(SK&MT) - Đại gia dầu ăn Đài Loan, Ngụy Danh Trung, hôm 25/3/2016 đã bị tòa án Đài Bắc kết án 4 năm tù do trách nhiệm trong vụ bê bối dầu ăn độc hại bị phát giác từ cuối năm 2014. Vụ này từng gây chấn động dư luận đảo Đài Loan và kích động những cuộc xuống đường phản đối. Ngoài Ngụy Danh Trung, 11 người khác cũng bị án tù giam.
Vụ bê bối dầu bẩn ở Đài Loan hồi cuối năm 2014 đã nhanh chóng biến thành khủng hoảng quốc tế khiến nhiều người khiếp sợ.
Theo kết quả điều tra, “nguyên liệu” để sản xuất loại dầu này là rác thải hoặc thức ăn thừa thải ra từ các nhà bếp của quán ăn, nhà hàng; nước bẩn trong các cống rãnh từ bệnh viện, váng dầu vớt từ cống rãnh, mỡ ôi thiu đổ đi, thậm chí xác động vật nhiễm bệnh cũng coi là “nguyên liệu” dùng để sản xuất loại dầu bẩn này. Người chế dầu bẩn dùng vợt vớt bỏ những rác thải dạng rắn như xác động vật chết, xương… Sau đó họ gạn lấy phần dầu mỡ bên trên, lọc qua lần nữa. Chúng có màu sẫm trông khá kinh dị, mùi hôi khó chịu. Để có thể tung ra thị trường, “nhà sản xuất” phải tẩy màu và mùi hôi thối bằng hóa chất. Khi đó, dầu bẩn từ cống rãnh sẽ có màu sắc không khác gì loại dầu chúng ta vẫn xào nấu hằng ngày. Dầu bẩn được đóng gói và bán với giá rẻ cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn vỉa hè hay người tiêu dùng bình dân. Người tiêu dùng không bao giờ ngờ được chai dầu mình mua lại được chế biến một cách rùng rợn như thế. Không riêng gì người bản xứ, khách du lịch khắp nơi trên thế giới cũng có thể đã “thưởng thức” loại dầu bẩn ấy khi nếm thử các món ăn “ngon” trên đường phố Đài Loan.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) cho biết có hơn 1.200 doanh nghiệp địa phương sử dụng dầu bẩn do Công ty Chang Guann sản xuất, trong đó có những doanh nghiệp lớn, nổi tiếng. Nhiều nước như Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Singapore, Hong Kong, Ma Cao… là những nơi đã nhập những thực phẩm được chế biến bằng loại dầu bẩn này.
Các nhà nghiên cứu sinh học và thực phẩm cho biết, chất dùng để chế tạo dầu bẩn là một tổ hợp có muôn vàn chất độc hại khác nhau, dùng nó không thể lường hết tác hại của chúng đối với sức khỏe. Điều nguy hiểm là không sao tách được các loại tạp chất này ra khỏi dầu mỡ bẩn vì rất khó khăn và vô cùng tốn kém.
Trong dầu bẩn có PAH (Polycyclic Aromatic Hydrocarbon) là chất ô nhiễm hữu cơ nguy hiểm, nếu sử dụng lâu dài, có thể bị ung thư. Nó cũng chứa những chất aflatoxin sinh ung thư với nguy cơ cao sản sinh từ những loại nấm mốc. Tái chế dầu ăn đã sử dụng dùng để chiên xào lại lần nữa, dù trải qua các hệ thống xử lý hiện đại cũng không chấp nhận được.
Ăn các loại thực phẩm chế biến từ dầu bẩn, con người sẽ mắc phải những bệnh tật không thể lường trước được. Các chất độc này ngấm vào cơ thể, phá hủy dần sức khỏe. Dầu mỡ lấy từ cống rãnh có chứa chất tẩy, thuốc nhuộm sẽ mắc bệnh ung thư và các bệnh mãn tính. Đặc biệt, những loại dầu mỡ lấy từ nước thải của những khu công nghiệp có hàm lượng kim loại chì, thủy ngân cao… con người sẽ bị ngộ độc. Thêm nữa với loại dầu động vật đã sử dụng qua nhiều lần, tận dụng lại sẽ có nguy cơ gây ung thư. Bởi vì khi đun nóng, dầu sẽ bị cháy, phân hủy thành chất độc gây ung thư. Hợp chất trong thực phẩm bị bẻ gãy hình thành các phân tử lạ. Những phân tử này chui vào cơ thể sẽ gây bệnh ung thư.
Ngay sau khi vụ dầu bẩn được phát giác, ông Giang Nghi Hoa, Viện trưởng Viện Hành chánh Đài Loan (Thủ Tướng) đã xin lỗi dân chúng Đài Loan. Ông Giang nói: “Thay mặt chính phủ, tôi muốn đưa ra lời xin lỗi sâu sắc nhất đối với tất cả người dân Đài Loan”. Ông còn nói rằng, hy vọng chính quyền Đài Loan suy nghĩ về “vụ việc đau lòng” sau khi cơn đau đã qua khỏi. Ông kêu gọi những người có trách nhiệm phải làm đúng nhiệm vụ của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ban-an-thich-dang-cho-vu-dau-an-ban-o-dai-loan-11093.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.