(SK&MT) - Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy không khí bẩn là hình thức ô nhiễm làm chết người nhiều nhất, là nguyên nhân gây chết yểu hàng thứ tư, và cũng khiến kinh tế thế giới thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm vì mất mát lao động.
Cuộc nghiên cứu cho biết “khoảng 90% dân số các nước có thu nhập thấp và trung bình đang bị phơi nhiễm trước các mức ô nhiễm không khí nguy hiểm”. “Số tử vong lớn nhất vì ô nhiễm không khí xảy ra tại vùng Nam Á và Đông Á vì họ bị phơi nhiễm cao, và vì họ có dân số đông nhất. Nam Á và Tiểu vùng sa mạc Sahara đều có mức thiệt hại lớn nhất vì những vùng này có dân số tương đối trẻ bị ảnh hưởng và dân số trong tuổi lao động. Và khi nhìn vào những phí tổn về an sinh xã hội thì Đông Á - Thái Bình Dương và Nam Á là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.”
Ông Urvashi Narain, một nhà kinh tế môi trường kỳ cựu của WB cho biết: “Động cơ chính của phúc trình này là nêu lên những thách thức từ ô nhiễm không khí, sâu rộng thế nào và cũng đưa ra các lý do kinh tế rõ ràng để các nước hành động. Các nước không thể làm ngơ trước vấn đề này và cần phải hành động ngay”.
Cuộc nghiên cứu cho biết vào năm 2013 “5 triệu rưỡi người chết vì bệnh tật có liên quan tới ô nhiễm không khí ngoài trời và ô nhiễm không khí trong nhà”. Các nhà khoa học cho biết ô nhiễm không khí trong nhà có thể là nguồn gốc của ‘hội chứng bệnh cao ốc’ có thể gây chóng mặt, hen suyễn và dị ứng. Theo đó, ô nhiễm không khí gây ra bởi các hóa chất gọi là hợp chất dễ bay hơi (VOC) trong nhà chúng ta cao gấp từ 3 đến 5 lần so với bên ngoài. VOC bao gồm cả benzen và formaldehyde gây ung thư thường từ các loại sơn, vải hay nệm bọc ghế, các máy in và xăng dầu dự trữ. Cách truyền thống để loại bỏ các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà là bằng các phương pháp lọc, loại bỏ không khí độc hại từ nhà và bơm không khí sạch từ bên ngoài vào.
Ông Narain nói: “Chúng tôi cũng phát hiện ô nhiễm không khí không chỉ là một nguy cơ cho sức khỏe mà còn làm cho phát triển kinh tế bị trì trệ. Trong phúc trình, chúng tôi khám phá rằng lợi tức lao động toàn cầu mất khoảng 225 tỷ USD vì tỷ lệ chết yểu do ô nhiễm không khí gây ra”.
Kết quả nghiên cứu của WB và IHME không đưa ra những khuyến nghị giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, để cho các nước tự quyết định, nhưng hối thúc các quốc gia phải hành động nhanh chóng.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/phan-lon-dan-so-cac-nuoc-co-thu-nhap-thap-va-trung-binh-bi-phoi-nhiem-truoc-cac-muc-o-nhiem-khong-khi-nguy-hiem-11117.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.