Hồ sơ Panama tạo nên một cơn chấn động trên toàn cầu

Trong hồ sơ này, số công ty cùng cá nhân có liên quan tới Mỹ là 6.254 và 7.325.

(SK&MT) - Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) hôm 10/5 đã công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu về hơn 200.000 thực thể nước ngoài liên quan đến các thiên đường thuế để trốn thuế.

Ở khu vực châu Âu, Anh và Nga là hai nước có liên quan đến các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tương đối lớn với lần lượt 17.973 và 11.516 thực thể. Bên cạnh đó, số cá nhân, tổ chức đến từ hai quốc gia này xuất hiện trong cơ sở dữ liệu của ICIJ lần lượt là 5.676 và 6.285.

Tại châu Á, Trung Quốc cũng liên quan đến một lượng khá lớn công ty có vốn đầu tư nước ngoài, với 4.188 thực thể. Trong khi đó, con số ở Nhật Bản là 28. Số công ty ở nước ngoài của Singapore cũng được xếp vào hàng cao với 5.869 thực thể.

Quần đảo Virgin thuộc Anh, Bahamas, và Panama đều được mệnh danh là những "thiên đường thuế". Việc thành lập doanh nghiệp tại đây tương đối dễ dàng, đồng thời mức thuế cũng rất ưu đãi.

Quần đảo Virgin nằm trong vùng biển Carribe, phía nam quốc đảo Haiti, được xem là thiên đường trốn thuế lớn nhất do luật lệ thành lập doanh nghiệp rất thoáng nên được giới giàu có chọn là nơi tẩu tán tải sản lẫn rửa tiền. Tại đây, mức thuế 0% áp dụng cho cả doanh nghiệp lẫn lợi nhuận từ các khoản đầu tư hoặc thương mại, quà biếu, tiêu thụ hoặc tài sản thừa kế. Nếu chủ các công ty hoặc nhà đầu tư bất động sản trở thành cư dân bán thời gian (6 tháng trong 1 năm) của British Virgin thì họ chỉ phải đóng mỗi thuế tài sản mang tính danh nghĩa - khoảng 1,5% trên tổng giá trị tài sản hàng năm. Chính vì vậy, quần đảo Virgin có đến 125.000 công ty vốn nước ngoài thành lập tại đây.

Theo số liệu công bố trên ICIJ, có 19 công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam. Trong đó, 15 công ty đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, hai công ty đặt tại Bahamas, một tại Panama và một công ty chưa xác định được vị trí. Có 189 cá nhân, liên quan đến Việt Nam theo những cách khác nhau, và liên quan đến các công ty offshore.

Ngoài ra, tài liệu cũng công khai tên 23 cá nhân và tổ chức trung gian, 185 địa chỉ tại Việt Nam, phần lớn phân bố ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, nhiều doanh nhân được nhắc đến trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng như: ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI); bà Đàm Bích Thủy - người từng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, đồng thời cũng là cổ đông lớn kiêm nhà sáng lập Sovico Holdings (Công ty mẹ của Vietjet Air). Ngoài ra, trong danh sách "hồ sơ Panama" này, người ta còn thấy 1 vài cái tên quen thuộc khác được cho là những người: ông Nguyễn Cảnh Sơn (Sovico), ông Đoàn Văn An (cựu lãnh đạo GPBank), ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Sovico Holdings) cũng chính là chồng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo...

Ngoài danh sách 189 cá nhân, tổ chức nói trên, thì còn rất nhiều người Việt cũng có tên trong danh sách 200.000 thực thể này, nhưng địa chỉ không ở Việt Nam, mà được khai tại Singapore, Hongkong, Nga, Ucraina, Séc và nhiều nước Đông Âu khác…và cả những người không có địa chỉ xác thực. Do chưa thể thống kê hết những người Việt trong Hồ sơ Panama được công bố ngày 10/5, nhưng qua tìm kiếm sơ bộ có thể khẳng định có khoảng hơn 200 người Việt nữa, mang tên Việt, nhưng không khai địa chỉ Việt Nam. Như vậy, bước đầu có thể thấy có khoảng 400 cá nhân, tổ chức người Việt trong danh sách này

Theo kết quả điều tra của TeleSUR Englis, các thiên đường thuế gây thiệt hại cho những quốc gia đang phát triển nhiều gấp ba lần số viện trợ họ nhận được từ nước phát triển. Tổng tài sản tài chính tại các thiên đương thuế là khoảng từ 21 đến 32 nghìn tỷ USD, tương đương GDP của cả Mỹ và Liên minh châu Âu cộng lại. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đi qua các thiên đường thuế chiếm đến 40% tổng vốn FDI toàn cầu.

Hồ sơ Panama gồm 11,5 triệu tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu liên quan đến chứng từ thuế của công ty luật Mossack Fonseca (ở Panama) trong suốt 40 năm từ năm 1977 đến tháng 12/2015. Những thông tin đầu tiên của tài liệu này đã được công bố vào ngày 4/4 và đã tạo nên một cơn chấn động trên toàn cầu. Đây được đánh giá là một trong những vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử. Hồ sơ này tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên toàn thế giới, trong đó có liên quan đến 12 người đã hoặc đang là nguyên thủ quốc gia như gia đình và cộng sự. Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes (Mỹ). Thủ tướng Iceland - Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha - Jose Manuel Soria đã phải từ chức sau khi tên hai ông xuất hiện trong Hồ sơ Panama. Thủ tướng Anh - David Cameron phải công khai hồ sơ thuế. Nhiều người giàu ở Australia, Pháp, Ấn Độ, Mexico, Peru, Tây Ban Nha và các quốc gia khác cũng bị điều tra do nghi ngờ trốn thuế. Mặc dù thành lập các công ty ở nước ngoài không phạm pháp, nhưng nhiều cá nhân giàu có bị ngờ là đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty “ma” với mục tiêu che giấu tài sản, trốn thuế, rửa tiền hoặc che giấu những hành vi phạm tội khác./.

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ho-so-panama-tao-nen-mot-con-chan-dong-tren-toan-cau-11104.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.