(SK&MT) – Mặc dù không có trong quy hoạch, không được giao đất và không được các cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Thế nhưng trạm trộn bê tông Tây Yên Tử của Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Tây Yên Tử (Công ty bê tông Tây Yên Tử) vẫn ngang nhiên xây dựng các công trình quy mô trên đất rừng sản xuất gây biến dạng hiện trạng đất tự nhiên, tác động xấu đến môi trường và phá hủy hệ sinh thái rừng xung quanh.
Trạm trộn bê tông Tây Yên Tử đang hoạt động trên đất rừng sản xuất gây biến dạng đất đai, tác động xấu tới môi trường.
Những năm gần đây, tình trạng vi phạm xây dựng trên đất rừng, đất nông nghiệp diễn ra ngày một phức tạp. Điều này cho thấy, công tác quản lý, sử dụng đất đai ở các địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép gây biến dạng đất đai, tác động xấu tới môi trường trên đất nông, lâm nghiệp vẫn còn nhiểu… Tuy nhiên, các cấp chính quyền lại dường như “bất lực” trong việc xử lý triệt để những sai phạm này khiến dư luận rất bức xúc. Để tìm hiểu sâu hơn về thực tế và phân tích rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tòa soạn Sức khỏe và Môi trường đã triển khai chuyên đề “Nhức nhối tình trạng san gạt đất rừng xây dựng công trình trái phép”: Nhằm mục đích tuyên truyền chính sách pháp luật trong quản lý đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Trạm trộn bê tông Tây Yên Tử hoạt động trái phép gây tác động xấu tới môi trường
Trong quá trình thực hiện chuyên đề, khảo sát thực tiễn tại các địa phương, tòa soạn Sức khỏe và Môi trường, nhận được phản ánh của người dân tại tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang về việc giữa núi rừng “mọc” lên trạm trôn bê tông không phép hoạt động gây tác động xấu tới môi trường và phá hủy các hệ sinh thái rừng sản xuất.
Song song với việc xây dựng trạm trộn bê tông công suất lớn, công ty còn xây dựng hàng loạt các căn nhà trái phép mà không bị các cấp chính quyền đình chỉ.
Để làm rõ nội dung người dân phản ánh, sáng ngày 18/10/2022, PV đã có mặt tại khu vực này để ghi nhận sự việc. Theo quan sát, một diện tích đất lâm nghiệp lên tới vài chục nghìn m2 đã bị Công ty bê tông Tây Yên Tử san ủi, xây dựng trạm trộn bê tông và các công trình phụ trợ. Quan sát bên ngoài, trạm trộn bê tông này được xây dựng khá bề thế, bao gồm: Trạm biến áp, nhà chứa cốt liệu, khu phối trộn bê tông, khu tập kết phương tiện, và khu nhà 15 phòng xây dựng khang trang, kiên cố cho công nhân. Bao quanh trạm trộn là các núi cát, đá, xi măng và bạt ngàn cây rừng xanh ngát được người dân trồng nhiều năm nay. Song song với đó là nhiều quả đồi bị tàn phá nham nhở, cây xanh bị thiêu rụi, đất đồi được lấy đi vô tội vạ.
Ngoài ra, quá trình hoạt động của trạm trộn bê tông này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi các xe ra vào lấy bê tông từ trạm trộn mang đi bán, các phễu cát, đá đựợc máy múc đổ đầy ắp gây bụi mù mịt, do trạm trộn không có vòi phun sương tưới nước và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chất thải nguy hại như thùng phi đựng dầu, dầu mỡ thải bỏ không có khu vực tập kết riêng biệt, vứt chỏng chơ khắp nơi trên mặt đất
Đặc biệt, gần khu vực công nhân và lái xe ở, chất thải nguy hại như thùng phi đựng dầu mỡ thải bỏ không có khu vực tập kết riêng biệt, vứt chỏng chơ khắp nơi.
Bà Trần T. L, người dân sinh sống tại thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động cho biết: Theo tôi được biết, khu vực này huyện không quy hoạch để làm trạm trộn bê tông mà làm bãi rác. Khu vực này trước đây là rừng sản xuất của người dân thị trấn Tây Yên Tử và xã Thanh Luận, huyện Sơn Động. Không hiểu sao chính quyền lại cho họ lắp đặt trạm trộn bê tông ở đây, vừa ô nhiễm môi trường lại phá hủy rừng cây tự nhiên. Họ phá rừng múc đất chở đi rầm rộ một thời gian dài nhưng chúng tôi cũng không thấy chính qyền địa phương có biện pháp xử lý.
Các loại nguyên liệu như cát, đá được múc đầy các phễu không được che chắn cẩn thận mỗi khi gặp cơn gió mạnh làm bui bay khắp nơi.
Các đống cát, đá được chất cao ‘như núi” tập kết ngay bên cạnh những quả đồi bị khai thác nham nhở.
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Tâm - Quản lý trạm trộn, ông Tâm cho biết: Khu đất này có diện tích khoảng 13.000m2 được Công ty mua của ngưởi dân trồng rừng xung quanh để xây dựng.
