(SK&MT) - Vừa qua, UBND quận Đống Đa, Hà Nội đề xuất di dời khoảng 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh thay thế bằng các cây khác phù hợp hơn để giảm mùi hương đậm đặc của hoa, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Hiện nay, toàn tuyến phố Nguyễn Chí Thanh đa phần là trồng cây hoa sữa với mật độ khá dày, gây mùi hương nồng nặc khi vào mùa. Bên cạnh đó có một phần nhỏ cây xanh tại tuyến phố bị cong, vênh, sâu mọt. Các cây hoa sữa này gần với nhiều khu tập thể trên đường Nguyễn Chí Thanh, trước cổng Bệnh viện mắt Hà Nội 2, Bệnh viện thận Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội... Những cây hoa sữa này đã trồng từ vài chục năm qua, có kích thước rất lớn. Phần lớn các cây hoa sữa này đều có thân cao bằng tòa nhà 3, 4 tầng.
Nhiều gia đình sống ở đây cảm thấy ngột ngạt vì mùi hương hoa quá đậm, nồng.
Nhiều năm qua, bà con nhân dân sống gần tuyến phố cũng nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền về việc mật độ trồng cây hoa sữa tại tuyến đường này quá dày đặc, vào mùa hoa sữa mùi hoa đậm đặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Người dân ủng hộ việc di dời 80 cây hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh bởi tuy cây cho nhiều bóng mát vào ban ngày, nhưng buổi tối và sáng sớm, mùi thơm nồng nặc khiến người dân khá khó chịu. Vào đêm và sáng sớm, mùi hoa sữa càng hắc và nồng nặc, nhiều người gặp tình trạng đau đầu, choáng ngợp khi hít thở lâu.
Ông N.V.T (65 tuổi, sống tại đường Nguyễn Chí Thanh) chia sẻ: "Những người đi đường, mùi thoang thoảng còn không khó chịu, còn chúng tôi sống tại khu vực này, khi hoa nở rộ, quá nồng nặc, vô cùng khó chịu. Thậm chí nhiều người còn bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và khó thở. Ban ngày đi làm khỏi nhà thì còn đỡ, tối về không sao ngủ nổi. Nhiều người mẫn cảm còn bị dị ứng, đành phải chuyển sang khu vực khác tạm tránh".
Anh P.V.K (38 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khi đi làm qua đây vào mùa hoa sữa nở rộ anh chỉ muốn phóng xe đi thật nhanh. “Trong thời gian từ tháng 9 - tháng 11 là thời điểm hoa sữa nở rộ nhất. Đến mùa hoa sữa nở, khi đi qua con đường này tôi luôn nhức đầu vì mùi hoa quá nồng. Nhất là khi tắc đường đứng đợi dưới những tán cây hoa sữa thì không khác nào cực hình”, anh Kiên nói.
Cây hoa sữa được trồng mật độ cao, khi nở rộ mùi hương gây cảm giác khó chịu cho người dân.
Là người dân sống tại phố Nguyễn Chí Thanh, ông V.B.B (70 tuổi) chia sẻ: "Trước kia lác đác đầu phố hay cuối ngõ có 1 cây hoa sữa thì mùi hương thoang thoảng, thơm mát vào mùa Thu thì mọi người còn thích thú. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cây được trồng dày đặc, với khoảng cách 3-4m/cây, khi vào mùa nở rộ, mùi hoa nồng nặc, xộc thẳng vào nhà, chúng tôi không thể nào chịu nổi". “Hơn nữa, rễ cây hoa sữa là loại rễ nổi khiến lật hết gạch đá lát vỉa hè. Vào mùa, nhà tôi luôn phải đóng kín cửa, vừa tránh mùi ngộp thở, vừa tránh những hạt hoa sữa như sâu róm bay vào nhà. Tôi mong thành phố nên đánh chuyển càng nhanh càng tốt, để người dân được đảm bảo sức khỏe”, ông Bình bổ sung.
Trước đề xuất di dời hoa sữa lần thứ 2 này, nhiều người cho rằng đây là hậu quả tất yếu của việc không có quy hoạch chọn cây.
