Cần một cuộc cách mạng toàn diện về phương thức sản xuất và tiêu thụ tất thực phẩm để cứu Trái Đất

SK&MT - “Có đến một triệu loài động vật, thực vật bị đe dọa tuyệt chủng và nhịp độ này đang tăng lên: thiên nhiên vốn đang nuôi sống nhân loại tiếp tục suy tàn, nếu không thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất và tiêu thụ của con người”. Đó là lời báo động chưa từng thấy từ bản báo cáo của nhóm chuyên gia LHQ về đa dạng sinh thái được công bố hôm 06/05/2019. Đây là bản báo cáo quy mô đầu tiên của LHQ trong 15 năm qua đánh giá về hiện trạng đa dạng sinh học của tự nhiên; với sự tham gia của 450 nhà khoa học trên thế giới.

Sau ba năm nghiên cứu, các chuyên gia cảnh báo là những hành động của con người như phá rừng, canh tác quá mức, lạm sát thủy hải sản, đô thị hóa ồ ạt, khai khoáng, đã khiến cho 75% môi trường sinh thái trên đất liền và 66% trên biển bị tổn hại. Bên cạnh đó là hiện tượng biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm và các loài ngoại lai xâm lấn. Hậu quả là khoảng 1 triệu trên tổng số 8 triệu loài động vật và thực vật trên Trái Đất hiện nay đứng trước mối đe dọa tuyệt chủng, trong đó có nhiều loài sẽ biến mất trong những thập niên tới. Điều này có thể khiến trái đất đối mặt với hiện tượng tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên kể từ khi khủng long biến mất cách đây 66 triệu năm.

Trích dẫn 15.000 nguồn và dài 1.800 trang, báo cáo từ Cơ quan Liên chính phủ về tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái (IPBES) nêu chi tiết về việc các hoạt động của con người đã làm tổn hại đến tự nhiên như thế nào, từ tài nguyên như nước ngọt đến không khí và đất sản xuất. Rừng cây bị đốn hạ, biển và đất đai bị khai thác cạn kiệt, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm. Tất cả các vấn đề đó đang đẩy thế giới tự nhiên tới bờ vực sinh tồn.

Theo báo cáo, gần 100 nghìn loài được nêu tên trong danh sách bị cho là gặp nguy hiểm, và trong đó tới 1/4 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Từ loài khỉ đuôi dài ở Madagascar tới các loài ếch, kỳ nhông, hoặc các loài cây như thông, phong lan, đây là một danh sách dài. Người ta đưa ra con số ước tính từ hai triệu loài, đến một tỷ, nhưng đa số các chuyên gia tin rằng trên Trái Đất có khoảng 11 triệu loài.

Các chuyên gia cũng tin rằng Trái Đất đang bị đẩy đến 'một bước ngoặt của tuyệt chủng về loài', lần thứ sáu trong lịch sử nửa tỷ năm qua. Giáo sư Alexandre Antonelli, giám đốc khoa học tại Vườn thực vật Hoàng gia Anh ở Kew, nói: "Có bằng chứng rõ rệt là chúng ta mất đi các loài với tốc độ nhanh tới mức báo động".

Tình trạng đó từng xảy ra vào khoảng 66 triệu năm trước, khi một khối thiên thạch đâm vào Trái Đất. Lần này thì chính con người là thủ phạm.

Mức độ tuyệt chủng của các loài nay nhanh hơn 1000 lần so với thời gian loài người xuất hiện trên thế giới này, và trong tương lai, tốc độ biến mất của các loài sẽ còn tăng lên thêm 10 nghìn lần.

Khu vực có sự phong phú đặc biệt về chủng loài trong tự nhiên là châu Phi, và lục địa này đang ở vào tình trạng đáng lo ngại đặc biệt, nhất là vì châu lục này là nơi duy nhất còn các động vật có vú thuộc nhóm to lớn.

IPBES công bố năm 2018 một nghiên cứu cho hay hoạt động của con người đã và đang khiến cho một nửa chim và thú tại châu Phi bị tuyệt chủng vào năm 2100.

Cần một cuộc cách mạng toàn diện về phương thức sản xuất và tiêu thụ tất thực phẩm để cứu Trái Đất

Một con rùa biển bị mắc vào lưới đánh cá trên bờ biển bang Kerala, Ấn Độ, hồi tháng 1/2019.

Vẫn nghiên cứu này cho thấy 42% động thực vật trên đất liền ở châu Âu và Trung Á đã bị tàn lụi đi chỉ trong 10 năm qua.

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm là đe dọa lớn cho thiên nhiên và hệ sinh thái

Một nghiên cứu gần đây cho hay dù biến đổi khí hậu là đe dọa đang gia tăng, việc hủy hoại tính đa dạng của thiên nhiên đến chủ yếu từ hoạt động làm nông, lấy củi, đốn gỗ của con người. Các hoạt động cùng việc khai thác quá mức thế giới động, thực vật để lấy gỗ, nạn săn bắt, câu cá làm hệ sinh thái của động thực vật bị thu hẹp lại.

