Vai trò của các tổ chức, hội dân sự trong nâng cao nhận thức về quyền con người

(Suckhoemoitruong.com.vn) -

Giáo dục nhân quyền không phải là trách nhiệm của riêng nhà nước mà của toàn xã hội. Chính vì vậy, hơn 100 đại diện từ các NGOs, các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng, giới nghiên cứu cùng đông đảo sinh viên, thanh niên đã tham gia tọa đàm về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong nâng cao nhận thức về quyền con người.

Sáng ngày 17/12 vừa qua tại khách sạn Fotuna, Hà Nội, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã tổ chức tọa đàm “giáo dục nhân quyền và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong nâng cao nhận thức về quyền con người”. Chương trình nhằm chia sẻ các vấn đề lý luận và cách làm tốt trong giáo dục nhân quyền giữa các tổ chức xã hội ở Việt Nam, sau đó xác định những chủ đề ưu tiên và phương hướng hành động của các tổ chức xã hội dân sự để tăng cường sự hiểu biết để tôn trọng quyền con người trong xã hội. Tới tham dự và chia sẻ tại tọa đàm có ông Lê Quan Bình – viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), bà Ngô Minh Hương, giám đốc Trung tâm Hội nhập và Phát triển, nhà văn Trang Hạ và nhà nghiên cứu Nghiêm Kim Hoa


Thảo luận tại buổi tọa đàm

Quyền con người có thể hiểu là những lợi ích bẩm sinh, vốn có của mọi cá nhân được ghi nhận và bảo vệ cả trong pháp luật quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu hết và bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình, một trong số đó là những người nhập cư. Nói về vấn đề này,viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng Ngô Minh Hương chia sẻ “những người di cư cần phải có quyền được lao động công bằng, hưởng các chế độ an sinh xã hội, nhà ở, không bị phân biệt màu da, tôn giáo và quyền được tham gia các công đoàn, nghiệp đoàn”. Để những người di cư có được những quyền lợi cho riêng mình, các tổ chức xã hội dân sự cần phải nâng cao nhận thức về quyền cho người di cư, để họ có được thông tin về pháp luật có thể áp dụng được trong cuộc sống và tổ chức các đối thoại xã hội.


Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi Trường Lê Quang Bình phát biểu

Một nhóm yếu thế nữa cũng thường bị tước đi quyền con người đó là phụ nữ. Nhà văn Trang Hạ dã nêu ra những quan sát rất thú vị xung quanh chuyện cái điều khiển tivi trong gia đình, nơi mà phần lớn thời gian người điều khiển là đàn ông. Theo nhà văn, “không phải xã hội không cho phụ nữ quyền mà phụ nữ tư làm mất quyền của mình”. Để giải thích cho nhận định của mình, Trang Hạ nói về sự “nhường nhịn” – từ chối lựa chọn sự chủ động của phụ nữ cũng như là cách giữ “lửa ấm” trong gia đình, đồng thời nhấn mạnh tính chủ động như một sức mạnh nội tại mà phụ nữ nào cũng có nhưng không phải người phụ nữ nào cũng dung đến. Nhà văn khuyến khích phụ nữ nhận thức và chủ động lên tiếng để giành những quyền rất cơ bản về mình.


Nhà văn Trang Hạ chia sẻ cách nhìn về nhân quyền của phụ nữ

Tại tọa đàm, anh Lương Thế Huy, đại diện cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) đã chia sẻ cảm nhận của mình về quá trình vận động quyền của cộng đồng LGBT trong năm vừa qua, đặc biệt thông qua hai hoạt động là góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự thảo luật hôn nhân gia đình. “Từ một cộng đồng bị xã hội đè nén, ép mình phải mặc cảm với chính bản thân, cộng đồng LGBT đã tự tin đứng lên như một cộng đồng có tổ chức, có học thức và có lý tưởng chân thành về quyền bình đẳng” – anh Lương Thế Huy chia sẻ.


Anh Trương Thế Huy và chủ đề “mở tung những cánh cửa”

Cũng tại tọa đàm, các diễn giả đã ngồi cùng nhau để chia sẻ những thắc mắc của các bạn sinh viên và thảo luận về những vấn đề về giáo dục nhân quyền. Theo anh Lương Thế Huy, để đạt được mục đích không phải là chuyện một sớm một chiều vì “ bản năng của con người luôn sợ hãi, kì thị những điều không quen thuộc với mình, nhưng lại kiên nhẫn và chia sẻ thông tin lại là liều thuốc hữu hiệu cho nỗi sợ vô tri đó”.


Toàn cảnh buổi tọa đàm

Năm 2013 là một dấu mốc quan trọng của Việt Nam khi cùng với nhân loại tiến bộ kỷ niệm 65 năm Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu, Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân Quyền Liên hợp quốc. Việc phố biến nhân quyền ở Việt Nam cần được thúc đẩy vì cả người dân và người thừa hành công vụ đều cần biết về quyền và nghĩa vụ của họ để có thể biến “quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn thành hiện thực.

Hà Hoài Thu

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/vai-tro-cua-cac-to-chuc-hoi-dan-su-trong-nang-cao-nhan-thuc-ve-quyen-con-nguoi-1010.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.