EU chính thức áp dụng thông hành điện tử Covid-19

(SK&MT) - Từ ngày 1/7, EU chính thức áp dụng chứng chỉ thông hành điện tử Covid-19 (DCC). Theo AFP, chứng chỉ là kết quả sau nhiều tháng phối hợp thực hiện giữa các thành viên EU, theo đó xác nhận tình trạng tiêm vaccine, mới xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc vừa khỏi bệnh Covid-19 của đối tượng được cấp. Dựa trên mã QR trên ứng dụng điện thoại di động hoặc bản in bằng giấy, chứng chỉ cho phép tự do di chuyển giữa các quốc gia EU mà không cần cách ly hoặc xét nghiệm bổ sung vào thời điểm nhập cảnh.

EU chính thức áp dụng thông hành điện tử Covid-19

Trước giờ triển khai, đại diện các hãng hàng không và những sân bay lớn nhất châu Âu đã gửi thư cảnh báo giới lãnh đạo EU về nguy cơ xảy ra hỗn loạn và tắc nghẽn sân bay. “Trong bối cảnh lưu lượng hành khách gia tăng trong những tuần tới, nguy cơ hỗn loạn tại các sân bay EU là điều không thể tránh khỏi”, theo Reuters hôm qua dẫn nội dung bức thư. Để tránh xếp hàng kéo dài và xảy ra tình trạng bị hoãn chuyến vào thời gian cao điểm trong hè, các nước cần triển khai hệ thống cho phép xử lý từ xa chứng chỉ tiêm vaccine và tờ khai vị trí hành khách trước khi họ đến sân bay. Những khâu kiểm tra bổ sung chỉ được thực hiện ở nước khởi hành và các chính phủ phải là bên quản lý dữ liệu về tình trạng sức khỏe của người dân cũng như cung cấp thiết bị quét mã QR cho các phi trường, theo thư.

Một trong những người ký đơn là ông Olivier Jankovec, Tổng giám đốc Tổ chức Hội đồng các sân bay quốc tế châu Âu (ACI châu Âu). Ông gọi đây là thách thức chưa từng có và các thành viên ACI đang vô cùng quan ngại khi nhiều sân bay vẫn thực hiện việc xác minh theo phương thức thủ công.

Bên cạnh đó, ông Rafael Schvartzman, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ở châu Âu, cho hay thời gian trung bình ở sân bay của hành khách đã tăng gấp đôi, từ khoảng 1 giờ rưỡi trước dịch Covid-19 lên 3 giờ như hiện nay. Nếu không thay đổi, thời lượng này có thể tăng lên 5 - 8 giờ trong giai đoạn cao điểm ở EU.

Tính đến cuối tháng 6/2021, 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã phát hành và công nhận DCC. Về vaccine, hiện EU mới chấp nhận các vaccine ngừa Covid-19 của liên danh BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson.

Tuy nhiên, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chưa phê chuẩn vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất và lấy tên Covishield. Vì thế, hành khách tiêm vaccine này hiện vẫn chưa được phép đi lại tự do trong khối EU, theo trang SchengenVisaInfo.com.

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của biến chủng Delta đang mang đến thách thức mới trước giờ áp dụng DCC. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Olivier Véran của Pháp thông tin hiện biến chủng Delta chiếm 20% tổng số ca Covid-19 ở nước này, tăng gấp đôi so với ước tính trước đó. Biến chủng Delta cũng tăng mạnh tại Bồ Đào Nha, buộc Đức tạm thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách nước này, trừ thường trú nhân hoặc công dân Đức.

Từ trước đại dịch, IATA đã đưa ra giải pháp Timatic để giúp các hãng bay cập nhật quy định y tế liên tục thay đổi của các quốc gia. Đây là hệ thống lưu trữ các quy định về đi lại của hơn 220 quốc gia thu thập từ hơn 1.600 nguồn, cập nhật nhiều lần mỗi ngày. Dựa trên điểm đến, điểm quá cảnh, quốc tịch, thẻ thông hành, quốc gia cư trú và nhiều yếu tố khác, Timatic giúp các hãng hàng không nhanh chóng kiểm tra điều kiện lên máy bay của hành khách. Để đảm bảo Timatic tiếp tục đáp ứng được nhu cầu của các hãng bay trong đại dịch Covid-19, các quy định phòng dịch mới được thêm vào. Timatic cũng trở thành một yếu tố nền tảng và được tích hợp vào ITP, giúp hành khách tìm kiếm quy định về việc đi lại, xét nghiệm và tiêm vaccine.

Ba chức năng còn lại của ITP bao gồm tìm chỗ xét nghiệm đáp ứng yêu cầu của điểm đến, giúp phòng thí nghiệm chia sẻ kết quả xét nghiệm Covid-19 cho hành khách và tạo hộ chiếu kỹ thuật số. Trong đó, hộ chiếu kỹ thuật số sẽ chứa thông tin cá nhân của hành khách, xác nhận liệu kết quả xét nghiệm/tiêm vắc xin đã đạt yêu cầu hay chưa và chia sẻ kết quả đó với nhà chức trách.

Nhờ các chức năng trên, ITP có thể giúp giảm thời gian làm thủ tục khi bay. ITP cũng đồng bộ mẫu giấy chứng nhận xét nghiệm hoặc tiêm vắc xin trên toàn cầu, giúp nhà chức trách dễ kiểm soát hơn nếu được các chính phủ chấp nhận.

Ngoài ra, ITP có thể giúp triển khai các tiêu chuẩn y tế mới trên toàn cầu nhanh hơn. Theo tạp chí International Airport Review, việc tiêm ngừa bệnh sốt vàng là yêu cầu chính để nhập cảnh ở một số nước. Người tiêm xong sẽ được cấp chứng nhận tiêm chủng quốc tế, hay “thẻ vàng”. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang nghiên cứu việc số hóa “thẻ vàng” và ITP có thể giúp thực hiện điều đó.

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/eu-chinh-thuc-ap-dung-thong-hanh-dien-tu-covid-19-10716.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.