Cần giảm phát thải ô nhiễm trong nền nông nghiệp Việt Nam

  • VẤN ĐỀ HÔM NAY
  • 23:43 21/12/2022

(SK&MT) - Chiều ngày 20/12/2022, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp (TP. Cao Lãnh) diễn ra khai mạc phiên toàn thể diễn đàn Mekong Startup lần I - năm 2022. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đến dự. Với chủ đề “nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, diễn đàn do Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức trong hai ngày, 19 và 20/12/2022 với hàng loạt sự kiện.

Cần giảm phát thải ô nhiễm trong nền nông nghiệp Việt Nam

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo diễn đàn Mekong Startup lần I

Câu chuyện thành công ở Đông Nam Á

Tại diễn đàn còn có lễ công bố nội dung cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL. Theo đó, lãnh đạo Bộ, ngành các cấp cùng thực hiện “nỗ lực quốc gia nhằm giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi”. Từ năm 2023, chuyển dịch mạnh mẽ hoạt động trồng trọt và chăn nuôi tại khu vực ĐBSCL theo hướng khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thu giữ, sử dụng khí mê tan và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức trong và ngoài nước tham gia giảm phát thải khí mê tan. Từ năm 2024, chấm dứt việc đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua việc cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình công nghệ. Đến năm 2025, cam kết đạt chỉ tiêu giảm tổng lượng phát thải khí mê tan trong trồng trọt và chăn nuôi. Đến năm 2030, cam kết đạt chỉ tiêu giảm tổng lượng phát thải khí mê tan tại ĐBSCL trong trồng trọt và chăn nuôi.

Chia sẻ trong khuôn khổ của diễn đàn Mekong Startup lần I - năm 2022, ông Li Guo (điều phối viên Chương trình Quốc gia về Nông nghiệp, chuyên gia cao cấp Kinh tế Nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) đánh giá cao nông nghiệp Việt Nam và cam kết đồng hành, hỗ trợ Đồng Tháp nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung thực hiện mục tiêu “kích hoạt năng lực đổi mới phát huy vai trò SME và khởi nghiệp trên địa bàn, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại - bền vững - phát thải thấp”.

Cần giảm phát thải ô nhiễm trong nền nông nghiệp Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi doanh nhân ở tỉnh Đồng Tháp

 

Ông Li Guo gọi thành tích nông nghiệp Việt Nam trong 35 năm qua là “câu chuyện thành công ở Đông Nam Á”. Cụ thể là tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an ninh lương thực, động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 38 tỷ USD sản phẩm nông sản và năm nay, con số này càng vượt trội hơn, cán mốc 54 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Li Guo sự, sự suy giảm môi trường (sử dụng nhiều nước, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật…) và biến đổi khí hậu đang đe dọa sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần có định hướng, chính sách cụ thể để giải bài toán đầy thách thức này; nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu.

Ông Li Guo cũng đánh giá cao Việt Nam khi đề ra nhiều chính sách tốt, cam kết, xây dựng chiến lược biến đổi khí hậu đến tầm nhìn 2045, mức phát thải carbon (CO2) thấp. Trong đó, ông dẫn dắt Đồng Tháp đang tập trung việc đa dạng hóa sản phẩm, giảm gạo để tạo ra trái cây hay cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn; kết nối du lịch, kinh tế địa phương lẫn tư nhân.

Hiện tỉnh Đồng Tháp kết hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tập trung các lĩnh vực về bảo vệ cây ăn trái, cây cảnh, đa dạng hóa sinh kế người nông dân, chống biến đổi khí hậu, tập trung sản xuất thực hành bền vững và mong ươm tạo thế hệ nông dân mới. Ông Li Guo mong muốn nông nghiệp ĐBSCL không chỉ là thương hiệu của Việt Nam mà còn được nhận diện trên toàn thế giới. Ông và các đồng sự cũng đang xây dựng đề án liên quan đến nông nghiệp Việt, tiến tới mục tiêu một triệu ha trồng gạo chất lượng cao, phát thải thấp.

Cần giảm phát thải ô nhiễm trong nền nông nghiệp Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp giải đáp về hàng nông sản khi được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi lúc tham quan hàng hóa trưng bày

 

Đổi mới là nhu cầu bức thiết

Với đặc thù về vị trí và lợi thế về tiềm năng, Đồng bằng sông Cửu Long có dư địa rất lớn để phát triển nông nghiệp. Nơi ấy là vùng sản xuất, xuất khẩu nông, thủy - hải sản, cây ăn trái lớn nhất cả nước, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập khi chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Sản xuất nhỏ lẻ, phương pháp sản xuất lạc hậu gây ảnh hưởng xấu môi trường, bị tác động lớn của biến đổi khí hậu… đã trở thành rào cản đối với ĐBSCL. Từ đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất, cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Do đó, yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2030. Cần phải hướng tới đạt được cơ giới hóa, tự động hóa trong chuỗi giá trị mới mang lại giá trị hiện đại cho ngành. Việc ứng dụng tạo ra giá trị từ phụ phẩm nông nghiệp cũng còn dư địa rất lớn để phát triển…

Cần giảm phát thải ô nhiễm trong nền nông nghiệp Việt Nam

Lãnh đạo bộ, ngành và các tỉnh, thành thực hiện nghi thức cam kết giảm phát thải

 

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết đổi mới sáng tạo chuỗi ngành hàng lúa gạo là vấn đề cấp thiết, quan trọng. Hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều đề cao ứng dụng đổi mới sáng tạo trong sản xuất nhưng chưa thực sự hiệu quả trên diện rộng. Vì vậy, cần lấy doanh nghiệp và nông dân làm trọng tâm, tiến tới xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, đưa các chính sách đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân và các thành phần tham gia cùng phát triển. Cần lấy khoa học - công nghệ làm khâu đột phá, sản xuất lúa gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, sạch, tuần hoàn là đúng đắn. Nhưng các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN&PTNT cần có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể; tổ chức thường xuyên các sự kiện dành cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các start-up, để giải các bài toán cũng như lan tỏa khát vọng, tinh thần khởi nghiệp với cách làm mới, bền vững, bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị sử dụng của đất nông nghiệp…Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta phải thay đổi, giảm phân, thuốc và hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiện đại, tuần hoàn, giảm phát thải ra môi trường. Để làm được các mục tiêu đó, các bộ, ngành phải có những kế hoạch, chương trình hành động rõ ràng, đồng bộ”. Để tạo động lực phát triển khu vực ĐBSCL cần phải khơi dậy khát vọng trong cả nước. Điều này rất quan trọng. Khát vọng rồi phải có cách làm rất sáng tạo. Nếu cứ bắt chước giống thiên hạ bao giờ mới phát triển sâu được? Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp gặp gỡ không chỉ để trao đổi, tìm lời giải mà doanh nghiệp lớn phải hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ; nâng cao giá trị tinh thần, phải khởi nghiệp, tạo môi trường phát triển ổn định; phải đi cùng nhau, không chỉ nhà khoa học, nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp mà còn giữa các địa phương, mà xa hơn là giữa Việt Nam và thế giới…


VĨNH SƠN – LONG VIỆT

 

Gửi bình luận của bạn