Không có cơm ăn, áo mặc nhưng thuốc lào vẫn phải đủ dùng
Mới đây, theo chân đoàn cán bộ huyện Tây Giang (Quảng Nam) vượt 15km đường lầy lội, đầy ổ trâu đến bản Ka Lô (huyện Ka Lum, tỉnh Sê Kông Lào) trên đường khảo sát mở cửa khẩu Tây Giang - Kà Lừm, chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi hình ảnh “kỳ quặc” của những con người nơi đây.
Trừ những trẻ em dưới 7 tuổi thì những người còn lại, thậm chí cả những cụ già ở cái tuổi gần đất xa trời cũng phì phèo rít thuốc lào. Cư dân Ka Lô cơm không đủ để ăn nhưng ống tẩu thì chẳng lúc nào rời tay. Bình quân mỗi gia đình có từ 2 - 3 ống tẩu thuốc, thậm chí có hộ 10 khẩu thì có 10 cái. Thuốc lào ở Ka Lô có hương vị thơm, khó lẫn với vùng đất nào.
Đúng là một “phong tục” độc nhất vô nhị, chỉ có ở Ka Lô. Hèn gì trước giờ lên đường, lãnh đạo huyện Tây Giang cứ “dấm dúi” mãi, chỉ tiết lộ sơ sài rằng Ka Lô là bản nghèo, bản đông con và có nhiều người nghiện. Té ra là họ nghiện thuốc lào.
Mang tiếng đông con cũng không ngoa, các cặp vợ chồng ở đây ai nấy đều “thi nhau” đẻ. Toàn bản có 62 hộ gia đình mà nhân khẩu lên đến gần 500 người, trung bình mỗi cặp vợ chồng sinh từ 4 - 8 đứa con, có hộ gần cả chục. Điển hình như San Đen (36 tuổi) có 9 đứa con. Chúng tôi hỏi: “Sao nghèo mà đẻ nhiều thế?”.
Đen cười vang rừng, hồn nhiên: “Nghèo một tí nhưng đông con thấy vui; một, hai năm đẻ một đứa. Con mình ăn cháo sắn, uống nước suối, nhưng đứa nào cũng khỏe”. Chẳng biết Đen nói thật hay đùa, chứ như lời anh ta thì sắp tới định cho vợ đẻ thêm một cháu nữa cho chẵn chục. Kể chuyện đến đây, Đen bật máy lửa, rít điếu thuốc lào sòng sọc. Với Đen, ống điếu thuốc lào như “người vợ” thứ hai của mình vậy, không thể bỏ được ngày nào.
Men theo sông Trôn, ngược lên các triền đồi A Mớ là những bãi trồng cây thuốc lá mênh mông. Mỗi hộ gia đình ở đây, ít thì có vài trăm mét vuông, nhiều thì trồng cả sào. Có mặt tại rẫy thuốc nhà mình, bà Hồ Thị KuTe nói như khoe: “Mình trồng thuốc không chỉ để hút mà còn mang ra vùng A Lưới (Thừa Thiên Huế, Việt Nam) bán nữa đó.
Cả nhà mình ai cũng hút thuốc cả, nếu mà đi mua thì không đủ tiền, nên phải trồng thôi”. Đi sâu vào giữa bản, chúng tôi bắt gặp từ già tới trẻ, trai lẫn gái, trên miệng ai cũng thường trực ống thuốc lào, khói bay nghi ngút.
Điếu thuốc lào ở đây cũng lạ, thân điếu làm bằng ống tre, kích cỡ dài ngắn khác nhau nhưng cái ngắn nhất cũng phải nửa mét, cái dài nhất thì lên đến cả mét. Đặc biệt “khủng” là phần nõ điếu (nơi nhét thuốc), nếu như ở Việt Nam, nó có thể chỉ bằng ngón tay cái thì ở đây, nõ điếu có khi to bằng cả nắm đấm, ước lượng nhét được vào cả vốc thuốc lào mà vẫn chưa đầy.
![]() |
Thiếu nữ Ka Lô "phê" bên tẩu thuốc lào |
Đàn ông, con trai mê mẩn khói thuốc đã đành, ở bản Ka Lô, từ bà già đến thiếu nữ và trẻ con đều “đốt” thuốc lào. Mới lên 8 tuổi, bé San Úi đã được bố mẹ “tập huấn” cho hút thuốc lào được hơn 1 năm. Úi bảo: “Cháu tập hút thuốc chừng nửa tháng là quen. Mới đầu hút bị say, nhiều lúc sặc lên mũi, ho sù sụ, nhưng nay rít ngọt lắm rồi.
Chỉ một tiếng đồng hồ không có ống điếu đã thấy khó chịu lắm”. Ở Ka Lô, đâu đâu cũng ngửi thấy mùi thuốc, ai đó nếu không quen chỉ còn nước bịt mũi, ho sù sụ. Người ngồi trong bếp, người trên sàn nhà, ngoài ruộng, góc chợ,… hình ảnh người Ka Lô hút thuốc lào như một “tập tục” không thể bỏ.
Muốn được yêu thì phải “nghiện” thuốc lào
Đối với những phụ nữ nơi đây, hút thuốc lào là sự khẳng định chính mình với cánh đàn ông, phụ nữ không hút thuốc rất khó lấy chồng. Dấu tích còn lại của chế độ mẫu hệ trong tộc người Pa Cô, Cơ Tu nơi đây được thể hiện trên điếu cày.
Trước căn nhà sàn, Hồ Thị Pương đang ngồi dệt thổ cẩm. Chốc chốc, điếu cày trên tay chị Hồ Thị Pờ Lớt - một người bạn hàng xóm lại đưa sang, chị đưa miệng vào rít, tẩu thuốc cháy đỏ, tàn rơi vãi, rồi chị nhả khói ngon lành.
