(SK&MT) - Một báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng Đông Nam Á đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng dinh dưỡng trẻ em, trong đó số trẻ thiếu dinh dưỡng và số trẻ béo phì tiếp tục gia tăng bất chấp sự phát triển của kinh tế trong vài thập niên qua của khu vực này
Bà Dorothy Foote, một chuyên gia về dinh dưỡng của UNICEF, gọi những vấn đề này là “một vụ khủng hoảng bắt đầu phát triển” có liên hệ tới tình trạng dinh dưỡng trẻ em và tình trạng dinh dưỡng nói chung. Vụ khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng chẳng những tới các gia đình và các cộng đồng mà còn ảnh hưởng tới các chính phủ và các xã hội, và cái giá phải trả cho gánh nặng kép này là vô cùng to lớn".
Các khảo sát trong báo cáo này cho thấy tại hầu hết các nước trong khu vực số trẻ em béo phì và số trẻ em thiếu dinh dưỡng có tỉ lệ gần tương đương nhau. Tại Indonesia, trẻ em bị béo phì và trẻ em thiếu dinh dưỡng có tỉ lệ tương đương nhau là 12%. Tại Thái Lan, xu hướng đang gia tăng với nạn thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng tới 7% trẻ em trong khi 11% trẻ em bị béo phì. Trong khi đó, Lào có tỉ lệ trẻ em còi cọc cao nhất với 44%. Tỉ lệ còi cọc cao cũng được ghi nhận ở Campuchia, Myanmar, Philippines và Indonesia.
Báo cáo cho biết khoảng 3/4, tức là 12 triệu trong số 17 triệu trẻ em còi cọc ở Đông Nam Á, sinh sống tại Indonesia và Philippines.
Theo bà Foote ở Đông Nam Á vẫn còn “một gánh nặng hết sức to lớn của tình trạng thiếu dinh dưỡng, cả kinh niên lẫn cấp tính”. Mức độ còi cọc của trẻ em đặc biệt nghiêm trọng. Không có đủ dinh dưỡng ảnh hưởng tới chiều cao và sự phát triển khác của thể chất.
Trong khi đó, Đông Nam Á cũng đối mặt với sự tăng vọt của số trẻ em béo phì. Lý do chính của việc này, theo báo cáo, là có sự gia tăng của các loại thực phẩm chế biến và những loại thức uống có nhiều chất béo hoặc đường mà không có giá trị dinh dưỡng. Vấn đề thiếu hoạt động thể chất và lối sống chỉ thích ngồi yên một chỗ cũng là một nguyên nhân.
Những xu hướng đáng lo ngại này đã xuất hiện, mặc dù khu vực Đông Nam Á có sự tăng trưởng kinh tế rất khả quan và được xem là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới. Mặc dù các số liệu phát triển tổng thể có tính chất tích cực, những sự chênh lệch giàu nghèo lại mỗi ngày một tăng. Thêm nữa, phát triển kinh tế đã làm cho những loại thức ăn không lành mạnh xuất hiện nhiều hơn ở các khu vực, cả đô thị và nông thôn.
Bà Foote nhận xét thêm: "Kết quả là chúng tôi nhận thấy những cách thức nuôi con không đúng cách, nhất là đối với những em bé dưới hai tuổi, làm cho tình trạng suy dinh dưỡng tiếp tục ở mức cao, trong khi tỉ lệ trẻ em béo phì hoặc quá cân mỗi lúc một tăng".
Báo cáo của UNICEF và WHO kêu gọi các chính phủ tăng cường việc kiểm soát các loại thức ăn thức uống dành cho trẻ em để giảm bớt nạn béo phì và ra sức giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng làm cho trẻ em nghèo bị còi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động tiếp thị của các loại thức ăn thiếu lành mạnh và những loại thức uống có đường cho trẻ em và hạn chế việc cung ứng hay mua bán các loại thực phẩm đó tại trường học.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/dong-nam-a-doi-mat-voi-khung-hoang-kep-ve-suc-khoe-tre-em-11091.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.