Bác sĩ trẻ và hành trình khám phá khoa học

  • Y HỌC
  • 07:47 28/02/2023

 (SK&MT) - “Nếu ngày ấy không chọn nghề y, thì có lẽ tôi đã không có một cuộc đời trọn vẹn và ý nghĩa. Mỗi ngày nhìn thấy bệnh nhân không còn đau yếu, hoạt động nhanh nhẹn hơn, có thể tự vệ sinh cá nhân, đó là nguồn động lực, niềm hạnh phúc của người thầy thuốc”, ThS. BSNT Phan Trúc, Khoa Ung bướu – Huyết học (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec), giảng viên, Viện Khoa học Sức khỏe (Đại học VinUniversity) bắt đầu câu chuyện về nghề chữa bệnh và hành trình khám phá khoa học.

Bác sĩ trẻ và hành trình khám phá khoa họcBác sĩ Phan Trúc (bên phải) hạnh phúc với hành trình này.

 

Bác sĩ Phan Trúc, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất xứ Huế, đến với nghề y là một tình cờ và tiếp tục gắn bó, giữ ngọn lửa nhiệt huyết ấy đã hơn chục năm khi hiểu được ý nghĩa, sứ mệnh của nghề. Khoảng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, anh tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như khám và chữa trị cho bệnh nhân nghèo, mở lớp ôn thi đại học,... bên cạnh những hoạt động trường, anh còn đi làm thêm để trang trải học phí. Là một sinh viên có học lực xuất sắc, anh nhận thấy muốn ngành y tế tốt, người dân được khỏe mạnh thì phải thay đổi từ hệ thống y tế, đó cũng là lý do anh lập ra Diễn đàn bác sĩ trẻ Việt Nam với mong muốn chia sẻ và học hỏi từ những người đồng nghiệp. Anh chia sẻ: “Ban đầu anh phải nhắn tin kêu gọi và thuyết phục các bác sĩ tham gia nhưng sau khoảng thời gian hoạt động gần 1 năm thì Diễn đàn đã đủ vững mạnh và góp phần rất nhiều vào những chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước”.

Trên hành trình khám phá khoa học có rất nhiều kỷ niệm với anh, đặc biệt là ca bệnh vào tháng 7 năm ngoái, tin nhắn ở hộp thư rác đến từ một đồng nghiệp ở Quảng Bình kêu gọi giúp đỡ: người em trai 23 tuổi đang xuất khẩu lao động tại Nhật Bản xuất hiện sốt liên tục và xét nghiệm máu bất thường đã nhập viện và làm tất cả tại Nhật, chẩn đoán vẫn chưa xác định rõ, em ấy được tư vấn trở về Việt Nam. Ngày 12/07, bác sĩ Phan Trúc tiếp nhận ca bệnh và hành trình kỳ diệu bắt đầu.

Khi nhập viện, bệnh nhân các chỉ số cải thiện dần với liều rất thấp của corticosteroid, hết sốt. Bác sĩ tiếp tục theo dõi, hai tháng sau, bệnh nhân trở lại với tình trạng sốt cao liên tục, buồn nôn. Lúc này, bác sĩ quyết định điều trị theo phác đồ thực bào máu cho em bởi vì tỷ lệ tử vong của hội chứng này rất cao (lên đến 60%). Sau đó, bác sĩ đã phân định được có liên quan đến di truyền.  Kết quả phân tích đột biến gene được trả về: Xuất hiện 2 đột biến (dị hợp tử kép) ở gene LRBA, một gene đóng vai trò quan trọng trong điều hòa phản ứng miễn dịch của cơ thể, mới được phát hiện từ năm 2012 trên thế giới và còn rất ít dữ liệu về nó.

Bác sĩ cho biết thêm: “Quyết định ghép tế bào gốc là một quyết định vô cùng khó khăn. Mình không được vội vàng. Mình mời bố mẹ em ấy ra gặp mình để lấy mẫu phân tích đột biến. Kết quả: Cả hai đột biến của gene LRBA đều di truyền từ mẹ!

Điều đó chứng tỏ, là gene này không đóng vai trò quyết định trong sinh bệnh học lần này của bệnh nhân”.

 

Bác sĩ trẻ và hành trình khám phá khoa học

Bác sĩ tiếp tục hành trình với lễ ra mắt Câu lạc bộ Ung thư Việt Nam.

 

 

Nhận định này là chìa khóa để bác đi tiếp chặng đường tìm kiếm gốc rễ của vấn đề này. Trong hàng tháng tìm kiếm, bệnh nhân đã phải chịu đựng các tác dụng phụ đáng kể của các thuốc ức chế miễn dịch, phù toàn thân do giữ nước, nhưng vẫn không thể kiểm soát được cơn sốt mỗi khi ngưng thuốc. Đó thật sự là khoảng thời gian vô cùng khó khăn của bệnh nhân và bệnh viện. Tất cả chuẩn bị cho phương án xấu nhất. Kỳ diệu là sau khoảng thời gian nghiên cứu cùng các y bác sĩ trong và ngoài nước thì ca bệnh đã tìm ra giải pháp đi đúng hướng.

Chu kỳ hóa chất đầu tiên, bệnh nhân ngưng toàn bộ các thuốc và chờ đợi cơn sốt tiếp theo. Cuối chu kỳ bệnh nhân sốt trở lại, nhưng cũng là lần đầu tiên bệnh nhân không sốt khi ngưng thuốc sau gần 2 tuần. Tất cả triệu chứng biến mất và các xét nghiệm trở về bình thường từ đó đến nay. 

Sau hành trình đó, bác sĩ Phan Trúc tâm sự: “Mình và đồng đội đã có một bài học, một câu chuyện đời mà chẳng có sách vở nào dạy, chỉ có trí tò mò khoa học và quyết tâm cho một sinh mạng ở tuổi đời còn rất trẻ và bọn mình đã làm được và chúng mình cũng bất ngờ về chính hành trình ấy”.

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức trên hành trình khám phá khoa học nhưng với những nỗ lực và cống hiến, bác sĩ Phan Trúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, là bác sĩ vừa có tâm vừa có tầm, là người sáng lập Diễn đàn bác sĩ trẻ Việt Nam, nhiều năm liền được học bổng của trường Đại học VinUniversityGiấy khen của Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec.

 

NHƯ QUỲNH


 

Gửi bình luận của bạn