Trang web theo dõi Worldometers cho hay, tính tới trưa 27/6, toàn thế giới có 9.910.068 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 496.9991 ca tử vong và số người bình phục là 5.360.798.
Mỹ vẫn là nước có số người nhiễm bệnh nhiều nhất thế giới. Hiện, nước này ghi nhận 2.552.956 ca bệnh, bao gồm 127.640 trường hợp tử vong và 1.356.613 người đang được điều trị.
Tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Trả lời họp báo hôm 26/6, chuyên gia về bệnh lây nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cho biết số ca nhiễm mới đang tăng cao tại 16 bang. Giới chức y tế Mỹ ước tính rằng số ca nhiễm thực tế có thể còn cao gấp 10 lần thống kê chính thức.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield, hiện có 5-8% dân số Mỹ đã nhiễm bệnh, đồng nghĩa 92-95% dân số đang có nguy cơ bị mắc COVID-19.
Xếp thứ 2 về số ca nhiễm COVID-19 là Brazil. Trong vòng 24h qua, nước này ghi nhận 46.860 ca nhiễm mới, thêm 990 trường hợp tử vong. Theo thống kê của Bộ Y tế Brazil, tổng số người nhiễm virus ở nước này là 1.274.974, trong đó có 55.961 ca tử vong.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tăng mạnh ở Mỹ và một số nước châu Âu, các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng sự lơ là của giới trẻ trong việc cách ly có thể là yếu tố then chốt dẫn tới làn sóng lây nhiễm mới này.
Tại bang Texas của Mỹ, một trong những bang dỡ bỏ phong tỏa sớm nhất kể từ ngày 01/05, Thống đốc Greg Abbott ngày 25/06/2020 đã quyết định không chuyển sang giai đoạn hai, vì trong ngày đã có thêm gần 6.000 bệnh nhân nhập viện, một kỷ lục mới. Ông khuyến cáo người dân tôn trọng giãn cách xã hội và mang khẩu trang, tuy việc này không bắt buộc, đồng thời hoãn lại các cuộc giải phẫu không khẩn cấp kể từ hôm nay, để dành chỗ cho bệnh nhân Covid-19.
Tại California, các ca nhiễm mới tăng lên 69% vào đầu tuần. Tình hình cũng rất đáng ngại tại Arizona và Florida.
WHO cảnh báo đã bắt đầu xảy ra đợt dịch Covid-19 thứ hai ở châu Âu, virus corona đã tái phát tại 30 nước như Đức, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Trong số này, có 11 nước tốc độ lây nhiễm rất nhanh, nếu không hành động gì thì hệ thống y tế có thể sẽ lại bị quá tải như trong cao điểm dịch trước đây.
Cụ thể tại Pháp, 272 ổ dịch được phát hiện trong ngày 24/06. Tại Đức, hai địa phương bị tái phong tỏa vì hàng ngàn công nhân trong hai lò thịt dương tính với siêu vi. WHO/OMS cũng lo ngại trước chiều hướng số ca lây nhiễm tăng trở lại tại Châu Âu. Ở Châu Mỹ Latinh, số nạn nhân vượt ngưỡng 100.000, theo tổng kết đầu tuần. Tại Hoa Kỳ, thống đốc bang Texas, Greg Abbott, lo ngại "tình hình vượt tầm kiểm soát" nếu trong hai tuần nữa không chặn được siêu vi corona.
Quyển sách "The COVID-19 Catastrophe : What’s Gone Wrong and How to Stop It Happening Again" xuất bản tại Luân Đôn, (tạm dịch: Thảm họa Covid-19 /Đâu là những sai lầm và làm cách nào để chận tái phát), tác giả Richard Horton đưa một quan điểm bao quát hơn. Tổng biên tập tạp chí y học kinh điển thế giới The Lancet lên án sự bất tài của chính quyền nhiều nước, nhất là Tây Phương trước nguy cơ đã được báo trước.
Mới đây trả lời phỏng vấn của báo chí, nhà báo Richard Horton nêu rõ: “Đừng nói chúng ta thiếu chuẩn bị đối phó với SARS-CoV-2. Bởi vì vào năm 2002-2003, chúng ta đã đụng với SARS-CoV-1, siêu vi viêm phổi cấp tính, đó là siêu vi mẫu của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 hiện nay.
Chúng ta cũng biết từ 20, 30 năm trở lại đây, nhịp độ bệnh truyền nhiễm từ thú vật sang người tăng rất nhiều. Nguyên nhân không có gì bí ẩn: tình trạng đô thị hóa ồ ạt, những khu nhà ổ chuột lan tràn, chợ bán thú sống nằm cạnh khu gia cư, vệ sinh công cộng xuống cấp. Không phải ngẫu nhiên mà siêu vi corona chủng mới xuất hiện tại Trung Quốc. Trung Quốc là nơi mà hiện tượng đô thị hóa và công nghệ hóa tăng nhanh nhất địa cầu. Chúng ta đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng ủ bệnh, nhưng không biết khi nào dịch truyền nhiễm bùng ra.
Chúng ta biết có nhược điểm mà vẫn không khắc phục. Giờ đây, chúng ta gặp phải đại dịch và vẫn thiếu chuẩn bị.
Ngày 26/6, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 bùng phát có thể khiến quỹ này phải huy động 1.000 tỷ USD trong tổng nguồn lực của mình. Bà K.Georgieva cũng nhận định rằng nỗ lực hồi phục kinh tế phải được tiến hành ngay cả khi không có đột phá về y học và vi rút SARS-CoV-2 vẫn còn lan rộng trên thế giới, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu sẽ trầm trọng hơn so với dự đoán ban đầu.
Thiệt hại kinh tế của đại dịch Covid-19 cũng khủng khiếp: 12.000 tỷ USD, theo ước định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Cùng ngày, Liên minh chống dịch Covid-19 do WHO đứng đầu cho biết, liên minh này cần 31,3 tỷ USD trong vòng 12 tháng tới để phát triển và tiến hành các thử nghiệm vắc xin cũng như phương pháp điều trị. Hiện WHO đã nhận được 3,4 tỷ USD và còn thiếu 27,9 tỷ USD nữa, trong đó hơn 13 tỷ USD cần được hỗ trợ gấp. Đối tượng chính được thụ hưởng là các nước thu nhập thấp và trung bình. Sáng kiến của WHO là tăng quy mô xét nghiệm lên 500 triệu lượt và 245 triệu đợt điều trị tại các nước có thu nhập thấp và trung bình vào giữa năm 2021; nâng số liều vắc xin lên 2 tỷ, trong đó có 1 tỷ liều dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.
LĐ
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/dai-dich-covid-19-lai-tang-cao-tai-my-va-chau-my-latinh-11919.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.