Trong khuôn khổ kế hoạch 5 năm với ngân khoản dự trù 30 tỷ USD của chiến dịch này, quan trọng nhất là công tác xây dựng 111 triệu cầu tiêu, gồm cả công cộng và tư gia trên toàn quốc. Trước kia phân nửa dân Ân Độ, khoảng hơn 500 triệu người, vẫn theo thói quen “đi đồng,” nghĩa là phóng uế ngoài nơi công cộng, đồng ruộng, bãi biển hay chỗ đất trống. Sự phóng uế ngoài trời là một trong những nguyên nhân lan truyền các mầm bệnh do ruồi nhặng mang từ phân người đến thực phẩm, gây các chứng bệnh đường ruột như tiêu chảy và trầm trọng hơn có thể là dịch tả.
Đến nay, tiến độ của dự án này được coi là rất khả quan. Qua 4 năm, chương trình xây cất cầu tiêu ở vùng nông thôn đã hoàn thành được 88% và dự trù kết thúc vào tháng 10/2019, kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Mahatma Gandhi.
Trong chiến dịch SBA, một số vùng nông thôn Ấn Độ đã đề ra khẩu hiệu “Không có nhà vệ sinh, Không có cô dâu” để thúc đẩy phụ nữ từ chối kết hôn với người đàn ông không có nhà vệ sinh.
Các gia đình nghèo có thu nhập dưới mức trung bình được trợ cấp 12.000 rupee (170 USD) để làm một cầu tiêu trong nhà. Trong điều kiện thiếu hệ thống ống cống thì kiểu nhà vệ sinh giữ phân người trong một cái hố dưới đất, hay hầm cầu, là phương pháp hiệu quả và rẻ tiền nhất. Những hố tiêu này thuộc loại không dội nước hoặc chỉ cần dội một đến ba lít nếu là loại hố xí dội nước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện vẫn còn 1.8 tỷ người trên thế giới chưa được sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, hầu hết là ở các nước đang phát triển.
Một nhà vệ sinh ‘kiểu mới’ được xây dựng cho dân chúng tại Ấn Độ
Theo tiêu chuẩn do WHO đưa ra các hố tiêu phải có nắp đậy và ánh sáng phải được ngăn không cho chiếu vào hố để giảm ruồi nhặng bay vào. Khi hầm cầu đầy đến gần mặt trong vòng nửa thước, cần phải làm trống hoặc đào một hố mới và di dời hay dựng lại nhà vệ sinh tại chỗ khác. Việc lấy phân bùn từ những hố tiêu dội nước không đơn giản, thường phải sử dụng xe bồn rút hầm cầu thay vì bằng thủ công, có thể có nguy cơ về môi trường và sức khỏe nếu không được thực hiện đúng cách.
Một biến thể mới được dùng là nhà vệ sinh với 2 hố tiêu luân chuyển có hệ thống ống liên kết. Công ty Nhật LIXIL đã cung cấp hàng trăm ngàn kiểu hố tiêu này với giá chỉ dưới 10 USD mỗi đơn vị. Lợi ích của hệ thống hai hố tiêu là có thời gian để cho phân ở hố thứ nhất phân hủy hoàn toàn.
Bộ trưởng đặc trách SBA của Ấn Độ, ông Parameswaran Iyer, đã gây sự sửng sốt cho mọi người khi đích thân chứng minh điều này. Một ngày đầu tháng 2/2017, ông Iyer cùng hơn một chục viên chức dùng xe bus đi từ Hyderabad đến làng Telangana. Ở đây, trước đông đảo viên chức, phóng viên và dân chúng, ông bước xuống một hố tiêu của một nhà vệ sinh 2 hố tiêu và tự tay xúc phân ra. Ông giải thích: “Sau một năm, cái này đã thành phân bón, tuyệt đối an toàn và vệ sinh để làm như vậy”.
Ông Parameswaran Iyer là chuyên gia về vệ sinh và nước uống của Ngân hàng Thế giới (WB), đã làm việc 13 năm ở nước ngoài tại Mỹ, Trung Quốc, Lebanon, Ai Cập, Việt Nam, trước khi ủng hộ chủ trương của Thủ tướng Narendra Modi và trở về Ấn Độ làm việc cho chiến dịch SBA.
SBA được tài trợ bằng ngân sách liên bang, tiểu bang, tín dụng của WB và hỗ trợ kỹ thuật của các công ty xí nghiệp. Là một chương trình xã hội và dân sinh lớn nhất trong lịch sử nhân loại, SBA có tác động sâu rộng đến sinh hoạt của hàng trăm triệu dân và nâng cao phẩm giá cho đất nước Ấn Độ.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/sba-chuong-trinh-xa-hoi-va-dan-sinh-lon-nhat-trong-lich-su-nhan-loai-11403.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.