SK&MT - Nạn chuột hoành hành tại thủ đô Paris của Pháp đàn trở thành đề tài mà báo chí nhiều nước đang cảnh báo. Tờ New York Times của Mỹ mới đây cho đăng một bài báo dài với tiêu đề « Chuột tự do hoành hành ở Paris” với nhận định là “Paris đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng về chuột tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ nay”. Báo The Guardian của Anh thì mỉa mai “Tại Marais - khu phố sang trọng, thanh lịch của Paris, chuột đông hơn người”. Một tờ báo Anh khác - The Telegraph - thì nhận xét: “Paris, kinh đô ánh sáng nay đã trở thành kinh thành của chuột cống”.
Tuy nhiên, bác sĩ Georges Salines, giám đốc cơ quan Sức khỏe & Môi trường Paris cho biết thức ăn thừa rơi vãi tại các nơi công cộng và trong các thùng rác không đóng kín trên đường phố mới là nguyên nhân chủ yếu khiến chuột sinh sôi, nảy nở nhanh chóng. Thêm vào đó, nhiều người dân lại rắc thức ăn cho chuột, giống như cho chim bồ câu ăn vậy. Ngoài ra, cũng phải kể tới việc nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm và nhà hàng vứt lẫn lộn các loại rác thải với thức ăn, thực phẩm thừa vào cùng một thùng rác nên thu hút nhiều chuột tới, đặc biệt là ở các khu vực có nhiều cống thoát nước.
Cũng theo Giám đốc cơ quan Sức khỏe& Môi trường Paris, chiến dịch diệt chuột của Paris phần nào giảm hiệu quả là do ảnh hưởng của một quy định mới của Liên minhChâu Âu liên quan đến thuốc diệt chuột, chẳng hạn lệnh đặt thuốc diệt chuột ở cửa hang chuột tại các công viên.
Chuyên gia Pierre Falgayrac cho biết để duy trì sự sống, chuột cần ba yếu tố cơ bản là thức ăn, nước uống và hang ổ. Chỉ cần triệt tiêu được một trong ba yếu tố này là có thể hạn chế sự sinh sôi, nảy nở của loài gặm nhấm đáng ghét này. Vì mỗi con chuột mỗi năm ăn hết khoảng 9kg thức ăn, nên theo chuyên gia Pierre Falgayrac, cũng như giám đốc cơ quan Sức khỏe&Môi trường Paris và phát ngôn viên Christophe Marie của Quỹ bảo vệ động vật mang tên diễn viên danh tiếng Brigitte Bardot, để giải quyết tận gốc vấn nạn chuột thì điều thiết yếu phải là xử lý rác thải, đặc biệt là các loại thức ăn thừa để chặn nguồn thức ăn của chuột, khiến chúng không thể sinh sôi nhanh chóng. Và đặc biệt, việc dọn vệ sinh, thu gom rác thải phải được tiến hành vào buổi chiều tối, trước giờ chuột rời hang lên mặt đất tìm thức ăn.
Hiện tại, ở Paris, thùng rác được các hộ gia đình, cửa hàng, siêu thị đẩy ra vỉa hè vào buổi tối, nhưng nhân viên môi trường đô thị chỉ đi thu gom rác vào buổi sáng sớm hôm sau. Điều này có nghĩa là chuột vẫn có cả đêm để lùng sục thức ăn trong các thùng rác để trên vỉa hè, nhất là các thùng rác không được đậy kín nắp.
Ngoài ra, ông Pierre Falgayrac đưa ra 4 đề xuất:
- Dùng các chất diệt chuột sinh học chỉ để diệt chuột cống gần khu vực buôn bán thực thẩm, nhà hàng, siêu thị.
- Đặt bẫy chuột cơ học không độc hại cho con người và các loài vật khác luân phiên tại các công viên, vườn hoa.
- Phun nước dọn rửa vỉa hè hai lần một ngày, nhất là tại các khu vực có nhà hàng, siêu thị.
- Diệt chuột một tháng trước khi cải tạo hay xây mới các công trình để tránh chuột chạy lan sang các nơi khác.
