Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 17.412 ca mắc và 237 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Ca mắc Covid-19 tại nước này lên 140.990 ca và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 2.457 người.
Tại Italy - “ổ dịch” châu Âu, ngày 30/3, nước này ghi nhận thêm 5.217 ca nhiễm mới và tới 756 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 97.689, trong đó có 10.779 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 2 thế giới sau Mỹ và có số ca tử vong cao nhất thế giới.
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 đã vượt mốc 80.000 sau khi nước này ghi nhận thêm 6.875 trường hợp trong ngày 30/3. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 ở châu Âu sau Italy. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 6.803 trường hợp.
Anh trong 24h qua cũng chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh. Tới rạng sáng 30/3, số ca tử vong do COVID-19 tại Anh tăng thêm 209 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong tại nước này từ đầu dịch đến nay lên 1.228 người và 19.552 người bị mắc bệnh.
Pháp ngày 29/3 ghi nhận thêm 292 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng vì đại dịch COVID-19 tại nước này lên 2.606. Hiện tổng số ca mắc bệnh tại Pháp là 40.174, tăng 2.599 trường hợp so với một ngày trước.
Tại Đức, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler ngày 29/3 cho rằng rất có khả năng các bệnh viện ở Đức sẽ quá tải trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay và không bác bỏ nguy cơ Đức sẽ rơi vào hoàn cảnh như ở Italy.
Tại châu Á, sau một thời gian ngắn dịch bệnh có vẻ được kiểm soát tốt, ngày 30/3 Hàn Quốc và Nhật Bản đã chứng kiến các con số tăng trở lại.
Tại Trung Quốc, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mễ Phong cho biết, việc số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 "nhập khẩu" từ nước ngoài đang ngày càng gia tăng tại Trung Quốc làm tăng nguy cơ nước này sẽ phải đón nhận đợt lây nhiễm thứ 2. Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 693 ca nhiễm từ nước ngoài, điều đó có nghĩa là có nguy cơ tương đối lớn xảy ra một đợt lây nhiễm mới.
Trong khi đó, Bộ Y tế Iran cho biết trong 24 giờ qua, đã có thêm 2.901 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này lên 38.309 người.
Tính tới rạng sáng 30/3, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 7.839 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 832 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng vọt lên 230 người, nhiều hơn 24 ca so với một ngày trước đó. Các nước trong khu vực cũng thông báo 879 người đã được điều trị thành công và xuất viện. Indonesia, Philippines và Malaysia đang là những điểm dịch nóng nhất tại Đông Nam Á.
*Toàn bộ nước Anh đặt trong tình trạng khẩn cấp
Chiều 29/3, Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương của Anh Robert Jenrick tuyên bố toàn bộ nước Anh hiện đặt trong tình trạng khẩn cấp, một điều chưa có tiền lệ trong thời bình.
Bộ trưởng Jenrick cho biết "chúng ta chưa bao giờ có lệnh này kể từ Thế chiến thứ 2," để chiến đấu chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các trung tâm điều phối chiến lược đã được thành lập trên khắp cả nước và chính phủ Anh sẽ không dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt hiện nay trong vài tuần tới.
Cũng tại cuộc họp báo, quan phụ trách y tế của vùng England, bà Jenny Harries cảnh báo nguy cơ nước Anh sẽ đối mặt với làn sóng đỉnh dịch COVID-19 lần thứ hai nếu dỡ bỏ sớm những biện pháp phong tỏa, vốn được xem xét lại sau mỗi 3 tuần và cho rằng người dân Anh có thể sẽ phải thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài tới 6 tháng.
*Matxcơva hạn chế dân ra đường
Chính quyền thủ đô Matxcơva của Nga thông báo, từ ngày 30/3, thủ đô nước Nga áp dụng chế độ "tự cách ly" đối với công dân mọi lứa tuổi. Người dân chỉ có thể rời nhà trong trường hợp cấp cứu và những trường hợp trực tiếp đe dọa tới tính mạng và sức khỏe khác; đi làm bắt buộc; mua sắm tại cửa hàng hoặc hiệu thuốc gần nhất; đưa vật nuôi đi dạo cách nhà không quá 100m và đi đổ rác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thị sát một bệnh viện ở Matxcơva
Australia phát triển bệnh viện ảo điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà
Mô hình bệnh viện ảo đầu tiên điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Australia đang được các bác sĩ Bệnh viện Armidale chuẩn bị đưa vào sử dụng trong 2 tuần sắp tới. Mô hình này sẽ được thử nghiệm tại miền Bắc bang New South Wales để giảm quá tải cho các bệnh viện và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo cho các bệnh nhân. Sau thời gian thử nghiệm nếu đạt kết quả tốt mô hình bệnh viện ứng dụng trí tuệ nhân tạo này có thể sẽ được triển khai trên toàn quốc.