Theo PGS - TS Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), hiện chưa có nghiên cứu nào về tác hại của hoa sữa với sức khỏe, nhưng có nhiều người bị dị ứng phấn hoa, trong đó có hoa sữa. Vào mùa hoa sữa nở, những người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp cần cẩn trọng. Bởi, khi tiếp xúc với hương, phấn và lông hoa sữa, những người này nguy cơ bị tái phát bệnh, mẩn ngứa, thậm chí nổi mụn, phát ban do phấn hoa sữa là những dị nguyên gây khởi phát dị ứng…
Trước đó, hồi tháng 7/2019, trước phản ánh mùi hoa sữa tỏa hương khiến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng đã đánh chuyển hơn 100 cây hoa sữa từ Hồ lên bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Căn cứ vào thực tế, quận Đống Đa đã báo với Sở Xây dựng và TP. Hà Nội xem xét phương án là di dời 80 cây hoa sữa, thay bằng cây hoa ban và các loại cây khác để tạo cảnh quan. Đây là phương án nằm trong dự án chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng…, đồng thời giãn mật độ cây hoa sữa trên tuyến phố, nhằm hạn chế độ đậm mùi hương khi hoa sữa vào mùa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội triển khai trồng cây xanh, làm đẹp cảnh quan cần được ủng hộ. Riêng với loài hoa sữa, tuy đáp ứng được một số tiêu chí chọn cây đô thị như không gãy đổ, tạo bóng mát, có chiều cao vừa phải và thẩm mỹ, nhưng hoa của cây này mùi rất nồng nặc. Vì thế, không phù hợp trồng trong đô thị, khu đông dân cư.
Trước đề xuất di dời cây hoa sữa, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu quận Đống Đa xây dựng tiến độ thực hiện, tính khả thi khi áp dụng quy trình kỹ thuật trong việc dịch chuyển các cây hoa sữa có khối lượng lớn, khả năng bảo tồn và chăm sóc cây sau dịch chuyển.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh là "vấn đề nhạy cảm, phức tạp, được dư luận, người dân quan tâm" nên cơ quan này đề nghị UBND quận Đống Đa thông tin rộng rãi để việc trồng, thay thế cây hoa sữa bằng loại cây khác.
Hàng cây hoa sữa dày đặc trên phố Nguyễn Chí Thanh.
Trong trường hợp cây hoa sữa có khối lượng lớn, không thể bố trí trồng lại trong các công viên, vườn hoa trên địa bàn thì đề nghị UBND quận Đống Đa chủ động liên hệ với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội để thống nhất vị trí trồng cố định và chăm sóc tại khu vực vùng ảnh hưởng bán kính 500 m ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Đáng chú ý, Sở Xây dựng cho rằng để tăng hiệu quả sử dụng cây xanh, tạo cảnh quan xanh và tránh lãng phí trong quá trình thực hiện, đề nghị UBND quận Đống Đa nghiên cứu phương án không dịch chuyển cây Lát hoa để trồng thay thế bằng cây Hoa ban.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn thông tin với báo chí: “Hiện phương án đánh chuyển, trồng mới loại cây thay thế hàng hoa sữa đang được quận hoàn thiện để gửi cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó có phương án cụ thể di dời bao nhiêu cây, tại vị trí nào, trồng thay thế bằng loại cây gì… Kinh phí di dời, trồng thay thế cây xanh sẽ lấy từ kinh phí thực hiện dự án chỉnh trang tuyến phố. Phương án đánh chuyển, trồng thay thế cây xanh tại tuyến phố sẽ phải đảm bảo các tiêu chí khoa học, hợp lý, đúng quy định, có sự đồng thuận của bà con nhân dân. Sau khi hoàn thiện phương án, quận sẽ gửi cơ quan chuyên môn là Sở Xây dựng thẩm định, hướng dẫn bước tiếp theo. Sau khi phương án hoàn thiện sẽ trình UBND TP phê duyệt rồi mới tổ chức thực hiện”.
Nguyễn Hoa
Thủ tướng: Kịp thời lắng nghe, giải quyết các khó khăn và đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư
Đón 1.045 khách tàu biển quốc tế đến Nha Trang (Khánh Hòa)
Hoàn thiện thể chế về văn hóa phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm cấp cao với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
Hơn 9 triệu ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Bình Tân: Nhóm côn đồ mang hung khí xung vào nhà dân cố sát nhiều người
Huyện Văn Lâm, Hưng Yên: Hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022
Gần 2.000 người tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân TP.Thủ Đức năm 2023
Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, Agribank đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất