Thế giới không đạt mục tiêu giảm bệnh lao, HIV và béo phì

Nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Bill & Melinda Gates, hơn 2.500 chuyên gia khắp thế giới ghi nhận kết quả tiến bộ về sức khoẻ của 188 quốc gia, và đưa ra dự báo đến năm 2030, theo đó, không một quốc gia nào trong số gần 200 quốc gia được nghiên cứu, có thể đạt được mục tiêu của LHQ trong việc loại bỏ tình trạng nhiễm lao mới vào năm 2030.Và chưa đầy 5% các quốc gia có thể đạt được mục tiêu của LHQ là giảm tình trạng tự tử, tử vong đường bộ và bệnh béo phì trẻ em đến thời điểm 2030. Ngoài ra chỉ có 7% các quốc gia có khả năng loại trừ được các ca nhiễm HIV mới vào thời điểm 2030.

SK&MT - Một kết quả nghiên cứu y tế toàn cầu được tạp chí The Lancetcông bố hôm 13 tháng 9 cho thấy chỉ có 1/5 trong tổng số 37 mục tiêu về sức khoẻ được đặt ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) được thông qua vào năm 2015, có thể sẽ đạt được.

Cũng theo nghiên cứu vừa nêu, các quốc gia có thu nhập cao được dự báo đạt được 38% các mục tiêu liên quan đến y tế của LHQ, so với con số 3% đối với các quốc gia thu nhập thấp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lao là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Thực tế cho thấy cuộc chiến ngăn chặn bệnh lao cần nhiều nỗ lực hơn nữa.Đại Hội đồng WHO đã thông qua nghị quyết tháng 5 năm 2014 phê duyệt việc hỗ trợ đầy đủ cho chiến lược chống lao toàn cầu mới với những mục tiêu đầy tham vọng.Mục tiêu chính của chiến lược mới đó là: giảm 95% số trường hợp mắc mới lao, giảm 90% tử vong do lao từ 2015 đến 2030 và đảm bảo rằng không còn hộ nghèo nào phải chi trả chi phí quá sức do lao gây ra.

Báo cáo bệnh lao toàn cầu của WHO năm 2016 cho thấy dịch bệnh TB lớn hơn so với ước tính trước đây qua giám sát và khảo sát dữ liệu mới từ Ấn Độ nhưng số ca tử vong do lao và tỷ lệ mắc lao tiếp tục giảm trên phạm vi toàn cầu cũng như Ấn Độ. Trong năm 2015, ước tính 10,4 triệu ca mắc lao mới hay hiện mắclao trên toàn thế giới, trong đó có 5,9 triệu (56%) là nam giới, 3,5 triệu (34%) nữ giới và 1,0 triệu (10%) trẻ em.

Trên thế giới, tốc độ giảm mắc bệnh lao vẫn chỉ ở mức 1,5% trong 2 năm 2014-2015, do đó cần được tăng tốc mức giảm hàng năm để đạt tỷ lệ giảm 4-5% vào 2020 nhằm tiến tới những cột mốc đầu tiên trong Chiến lược toàn cầu chấm dứt bệnh lao của WHO.WHO cho biết đối mặt với dịch bệnh lao đã là một khó khăn nhưng khủng hoảng lao đồng nhiễm HIV và lao đa kháng thuốc hiện nay (MDR-TB) càng làm cho cuộc chiến chấm dứt bệnh lao thêm khó khăn hơn nữa.

Theo Báo cáo bệnh lao của WHO năm 2016, vấn đề đồng nhiễm (co-infected) lao HIV và MDR-TB đang là những trở ngại lớn cho cuộc chiến toàn cầu chấm dứt bệnh lao của WHO đến năm 2030. Theo đó, lao là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người có HIV, gây ra khoảng 1/4 tổng số ca tử vong ở nhóm này cùng với MDR-TB đã xuất hiện ở hầu hết các nước được khảo sát. Báo cáo của WHO cũng cho thấy khoảng 1,8 triệu tử vong do lao trong 2015, cộng thêm 4 triệu tử vong do lao đồng nhiễm với HIV; mặc dù số ca tử vong do lao đã giảm 22% từ năm 2000 đến 2015 nhưng bệnh lao vẫn là 1 trong top 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới năm 2015 cao hơn cả HIV và sốt rét.

Theo LHQ, tính đến nay, đại dịch thế kỷ HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của khoảng 39 triệu người, trong khi vẫn còn khoảng 35 triệu người khác đang mang trong mình virus HIV chết người.

Theo đánh giá của Chương trình Điều phối LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), nỗ lực phòng chống lây nhiễm 'căn bệnh thế kỷ' đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thế giới đã bắt đầu đẩy lùi sự lây lan của HIV với số ca nhiễm mới được báo cáo trong năm 2015 là 2,1 triệu người, giảm từ 3,4 triệu người vào năm 2001.

Về bệnh béo phì, Tạp chí The New England Journal of Medicine của Anhcho rằng đang có “một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ngày càng tăng và đáng lo ngại trên toàn cầu”.

Xét trong năm 2015, có tới hơn 2,2 tỷ trẻ em và người lớn trên toàn thế giới (chiếm 30% dân số thế giới) bị thừa cân. Theo kết quả nghiên cứu này, có gần 108 triệu trẻ em và hơn 600 triệu người lớn có chỉ số BMI vượt quá 30 - ngưỡng béo phì. Tỷ lệ béo phì tăng gấp đôi kể từ năm 1980 tại hơn 70 quốc gia và liên tục tăng ở hầu hết các quốc gia còn lại. Mặc dù tỷ lệ béo phì ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, nhưng tỷ lệ gia tăng chứng béo phì của trẻ em ở nhiều quốc gia lớn hơn so với người lớn. Các quốc gia có số người lớn béo phì cao nhất là Hoa Kỳ (79,4 triệu người) và Trung Quốc (57,3 triệu người).

Tiến sĩ Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá y tế Mỹ (IHME) cho biết: “Những người thừa cân có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và những bệnh khác có thể đe doạ đến mạng sống”.

Nhằm giảm số người bị béo phì, LHQ đã phát động “Thập kỷ Hành động về Dinh dưỡng” để xoá đói, chấm dứt suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức (suy dinh dưỡng, thiếu chất dinh dưỡng, thừa cân hoặc béo phì) và giảm gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống ở mọi lứa tuổi trong giai đoạn 2016 - 2025./.

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/the-gioi-khong-dat-muc-tieu-giam-benh-lao-hiv-va-beo-phi-11206.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.