Đạt được thỏa thuận thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu

SK&MT - Tối 15/12/2018, cộng đồng quốc tế đạt được thỏa thuận lịch sử về các quy tắc thực thi Hiệp định Khí hậu Paris, sau hai tuần lễ làm việc căng thẳng tại Katowice (Ba Lan). Thỏa thuận cho phép nhân loại có cơ hội tiếp tục cùng nhau cộng tác hướng đến cái đích giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2°C, - mục tiêu tối thiểu của Hiệp định Paris.

Về nguyên tắc, ngày kết thúc chính thức của hội nghị COP 24 là 14/12. Đàm phán đã được kéo dài thêm một đêm, rồi cả một ngày 15/12, trước khi đạt được kết quả. Quan điểm rất khác biệt giữa tuyệt đại đa số các nước với nhóm các quốc gia dầu mỏ lớn, trước hết là Mỹ, Saudi Arabia hay Nga, là một trong những cản trở chính trong quá trình thương lượng.

Cho dù thỏa thuận tại Ba Lan được ca ngợi, nhưng giới bảo vệ môi trường đặc biệt lo ngại là thỏa thuận COP 24 đã không thực sự coi trọng các kết quả nghiên cứu của Ủy ban liên chính pohur về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (GIEC), đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu không tăng quá 1,5°C, để bảo đảm biến đổi khí hậu trên Trái Đất không vượt tầm kiểm soát. Cộng đồng quốc tế chỉ giữ nguyên các cam kết giảm khí thải đã được tạm thống nhất tại thượng đỉnh Paris 2015 (với mục tiêu không tăng quá 2°C, được coi là « mục tiêu tối thiểu » của Hiệp định Paris), chứ không nỗ lực đưa ra các chỉ tiêu mạnh mẽ hơn.

Theo Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP), với các cam kết chỉ dừng ở mức hiện tại, Trái Đất sẽ nóng lên ít nhất 3,2°C, trước cuối thế kỷ. Phải nỗ lực gấp ba lần so với hiện nay, mới hy vọng đạt được mục tiêu tối thiểu 2°C, chưa nói đến lý tưởng 1,5°C.

Theo một báo cáo của Climate Transparency tháng 11/2018, hiện tại không có nước nào trong số các cường quốc kinh tế G20 (tức các quốc gia phát thải chủ yếu – chiếm khoảng 90% trọng lượng kinh tế toàn cầu) thực sự đi theo đúng lộ trình hướng được tới cái đích 2°C. Lượng khí thải ở 15 trên 20 nước vẫn tiếp tục tăng trong năm 2017. 82% năng lượng của G20 là đến từ năng lượng hóa thạch.

Việc không có được một hệ thống đánh thuế carbone hợp lý - công bằng mang tính toàn cầu, nạn trợ giá cho năng lượng hóa thạch, hay không tính đủ các tổn thất môi trường do việc sử dụng năng lượng hóa thạch (đặc biệt là than đá và dầu mỏ), bị điểm mặt như là một số nguyên nhân chính ngăn chặn tiến trình hướng đến một xã hội không tiêu thụ năng lượng hóa thạch - mục tiêu mà nhiều nước đề ra cho cái mốc 2050, và một số thành phố, tỉnh, vùng đặt ra sớm hơn nhiều.

Trong một thông điệp đọc tối 15/12 trong phiên họp toàn thể, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - đến Katowice lần này là lần thứ ba để gây áp lực thúc đẩy đàm phán - đã hối thúc các quốc gia nỗ lực chuẩn bị để đưa ra các chỉ tiêu mới, cao hơn, cho giai đoạn kể từ năm 2020 để hy vọng sớm đảo ngược lại xu thế khí thải tiếp tục tăng mạnh hiện nay (mà dự kiến phải đến năm 2030 mới đạt đỉnh).

Theo thỏa thuận tại Karovice, tháng 9/2019, LHQ sẽ tổ chức thêm một thượng đỉnh riêng về biến đổi khí hậu tại New York, để huy động thêm các nỗ lực chính trị và kinh tế toàn cầu.

Tại Hội nghị ở Katovice cô bé Greta Thunberg 15 tuổi, người Thụy Điển đã kêu gọi học sinh toàn thế giới bãi khóa để gây áp lực buộc giới chính trị phải nỗ lực tham gia chống biến đổi khí hậu.


https://suckhoemoitruong.com.vn/stores/news_dataimages/suckhoemoitruongcomvn/122018/17/21/dat-duoc-thoa-thuan-thuc-thi-hiep-dinh-paris-ve-chong-bien-doi-khi-hau-10-.0454.jpg

Greta Thunberg kêu gọi bãi khóa để đấu tranh vì khí hậu, trước cửa Quốc hội Thụy Điển ngày 30/11/2018.

Trong bài phát biểu mang tiêu đề “Các vị đang đánh cắp tương lai của chúng tôi”, ngày thứ Sáu 14/12, Greta Thunberg đã chê trách các nhà chính trị đáng tuổi cha mẹ, ông bà của cô như sau: “Các vị không đủ trưởng thành để nói đúng về các sự việc như nó vốn có. Các vị đã để mặc cho trẻ em phải đảm đương cái gánh nặng ấy”. “Chúng tôi đến đây không phải để cầu xin các nhà lãnh đạo quan tâm đến chuyện đó. Các vị đã không quan tâm đến chúng tôi trong quá khứ, các vị cũng sẽ không quan tâm đến chúng tôi trong tương lai…. Chúng tôi không còn thời gian nữa, chúng tôi đến đây để nói với quý vị rằng thay đổi đang đến, dù các vị có muốn hay không”.

Sáng kiến của cô bé Thụy Điển đã được hàng nghìn trẻ em trên thế giới hưởng ứng. Hàng nghìn bạn trẻ đã bãi khóa, biểu tình trước các nhà Quốc hội, hay các cơ quan dân cử địa phương ở Ausstralia, Thụy Điển, Bỉ, Phần Lan, Đức... Greta Thunberg đang trở thành một biểu tượng mới của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/dat-duoc-thoa-thuan-thuc-thi-hiep-dinh-paris-ve-chong-bien-doi-khi-hau-11504.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.