Báo cáo của Cơ quan LHQ chống Ma túy và Tội phạm (ONUDC), trụ sở tại Vienna (Áo) ghi nhận, mặc dù gần đây các bản án liên quan đến tội phạm buôn người ở châu Phi và Trung Đông tăng nhiều, nhưng ở phần còn lại thế giới số án phạt như vậy vẫn còn rất ít, chưa có nhiều tội phạm buôn người được đưa ra xét xử. Trong khi đó, số lượng các nạn nhân tiếp tục tăng.
Báo cáo cũng cho thấy buôn người để lạm dụng tình dục là phổ biến nhất, chiếm gần 60% trong tổng số vụ buôn người bị phát hiện trong năm 2016. Báo cáo cũng nêu rõ hàng nghìn bé gái và phụ nữ thuộc dân tộc thiểu số Yazidi tại Iraq bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc làm nô lệ tình dục. UNODC nhấn mạnh hầu hết các nạn nhân trong các vụ buôn người bị phát giác là nữ giới, gần một nửa trong số này là phụ nữ trưởng thành, 23% là bé gái và xu hướng các bé gái là nạn nhân ngày càng tăng.
Lao động cưỡng bức cũng là mục đích mà những kẻ buôn người hướng tới, với số nạn nhân chiếm tới 30%, chủ yếu tại khu vực châu Phi hạ Sahara và Trung Đông. Tại các nước Đông Nam Á, tình trạng hôn nhân ép buộc đã khiến nhiều nạn nhân trở thành "con mồi" của bọn buôn người.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính rằng toàn thế giới gần 25 triệu trẻ em và người lớn các độ tuổi với mọi nền tảng học vấn đang là nạn nhân của nạn buôn người, bao gồm lao động cưỡng bức và mua bán tình dục. Mọi chính phủ trên toàn cầu có bổn phận đạo đức phải làm tất cả mọi điều theo khả năng của mình để ngăn chặn loại tội phạm ghê tởm này trong lãnh thổ quốc gia của họ.
Từ 2014 đến 2017, báo cáo của LHQ thu thập được 100 trường hợp nạn nhân của tệ buôn người lấy nội tạng. Các trại tị nạn là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tội phạm này.
ONUDC cũng ghi nhân 70% nạn nhân của tệ buôn người bị phát hiện là phụ nữ và 23% các nạn nhân là trẻ vị thành niên. Ở khu vực châu Á, chủ yếu là nạn buôn bán phụ nữ cho mục đích cưỡng ép hôn nhân. ONUCD đưa con số 25 nghìn nạn nhân trong năm 2016, tức tăng 10 nghìn người từ năm 2011, đa phần ở châu Mỹ và châu Á.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014-2017, 100 vụ buôn người để bán nội tạng đã bị phát hiện, chủ yếu tại Trung Đông và Bắc Phi, trong khi các nước châu Âu, Trung và Nam Mỹ cũng ghi nhận các vụ tương tự. Báo cáo dẫn một nghiên cứu cho hay trong một số vụ, đã có bằng chứng cho thấy sự cấu kết giữa những kẻ buôn người với các bác sĩ để thực hiện hành vi phạm tội trên đối với nạn nhân là những người thuộc tầng lớp dễ bị tổn thương, như người tị nạn. Những đối tượng này lợi dụng sự cả tin của các nạn nhân với lời hứa kiếm được công việc có thu nhập tốt hoặc được chuyển đến khu an toàn hơn.
Cuối tháng 11/2018 vừa qua Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các chính phủ một số quốc gia phải chịu trách nhiệm trong việc họ liên tục không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu về đấu tranh với nạn buôn người trong đất nước của họ. Theo đó, Mỹ sẽ giới hạn nhiều quyền miễn trừ lợi ích quốc gia và giới hạn các loại viện trợ nước ngoài nhất định đối với hơn 20 chính phủ bị xếp vào “Loại 3” trong báo cáo mới đây về buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ. Báo cáo này là nguồn thông tin toàn diện nhất thế giới về nỗ lực chống nạn buôn người của các chính phủ, xếp mỗi quốc gia theo các loại khác nhau để nhấn mạnh việc thực thi tốt nhất và thúc giục hành động lớn hơn nữa trong việc đấu tranh với nạn buôn người. Các nước xếp Loại 3 là những nước hoặc là không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu hoặc không có các nỗ lực đáng kể để xác minh đầy đủ và bảo vệ các nạn nhân của tệ nạn buôn người, không trừng phạt những kẻ buôn người hoặc không ngăn chặn được nạn buôn người.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump hôm 29/11 là động thái mới nhất trong sự thúc đẩy toàn diện của chính phủ Mỹ để đối phó với tệ nạn này, trong đó có tất cả các mặt về ngoại giao, tài chính, giáo dục, tình báo và các nỗ lực thực thi pháp luật.
Trong tháng đầu tiên bước vào nhiệm sở năm 2017, Tổng thống Trump đã nói ông “đã chuẩn bị để mang toàn bộ sức mạnh của chính phủ Mỹ” nhằm chấm dứt nạn buôn người, và ông đã ký lệnh hành pháp chỉ đạo lực lượng thực thi pháp luật liên bang phải ưu tiên việc xóa bỏ các tổ chức tội phạm đứng sau các hoạt động lao động cưỡng bức, buôn bán tình dục, lao động khổ sai không tự nguyện và xâm hại trẻ em.
Theo sau lệnh hành pháp đó của ông Trump, Bộ Tư pháp Mỹ trong năm 2017 đã kết án 499 vụ buôn người, tăng 14% so với năm 2016. Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ đã nâng vấn nạn buôn người thành ưu tiên hàng đầu cho cộng đồng tình báo Mỹ. Bất chấp bầu không khí chính trị phân cực sâu sắc, Nhà Trắng vẫn nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng cho Đạo luật Đấu tranh với Buôn người Trực tuyến(Đạo luật Fosta-Sesta)./.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/onudc-te-nan-buon-nguoi-van-tiep-tuc-gia-tang-dang-lo-ngai-11512.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.