Giải quyết nạn bạo hành và kinh nghiệm của Nepal

SK&MT - Mặc dù bạo hành gia đình có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng phụ nữ thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều.Trên thế giới, gần một phần ba phụ nữ cho biết họ từng trải qua bạo hành tình dục hoặc bạo hành thể chất do người thân gây ra.

Mặc dù thái độ xã hội đang dần thay đổi, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bạo hành là vấn đề được chấp nhận là chuyện bình thường ở nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Đại Dương.

Bạo hành không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển

Một phần ba phụ nữ ở Đan Mạch và gần 30% phụ nữ ở Anh cho biết họ từng bị bạo hành bởi bạn đời ít nhất một lần trong đời; khoảng 5% nói họ từng bị bạo hành trong 12 tháng vừa qua.Ở Mỹ, 32% phụ nữ từng trải qua bạo hành về thể chất do bạn đời gây ra, 16% bị bạn đời bạo hành tình dục, gần 4% bị bạo hành thể chất và 2% bị bạo hành tình dục trong năm vừa qua.

Bạo lực tác động vô cùng lớn đến sức khỏe phụ nữ

Ở Mỹ, bạo hành do bạn đời gây ra dẫn đến 2 triệu ca chấn thương mỗi năm, khiến đây là vấn đề y tế nghiêm trọng hơn cả béo phì và hút thuốc lá.Nó liên quan đến đến chứng đau nhức kinh niên, hen suyễn, mất ngủ, hội chứng đau quặn bụng, bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Phụ nữ từng bị bạn tình bạo hành có nguy cơ muốn tự tử cao hơn, dễ bị trầm cảm, lo âu, hoảng loạn, và dễ bị hội chứng sang chấn sau bạo hành.

Giải quyết nạn bạo hành và kinh nghiệm của Nepal

Nhiều phụ nữ tại Nepal đến trung tâm xử lý khủng hoảng một cửa để được tư vấn

Nhân viên y tế thường là người đầu tiên tiếp xúc với người bị bạo hành: Ở Mỹ, phụ nữ bị bạo hành thường đến bệnh viện nhiều gấp 2,5 lần so với những bệnh nhân khác.

Vì 40% nạn nhân nữ trong các vụ giết người bị bạn tình sát hại, nên việc can thiệp kịp thời ở giai đoạn này có thể cứu mạng họ.

Nghiên cứu được tiến hành trong 5 năm trên 139 vụ giết người mà nạn nhân là phụ nữ ở thành phố Kansas (Mỹ) cho thấy gần một phần tư số vụ giết người, 34 vụ, có liên quan đến bạo hành gia đình. Và 15 phụ nữ đã đến phòng cấp cứu, trong đó có 14 người bị thương, trong vòng hai năm trước khi họ bị sát hại.

Một khảo sát gần đây tiến hành trên 1.554 nạn nhân được cảnh sát đến can thiệp kịp thời sau khi nhận được cuộc gọi báo có xảy ra bạo hành gia đình, cho thấy 88% trường hợp đã sống sót.

Ở Anh, nghiên cứu năm 2017 cho thấy hầu hết công tác huấn luyện y tế không trang bị đầy đủ huấn luyện về bạo hành do bạn đời gây ra.

Mặc dù Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền ở Mỹ bắt buộc phải có nhiều chương trình bảo hiểm chi trả cho quá trình tầm soát và tư vấn bệnh nhân bị bạo lực, nhưng chính phủ Mỹ vẫn không có quy định tầm quốc gia nào về vấn đề này.

Một bài tóm tắt 11 nghiên cứu đăng Tạp chí Y tế Anh (British Medical Journal) cho thấy việc hỏi đáp giúp xác định được bệnh nhân bị bạo hành, nhưng không hẳn sẽ giúp được họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không ủng hộ việc khảo sát trong bản hướng dẫn nhân viên y tế về bạo lực liên quan đến giới tính.Thay vào đó, rất nhiều chuyên gia đề xuất cách tiếp cận như Nepal đang thực hiện.

Nepal mở cửa Trung tâm xử lý khủng hoảng một cửa đầu tiên vào năm 2011, ở vùng Viễn Tây và miền Trung, và tiếp tục mở thêm các trung tâm trong bệnh viện cả nước.Năm 2015, chính phủ phát triển một phương thức giúp nhân viên y tế xác định và hướng dẫn nhiều bệnh nhân đến Trung tâm xử lý khủng hoảng hơn.