Pương năm nay 44 tuổi và đã có 6 mặt con, trừ 2 đứa nhỏ còn chập chững và ẵm ngửa, 4 đứa trẻ còn lại đều có 4 tẩu thuốc lào riêng cho mình. Chị Pương tâm sự: “Mình biết hút thuốc lào từ lúc chưa đến tuổi thiếu nữ. Hồi mới lớn, mình cũng không biết hút, ngửi mùi thuốc còn buồn nôn, khó chịu. Rồi sau đó mẹ mình tập cho mình hút.
Cứ sau mỗi lần lên rẫy, mẹ lại lấy thuốc nêm vào tẩu, bỏ than cháy đều, bảo mình hút… cho quen, sau này dễ “nói chuyện” với đám trai bản”. Khi được hỏi “hút mấy chục năm thế mà không bị bệnh sao?”, Pương quả quyết: “Nước suối làng mình sạch lắm. Múc nước suối lên tưới cây thuốc thì hút làm sao mà bệnh được. Mấy cụ già trong thôn, hút thuốc từ nhỏ mà có ai bị đau ốm gì đâu”.
Cầm điếu thuốc lào trên tay, Pương bảo: “Hồi mình mới gặp chồng là Pả Mương, mình cũng dùng ống thuốc lào ni để hút. Rồi Mương thấy thích, đêm nào cũng đến nhà mình, hai đứa ra bờ suối cùng hút chung một tẩu, thế là nên vợ chồng”. Nhà Pương có 6 thành viên đều rít thuốc rất điệu nghệ, mỗi ngày “đốt” hết cả mấy cuộn thuốc. Nếu không trồng thuốc lá để hút, tiền mua thuốc sẽ nhiều hơn tiền mua gạo ăn.
Nhiều gia đình ở Ka Lô, gạo thiếu ăn đứt bữa, nhưng thuốc lào thì vẫn hút đều đặn, họ vẫn sống vui tươi, tự nhiên như núi đồi nương rẫy. Không còn vô tư hút như chị Pương, chị Pờ Lớt cũng hút thuốc mấy chục năm nay nhưng sau cái chết của chồng, chỉ bỏ được mấy ngày nhưng rồi tặc lưỡi đốt tiếp vì thèm quá. “Không hút thì hai con mắt mình nó cứ nhắm lại, đêm không ngủ, ngày cũng không lên rẫy được”, Pờ Lớt phân trần.
Cụ Hào Zeng, 80 tuổi, kể lại chi tiết câu chuyện của một anh chàng tên Hẹo trong bản đi tìm “bắt” vợ cách đây 6 năm. Thời đó, Hẹo thích bé Liên đến ngẩn ngơ. Liên cũng vậy, muốn một ngày được cùng Hẹo nên đôi. Thế nhưng khổ nỗi, Hẹo không hút thuốc lào bao giờ. Biết chuyện, chính Liên là người nói lời chia tay.
Buồn bã lắm nhưng Hẹo quyết không đụng đến ống điếu. Lang thang khắp nơi hỏi các thiếu nữ nhưng không có ai chấp nhận người không hút thuốc lào, cuối cùng, để có được một gia đình, cách đây 2 năm, Hẹo đành phải miễn cưỡng tập hút thuốc lào để đi tìm cho mình “một nửa còn lại”.
Cũng theo lời cụ Hào Zeng, người dân của bản quen rồi, chẳng ai bảo ai, cứ lên 7, lên 8 tuổi là tập hút thuốc thôi. Đói ăn còn có thể chịu được chứ ống điếu là vật bất ly thân, ai cũng rít thuốc rất thiện nghệ. Xung quanh chuyện ống thuốc lào ở bản Ka Lô, có những chuyện thú vị đến mức cười ra nước mắt. Cậu San Vin - cháu của Trưởng bản San Chăn là minh chứng sống.
Cách đây 9 năm, Vin đi tìm vợ, nhưng vốn không hút thuốc lào nên chẳng ai ưa. Rồi Vin đi làm thuê bên các bản làng quanh thị trấn A Lưới với hy vọng sẽ tìm được vợ về và “cải cách” cái kiểu “không hút thuốc lào không có ai ưa, không lấy được chồng, được vợ”, nhưng không có kết quả.
Chẳng tìm được ai, Vin đành trở về Ka Lô tập hút thuốc lào và cưới được vợ - bé Lài vào năm 2007. Ngặt nỗi, khi cưới xong, Vin tính đường bỏ thuốc thì bị vợ “dọa” “nếu bỏ thuốc sẽ không cho ôm ngủ, cũng chẳng cho hôn”. Vậy là cậu chàng lại phải ôm cái ống điếu, từ bỏ chuyện “cải cách quan điểm của dân làng”.
Theo chân các em học sinh đến lớp học ở cuối thôn, lớp được “chắp vá” với những cái đầu lô nhô, cao thấp, những em học sinh vẫn vô tư mang cả điếu cày vào trong lớp. “Học sinh ở đây đều hút thuốc lào cả. Không biết sao mà bố mẹ chúng cho chúng hút vô tư như thế. Hỏi phụ huynh thì họ nói hút thuốc lào không mang bệnh cho con trẻ nên đành chịu”, cô giáo Hồ Thị Thơi nói.
Những chuyện “nghiện ngập” xung quanh chiếc ống thuốc lào nơi đây hoàn toàn không phải là hủ tục hay tập tục gì, mà nó chỉ là một thói quen, một thú vui của người dân trong bản. Một người dân còn ngâm nga một câu thơ học được từ người Kinh: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên”.
Theo SBĐ
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ky-quac-vung-dat-thieu-nu-khongnghienthuoc-lao-thi-khong-lay-duoc-chong-1134.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.