SK&MT - Các nhà khoa học Nhật Bản đã chỉnh sửa gen trên gà mái để chúng đẻ ra trứng có sẵn thuốc trị ung thư, trong nỗ lực tìm cách giảm chi phí điều trị căn bệnh nan y này.
Nhóm nghiên cứu công bố trong một báo cáo những con gà mái được chỉnh sửa gen hiện cứ 1 đến 2 ngày lại cho ra một mẻ trứng có chứa Interferon. Nếu được tiêm protein này 3 lần mỗi tuần, cơ thể bệnh nhân có thể ngăn tế bào ung thư phát triển. Interferon cũng giúp tăng tế bào T trong hệ miễn dịch của người bệnh để "đánh" lại khối u ung thư.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cho biết, các nhà khoa học dự kiến sẽ cấy gen chứa loại protein trên vào tinh trùng của gà trống để nhân giống, tạo nên những con gà có thể đẻ ra trứng chứa chất trên.
Những nhà nghiên cứu hy vọng với kỹ thuật này có thể được đưa vào ứng dụng đầu năm sau để tạo ra thuốc chống ung thư, chi phí sản xuất ban đầu giảm được một nửa so với thông thường. Hy vọng nó sẽ giảm xuống còn 10%.Hiện, một liều thuốc đặc trị các bệnh trên có thể lên tới 100.000 yen (khoảng 888 USD).
Tuy nhiên, các quy định tại Nhật Bản có thể khiến việc này bị trì hoãn bởi loại trứng này cần phải được kiểm nghiệm nếu muốn được công nhận là dược phẩm.
Trước đó, hồi đầu năm 2017, giới nghiên cứu di truyền ở viện Roslin gần thành phố Edinburgh (Anh) thông báo đã lai tạo được giống gà có khả năng đẻ trứng chứa các protein chống ung thư.Các nhà khoa học từ viện Roslin nói trứng của các con gà cải biến gien sẽ chứa nhiều loại protein cần thiết để làm thuốc chống ung thư và một số căn bệnh nghiêm trọng ở người.
Các nhà khoa học của viện Roslin đã cấy gien người vào trứng, nở ra các con gà mái chứa protein người trong cơ thể.Các loại protein này sẽ được tái sản sinh trong trứng gà.Hiện Roslin nuôi khoảng 500 con gà cải biến gien, là kết quả của hơn 15 năm nghiên cứu của bác sĩ Helen Sang.
Theo tính toán của viện Roslin thì còn cần thêm 5 năm nữa mới tới quá trình bệnh nhân được thử thuốc và 10 năm để loại thuốc mới xuất hiện trên thị trường.
Những protein có tác dụng chữa bệnh như insulin từ lâu đã được sản xuất trong vi khuẩn, nhưng có những protein phức tạp chỉ có thể được tạo ra từ tế bào của sinh vật lớn hơn. Giới nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra những phân tử này trong sữa của các động vật biến đổi gene như cừu, dê, bò và thỏ.
Công trình của viện Roslin cho thấy có thể sử dụng gia cầm như nhà máy sinh học. Một số con chim đã được biến đổi gene để đẻ trứng chứa miR24, một kháng thể có thể điều trị ung thư da. Những con gà khác tạo ra interferon b-1a, ngăn cản virus phát triển trong tế bào. Những protein này nằm trong lòng trắng trứng; việc tách ra và thanh lọc khá dễ dàng.
Gà có một số lợi thế so với các loài động vật khác bởi vòng đời của nó ngắn hơn. "Một khi bạn tạo ra được gà biến đổi gene, thì bạn có thể tạo ra hàng trăm con gà khác từ một con trống hăng máu và thu hoạch trứng thường xuyên mỗi ngày", Sang nói.
Chi phí cao của thuốc ung thư khiến nhiều bệnh nhân không dám sử dụng thuốc. Một nghiên cứu công bố hồi năm ngoái cho thấy, trong 5 bệnh nhân thì có 1 người từ bỏ việc sử dụng thuốc ung thư vì không có khả năng chi trả.
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/tao-ra-giong-ga-co-san-thuoc-tri-ung-thu-11219.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.