Các trung tâm này được tổ chức Jhiego (Tổ chức phi chính phủ quốc tế về sức khỏe phối hợp với Đại học John Hopkins) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc hỗ trợ kỹ thuật và hiện đang được chính phủ tài trợ.Hàng trăm nhân viên y tế đã được huấn luyện, từ bác sĩ phụ khoa đến bác sĩ gia đình tại các trạm y tế nhỏ trên dãy núi cao Himalaya.

Các chuyên gia tin rằng cách tiếp cận nhiều mặt này đã giúp ngày càng nhiều phụ nữ trình báo tình trạng bạo hành và được tư vấn và hỗ trợ pháp lý.

Năm 2013, chỉ có 47 phụ nữ trình báo bị bạo hành trong bệnh viện. Vào năm 2017, con số này tăng đến 493 người.Tuy hầu hết phụ nữ tự đến bệnh viện trình báo việc họ bị bạo hành, nhưng mỗi năm số lượng các ca được bác sĩ và y tá giới thiệu đến gặp chuyên viên tư vấn đều tăng lên.

Các huấn luyện ngày nay rất toàn diện. Quy trình gồm có sự phối hợp giữa lý thuyết, trò chơi và các kịch bản phân vai, bao gồm cả giả lập tòa án để giúp nhân viên y tế sẵn sàng đón nhận những gì sẽ xảy đến nếu họ được tòa yêu cầu trình bày bằng chứng.

Quy trình này còn có một mục tiêu khác nữa, đó là nhằm tăng cường sự cảm thông. Nhân viên y tế được khuyến khích nhận diện và đặt nghi vấn với định kiến mà họ có thể có về vấn đề bạo hành.

Mô hình xử lý khủng hoảng một cửa và các hình thức dựa theo hoặc tương tự như mô hình ở Nepal đã có mặt tại trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Rwanda, Guatemala, Ấn Độ, Anh Quốc, Malaysia, Nam Phi và Colombia, và nhiều quốc gia khác nữa.

Các chuyên gia đồng ý rằng có lẽ chỉ huấn luyện nhân viên y tế vẫn là chưa đủ trừ khi quốc gia đó có hệ thống dịch vụ hỗ trợ mạnh mẽ, bao gồm cả nhà trú tạm.

Nhưng ở Nepal, cũng như nhiều quốc gia khác, nhà trú tạm luôn thiếu ngân quỹ, và nó chỉ cho phép nạn nhân bạo hành gia đình được ở trong thời gian ngắn.

Tuy vậy, ở Nepal, rất nhiều phụ nữ chọn cách tư vấn gia đình thay vì gửi đơn khiếu nại lên cảnh sát tố cáo chồng mình, vì họ không được sự ủng hộ từ gia đình và không được hỗ trợ tài chính.

Theo Hướng dẫn của WHO về phản ứng với hành vi bạo lực giới tính, trong đó có các chỉ dẫn về cách liệt kê bằng chứng.Điểm quan trọng nhấtbản hướng dẫn có ghi chú nhiều điều mà nhân viên y tế nên cân nhắc trước khi hỏi một bệnh nhân xem họ có bị bạo hành không - chẳng hạn như đảm bảo rằng cả hai đang ở nơi kín đáo, đảm bảo sự bảo mật, theo sát quy trình và hướng dẫn nạn nhân tiếp cận các nguồn giúp đỡ, gồm các dịch vụ hỗ trợ và pháp lý.

Ở Nepal, nhân viên y tế sẽ theo dõi nạn nhân vào viện với những triệu chứng mơ hồ hoặc triệu chứng không liên quan gì đến kết quả khi khám bệnh.Họ cũng quan sát hành vi của nạn nhân và những người đi cùng.Nếu bệnh nhân có vẻ trầm uất hoặc trả lời câu hỏi với vẻ bất thường, nhân viên y tế sẽ xem xét có nên hỏi họ về quan hệ tình cảm hoặc giới thiệu họ đến một tư vấn viên có trình độ.

Đối với các nhân viên tư vấn, việc lắng nghe nạn nhân bạo lực gia đình có sức mạnh riêng. "Chỉ cần lắng nghe phụ nữ và làm họ cảm thấy họ không phải là người duy nhất bị bạo hành là đủ".

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/giai-quyet-nan-bao-hanh-va-kinh-nghiem-cua-nepal-11494.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.