Khi PV đề cập đến việc trạm trộn hoạt động ở đây đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định chưa? Ông Tâm thừa nhận chưa được cấp phép hoạt động và đang hoàn thiện các giấy tờ.
Ông Tâm (bên trái) quản lý của trạm trộn và ông Tuấn (bên phải) thư ký của giám đốc có cuộc trao đổi với PV
Cần quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu
Sau khi ghi nhận sự việc và mong muốn cung cấp thông tin này đến với cơ quan chức năng có thẩm quyền của huyện Sơn Động để sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, ngày 18/10, PV đã đến UBND huyện Sơn Động để liên hệ làm việc. Sau gần 10 ngày Chánh Văn phòng huyện thông báo, vào lúc 14h ngày 27/10 /2022, mời PV đến làm việc với lãnh đạo Ủy ban huyện. Tuy nhiên đúng giờ hẹn PV có mặt để làm việc thì lãnh đạo UBND huyện bận họp. PV ngồi đợi hơn 2 tiếng đồng hồ thì được Chánh Văn phòng bố trí cho làm việc với ông Lục Xuân Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sơn Động. Tại đây, ông Dũng cho biết: Ông cũng không nắm được tình hình và bị động trong buổi làm việc nên chưa thể trả lời và cung cấp thông tin cho PV nên hẹn sẽ gửi văn bản trả lời sau. Mặc dù đã hẹn trả lời thông tin bằng văn bản vào hôm sau. Tuy nhiên đến nay, đã qua nhiều lần liên hệ, ông Dũng cũng không nghe điện thoại và không cung cấp bất kỳ một thông tin nào liên quan đến sự việc.
Ông Lục Xuân Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sơn Động cho biết chưa nắm được tình hình và bị động trong công việc.
Do đó, PV có liên hệ qua điện thoại trao đổi với ông Phạm Văn Thịnh - Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử, ông cho biết: Khu vực Trạm trộn bê tông Tây Yên Tử xây dựng hiện nay theo bản đồ địa chính xã quản lý đó là đất rừng sản xuất, được mua của bà Hoàng Thị Vừa và ông Ngô Văn Rì người xã Thanh Luận. Trước đó, khi chuẩn bị xây dựng họ có đến UBND xã để báo cáo vừa xây dựng vừa hoàn thiện thủ tục. Tháng 5 vừa rồi khi họ xây dựng, cán bộ chuyên môn xã đã xuống kiểm tra, xử phạt hành chính và yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi đủ điều kiện. Ông Thịnh cho biết là thế. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là đến nay, sau một thời gian bị xử phạt vi phạm hành chính, trạm trộn vẫn tồn tại và ngang nhiên hoạt động.
Rõ ràng, việc trạm trộn bê tông Tây Yên Tử hoạt động không phép trên đất rừng, đã thay đổi mục đích sử dụng, gây tác động xấu tới môi trường, gây bức xúc trong nhân dân nhưng không hiểu vì lý do gì mà gần một năm qua chính quyền địa phương huyện Sơn Động lại không quyết liệt ngăn chặn xử lý dứt điểm vi phạm mà còn cấp điện cho trạm trộn bên tông hoạt động.
Dư luận đặt câu hỏi phải chăng các cơ quan chính quyền địa phương đang giúp cho Công ty Bê tông Tây Yên Tử hợp thức hóa cho sai phạm tồn tại? Vai trò, trách nhiệm của UBND huyện Sơn Động trong sự việc trên như thế nào? Những sai phạm của Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Tây Yên Tử sẽ xử lý ra sao? Đã đến lúc UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng có liên quan cần vào cuộc kiểm tra làm rõ việc biến đất rừng sản xuất thành nơi xây dựng trạm trộn bê tông ảnh hương nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái rừng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Ngày 18/5/2022, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên địa bàn một số tỉnh còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật với quy mô lớn xảy ra, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường rừng, gây bức xúc xã hội. Vì vậy, Chủ tịch UBND các tỉnh cần chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật. Theo Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: “Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm 1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai. 2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. 3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích. …” |
Do đó, hành vi xâm lấn, hủy hoại và xây dựng công trình trái phép trên đất là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ của hành vi sai phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Được biết, đất trồng rừng là do Nhà nước giao cho dân để trồng rừng, người dân không được phép bán và Trạm trộn thuộc Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Tây Yên Tử mới xây dựng và đưa vào hoạt động và đã bán sản phẩm ra thị trường.
Thúy - Hùng
Hà Tĩnh: Cháy bãi rác gây ô nhiễm môi trường
Hưởng ứng phong trào “trồng một tỷ cây xanh” tại xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương
Nghề lao công lặng thầm mà cao quý
Chính quyền vào cuộc kiểm tra hoạt động khai thác đất của công ty Quang Long
Hưng Yên: UBND huyện Văn Lâm tiếp tục vào cuộc xử lý vi phạm của Hợp tác xã Siêu Việt
Thanh Trì (Hà Nội): Dự án hơn 37 tỷ trở thành nơi tập kết, chôn lấp phế thải xây dựng
Phú Thọ: Xã Quảng Yên, chính quyền làm ngơ cho “đất tặc”?
Cẩm Thủy - Thanh Hóa: Ảnh hưởng môi trường từ hoạt động tận thu đất