Theo giáo sư Rod McClure, chuyên gia y tế công cộng, Trưởng khoa y tại Đại học New England, khám bệnh từ xa và điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại nhà hiện đang là nhu cầu cấp bách. Theo kế hoạch triển khai bệnh viện ảo này, khoảng 200 bệnh nhân có các triệu chứng của Covid-19 ở mức độ vừa phải sẽ được điều trị tại nhà cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị theo dõi nhịp tim, nhiệt độ, độ bão hòa oxy, huyết áp và nhịp thở liên tục 24 giờ trong ngày. Qua các dữ liệu theo dõi, các bác sĩ sẽ nhận biết được tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân và những người có sức khỏe chuyển biến xấu sẽ được đưa vào bệnh viện để tiếp tục điều trị. Giáo sư McClure hy vọng mô hình này sau khi thử nghiệm thành công sẽ được chính phủ liên bang tài trợ để nhân rộng trên toàn quốc.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày hôm nay (30/3), các nhà khoa học tại Đại học Sydney đã giới thiệu công cụ chẩn đoán Covid-19 đầu tiên trên thế giới có tác dụng giúp các bác sĩ nhanh chóng phân loại được bệnh nhân Covid-19. Công cụ có tên CovED mới này sẽ sử dụng hình chụp cắt lớp CT giúp các nhiên viên y tế tuyến đầu phát hiện các ca nhiễm Covid-19 chỉ trong vòng vài phút, nhanh hơn nhiều so với phương pháp xét nghiệm sinh hóa hiện nay.
Theo giáo sư Patrick Brennan, chuyên gia bức xạ y tế của Đại học Sydney, với công cụ chẩn đoán nhanh Covid-19 trên nền tảng trực tuyến này, các bác sĩ không được đào tạo chuyên sâu về chẩn đoán hình ảnh cũng có thể xác định được các bệnh nhân mắc Covid-19, giúp đẩy nhanh tốc độ phát hiện các ca nhiễm, hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế đang quá tải và cứu sống được nhiều bệnh nhân.
Trước bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát nhanh chóng, nhiều người dân Anh đã đổ xô đến các siêu thị để tích trữ hàng hoá. Nhà chức trách khuyến cáo đây là hành động không cần thiết và nhiều đồ ăn hết hạn sử dụng bị vứt bỏ, chất đầy các thùng rác một cách lãng phí đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ.
Nhiều người dân đã đổ xô đến các siêu thị tích trữ hàng hoá khi dịch COVID-19 bùng phát.
Theo trang Daily Mail (Anh), nhiều người dùng mạng xã hội đã vô cùng bất bình trước hình ảnh những chiếc thùng rác ở thành phố Derby, miền Trung nước Anh tràn ngập thức ăn bỏ đi. Trong bức ảnh, có rất nhiều đồ ăn chưa dùng đến như bánh mì, đùi gà, đều bị vứt bỏ vì quá hạn sử dụng.
Một người đàn ông đã đăng những bức ảnh lên mạng xã hội Twitter kèm chú thích: “Gửi tới tất cả người dân ở thành phố Derby tuyệt vời của chúng ta, nếu bạn đã tích trữ thực phẩm và chất đống thực phẩm trong nhà khi không cần đến, bạn cần xem xét lại bản thân mình”.
Tình trạng lãng phí thực phẩm khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ, họ cho rằng sự việc tương tự đang xảy ra trên khắp đất nước Anh.
“Nên phạt tiền những ai có hành động này. Thật đáng xấu hổ khi đổ xô đi mua sắm trong hoảng loạn rồi lại vứt vào thùng rác một cách lãng phí”, người dùng Twitter có tài khoản @queentilli nói.
“Không thể tin được những thực phẩm đáng lẽ có thể giúp đỡ được nhiều người thực sự cần nó”, tài khoản Stephen bình luận.
Ông Stephen Powis, Giám đốc Y tế của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã lên án những người mua sắm hoảng loạn: “Thành thật mà nói tất cả chúng ta nên xấu hổ vì điều đó”.
Trước lệnh phong toả vì dịch COVID-19, người dân Anh chỉ được phép rời khỏi nhà mỗi ngày một lần với khuyến cáo chỉ nên mua sắm những đồ dùng cần thiết. Nhiều người đã đổ xô tích trữ thực phẩm khiến các siêu thị phải hạn chế thời gian, số lượng người mua sắm, nhiều nơi phải đặt ra thời gian ưu tiên cho khách hàng cao tuổi.
Khi dịch COVID-19 lan rộng ra các quốc gia châu Âu, nhiều cuộc khủng hoảng mua sắm cũng bắt đầu diễn ra tại các siêu thị trên khắp đất nước. Trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và đồ gia dụng tăng cao, chính phủ đã khuyến cáo những người trẻ tuổi và khoẻ mạnh không nên tích trữ thực phẩm.
Theo một báo cáo, trong nửa tháng qua, người dân Anh đã tích trữ lượng thực phẩm trị giá 1 tỷ Bảng Anh, bất chấp lời cam kết đảm bảo đủ nguồn cung hàng hoá của chính phủ trong thời gian phong toả vì COVID-19.
Giám đốc Điều hành hệ thống bán lẻ Tesco, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh, Dave Lewis, đã viết thư trấn an khách hàng rằng vẫn còn nhiều thực phẩm và khuyến khích những khách hàng trẻ tuổi nên đến mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, nhường các đơn đặt hàng trực tuyến cho người già và những người dễ có nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, động thái này có thể dẫn đến tình trạng quá tải người mua sắm tại các siêu thị, dẫn đến rủi ro lây nhiễm cao.
Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, thay vì hoảng loạn đổ xô tích trữ, chính phủ khuyến cáo người dân chỉ nên ra khỏi nhà để mua sắm đồ dùng cần thiết, chăm sóc y tế và tập thể dục nâng cao sức đề kháng.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/hon-150000-nguoi-da-phuc-hoi-sau-dich-covid-19-11792.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.