xả thải trực tiếp ra môi trường.
Điều đáng nói là ngày 24/08/2022, sau khi nhận được phản ánh của Sức khỏe và Môi trường điện tử, Ủy ban Nhân dân huyện Đô Lương đã có Văn bản về việc kiểm tra trang trại của ông Ngô Trí Hồ, Văn bản cũng ghi rõ: Yêu cầu ông Ngô Trí Hồ giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, không được xây mới hoặc cơi nới các công trình xây dựng hiện có trên đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Đô Lương, ông Ngô Trí Hồ tiếp tục “leo thang” hành vi vi phạm của mình. Cụ thể, ngày 05/9/2022 tại vùng khe Gát cho thấy các hoạt động xây dựng vẫn ngang nhiên tiến hành, nước thải từ chăn nuôi không ngừng chảy ra môi trường một cách vô tội vạ.
Theo Báo Nghệ An (đăng ngày 3/4/2014), năm 2006, ông Ngô Trí Hồ, công dân xóm 7 xã Tràng Sơn mượn các hộ dân tại xã trên 6.000m2 đất đai lúa nhưng đến hạn không chịu trả. Trong khi đó, chính quyền xã lại hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục trình UBND huyện Đô Lương cấp diện tích đất trên cho ông Hồ làm trang trại.
Tại Kết luận số 84/KL-UBND.TTr của UBND huyện Đô Lương ngày 13/2/2014 cũng nêu: “Việc lập hồ sơ đề nghị UBND huyện thu hồi đất là thiếu trung thực với cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên (xác nhận số diện tích đề nghị thu hồi thuộc đất ven làng, khó giao cho các hộ sản xuất, đất do UBND xã quản lý là trái với thực tế). Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện là cơ quan tham mưu chịu trách nhiệm chính đối với các sai phạm trên, do tham mưu cho UBND huyện quyết định thu hồi đất không đúng với hiện trạng quản lý và sử dụng đất tại thời điểm thu hồi. Không thẩm định hồ sơ, không kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của diện tích đất thu hồi...”.
Để xảy ra tình trạng một trại lợn quy mô lớn hoạt động không giấy phép, xả thải trực tiếp ra môi trường kéo dài nhiều năm trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Kẽ hở nào cho sự coi thường pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường sống của người dân? Đó là những câu hỏi cần sớm được làm rõ, tránh các hệ lụy đáng tiếc từ sự bức xúc của người dân.
Sai phạm tại trang trại chăn nuôi không phép của ông Ngô Trí Hồ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến môi trường dân sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cộng đồng cần sớm được các cơ quan, ban ngành vào cuộc xử lý dứt điểm, đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp.
Hoàng Tuấn – Trung Kiên
Tạp chí TN&MT trồng 1008 cây tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, Cao Bằng
An Giang: UBND huyện Thoại Sơn chỉ đạo làm rõ vụ “biệt phủ” trái phép trên núi Sập”
Bài 2: Đồng Nai - Chính quyền địa phương xử lý quyết liệt việc sử dụng sai mục đích đất Nông nghiệp
Thế giới phải hành động ngay để “gỡ quả bom hẹn giờ khí hậu” - Giờ Trái đất 2023
Bài 2: Vĩnh Lộc A: Những xưởng nhuộm, Wash vải đang bức tử môi trường, lực lượng chức năng vào cuộc!
Thanh Hóa: Cần giải pháp xử lý dứt điểm nhà hàng trái phép ven biển Sầm Sơn
Hưng Yên: Kiên quyết xử lý công trình vi phạm của HTX Siêu Việt