Chuyên gia Pierre Falgayrac quả quyết nếu áp dụng bốn biện pháp mà ông đề xuất, chỉ sau ba tháng, số chuột sẽ giảm xuống tỉ lệ dưới 1 con chuột/ 1 người dân. Ở ngưỡng này, người ta sẽ không còn thấy chuột trên mặt đất vào cuối ngày nữa.
Nhưng chuyên gia Pierre Falgayrac lại lưu ý rằng điều quan trọng là « điều chỉnh dân số » chuột cống ở Paris chứ không phải tìm cách tiêu diệt hoàn toàn loài vật này bởi vì chuột cống không quá nguy hiểm như người ta vẫn lo sợ.
Chúng ta vẫn đồn đại rằng chuột cống có thể truyền nhiều bệnh cho con người, nhất là dịch hạch, nhưng sự thật không phải vậy. Chuyên gia Pierre Falgayrac nói: “Nếu đúng chuột cống là vật chủ truyền bệnh dịch hạch, thì con người đã chết hàng loạt kể từ khi có hệ thống cống … Chuột không truyền cho con người nhiều mầm bệnh hơn chó hay mèo, những loài vật nuôi yêu thích của người dân Paris … Bệnh duy nhất mà chuột có thể truyền cho con người là bệnh trùng xoắn móc câu. Đó là căn bệnh truyền nhiễm qua nước tiểu của chuột. Nhưng căn bệnh này rất hiếm gặp”.
Viện Pasteur Paris cũng khẳng định bệnh trùng xoắn móc câu không dễ lây sang người nên tỉ lệ người mắc bệnh hàng năm chỉ là 0,4 - 0,5 người/100.000 dân. Thế nhưng, với nạn hoành hành của chuột cống, số người bị mắc bệnh đã tăng. Năm 2014-2015, trên toàn nước Pháp, có hơn 600 ca bệnh trùng xoắn móc câu, tăng gấp đôi so với năm 2011. Những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh này nhất là công nhân làm việc trong hệ thống cống ngầm, thường xuyên tiếp xúc với chuột cống.
Tuy nhiên, xét về phía cạnh nào đó, chuột cũng là loài vật có ích. Chúng giúp người dân Paris xử lý tới 800 tấn rác thải/ngày và giúp cống rãnh không bị rác làm tắc nghẽn.
Còn chính quyền Paris có quan điểm là chuột không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe mà còn “gây mất mỹ quan đô thị và gây thiệt hại về kinh tế”. Vì thế, Thị trưởng Anne Hidalgo khi trả lời phỏng vấn của tuần báo Journal du Dimanche cho biết là thành phố đã thông qua một kế hoạch hành động trên quy mô rộng với 10 biện pháp mới nhằm làm sạch thành phố và diệt chuột, đặc biệt bổ sung 1,5 triệu euro cho công tác diệt chuột. Số tiền sẽ được dùng để mua thêm bẫy chuột, cải tiến các thùng rác để chuột không chui vào lấy thức ăn được nữa và tăng cường hoạt động diệt chuột ở những nơi có nhiều chuột cống.
Thực ra, đây không phải là chiến dịch diệt chuột đầu tiên của thành phố Paris. Hàng năm, cứ vào mùa Xuân, sở cảnh sát Paris lại phát động chiến dịch diệt chuột và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân. Sở cảnh sát Paris đã thành lập một đơn vị gồm 6 cảnh sát, chuyên điều tra các nhà kho, tầng hầm, sân và khu vực để thùng rác bên trong các khu chung cư và hệ thống cống thoát nước để tìm và diệt loài gặm nhấm này. Nhưng rồi sau đó một thời gian, chuột trở lại vì luôn có thức ăn trên đường phố Paris.
Hy vọng là với các biện pháp mới của Paris, với việc nâng cao ý thức cho người dân, “Kinh đô ánh sáng” sẽ không còn là “kinh thành của chuột cống” nữa.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/phap-thu-do-paris-doi-dau-voi-cuoc-khung-hoang-ve-chuot-toi-te-nhat-11306.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.