Động vật có vú như con tê tê bị đẩy tới cảnh bị tuyệt diệt vì nạn săn bắn nhằm lấy vảy và thịt của nó.

Chặt đốn gỗ rừng theo cách không bền vững như ở Myanmar làm chết một loài khỉ ở đây, và việc khai hoang để trồng cấy cũng làm hại cho các loài như báo cheetah.

Sự xuống cấp của chất lượng đất vì hoạt động của con người là yếu tố tiêu cực tác động xấu đến cuộc sống của ít nhất 3,2 tỷ người, và đẩy Trái Đất tới lần hủy diệt lớn thứ sáu, theo IPBES. Tác nhân chính vẫn là nông nghiệp, nghề rừng không bền vững, là biến đổi khí hậu, và trong một số trường hợp, sự bành trướng của đô thị, việc xây đường xá, và khai khoáng.

Trên toàn cầu việc trồng rừng và xây dựng các đồn điền có làm mức độ mất đất rừng chậm lại, nhưng riêng rừng rậm nhiệt đới thì tốc độ mất đi lại tăng lên.

Đây chính là nơi có tính đa dạng cao nhất về các loài động thực vật.

Chừng 12 triệu hectare rừng nhiệt đới bị mất đi trong năm 2018, với tốc độ bằng 30 sân bóng đá mỗi phút.

Theo IPBES, chỉ 1/4 đất trên Trái Đất là không bị các hoạt động của con người tác động. Nhưng đến 2050, số đất 'không có người dùng' giảm xuống còn 1/10. Giáo sư Mercedes Bustamante từ Đại học Bresilia nói: "Vấn đề sử dụng quỹ đất là thách thức trọng tâm cho môi trường như chúng ta đang chứng kiến."

Từ 2001, Indonesia mất đi hàng triệu hectare đất rừng nguyên sinh. Trong năm 2018, sự mất mát này giảm đi 40% nhờ luật pháp chặt chẽ hơn và vì mùa mưa làm giảm các vụ cháy rừng. Thế nhưng, các đồn điền trồng cọ lấy dầu vẫn đang tiếp tục làm hệ sinh thái còn lại ở Indonesia thu hẹp lại.

Các vùng rừng ven biển của Đông Nam Á, như trên các đảo Borneo và Sumatra sẽ mất đi một trong ba loài chim, và gần 1/4 loài động vật có vú, nếu tốc độ phá rừng cứ tiếp tục như hiện nay, theo IPBES.

Vùng Amazon có những khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới, và là nơi ở của nhiều loài động thực vật còn chưa được phát hiện. Nhưng cây bị đốn liên tục tại đây để lấy đất trồng cấy hoặc nuôi gia súc. Ngoài ra là đốn rừng lấy gỗ và khai khoáng.

Con người vốn phụ thuộc vào thiên nhiên để ăn uống, hít thở, sưởi ấm, chữa bệnh…sẽ ra sao ? Robert Watson, Chủ tịch IPBES nhận định: “Vẫn còn chưa muộn, nhưng chỉ với điều kiện chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ”.

Mục tiêu trước mắt là chuyển đổi hệ thống sản xuất nông phẩm bền vững để có thể nuôi sống 10 tỷ người trên Trái Đất năm 2050, và thay đổi cả thói quen tiêu thụ. Greenpeace cho biết hoan nghênh khuyến cáo sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật nhiều hơn thịt và sữa, để giảm bớt tác động tiêu cực cho đa dạng sinh thái – dù báo cáo không nêu trực tiếp do áp lực từ các quốc gia xuất khẩu thịt.

Josef Settele, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu môi trường Helmholtz, cho biết trong ngắn hạn, con người không gặp rủi ro. Tuy nhiên, "về lâu dài, chưa có gì là chắc chắn. Nếu con người tuyệt chủng, thiên nhiên sẽ có cách của nó, luôn luôn là như vậy", ông nói .

Việc ngăn chặn và đảo ngược xu hướng tàn khốc này sẽ đòi hỏi "thay đổi mang tính chuyển biến" - cuộc cách mạng toàn diện về phương thức sản xuất và tiêu thụ tất cả các loại sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm, báo cáo của LHQ kết luận.

"Chúng ta đang làm xói mòn từng nền tảng của nền kinh tế, sinh kế, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới. Chúng ta phải tái cơ cấu lại một cách cơ bản và toàn diện. Nếu chần chừ vì lợi ích, hậu quả sẽ rất khốc liệt".

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/can-mot-cuoc-cach-mang-toan-dien-ve-phuong-thuc-san-xuat-va-tieu-thu-tat-thuc-pham-de-cuu-trai-dat-11566.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.