Khí hậu toàn cầu vẫn tiếp tục tăng nhanh

(SK&MT) - Báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (OMM) công bố hôm 09/7/2020 khẳng định khí hậu toàn cầu sẽ tiếp tục nóng hơn lên qua từng năm. Trong vòng 5 năm tới, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thậm chí có thời gian mức tăng đạt tới 1,5°C. Về mặt chính thức, Thỏa thuận Khí hậu Paris vẫn có hiệu lực, nhưng ngày càng có ít cơ may để các cam kết trong văn bản này được tôn trọng.

Khí hậu toàn cầu vẫn tiếp tục tăng nhanh

Theo báo cao, với mức tăng 1,1 độ, 2019 là năm thứ 2 nóng nhất từ trước tới nay và vị trí này của 2019 sẽ có thể được thay thế trong 5 năm tới. Nếu tính thêm sự biến thiên của khí hậu và hiện tượng ấm lên do con người gây ra, OMM nhận định mức tăng nhiệt độ sẽ nằm trong khoảng từ 0,91 đến 1,59 độ C vào năm 2024. Như thế có nghĩa là có những năm nhiệt độ tăng cao hơn cả giới hạn 1,5°C được ấn định trong Thỏa thuận Paris.

Một trong những tác giả của bản báo cáo, chuyên gia Adam Scaife, cho rằng ngưỡng tăng biểu tượng đó không đặt lại vấn đề về hiệu lực của thỏa thuận: Chúng ta ghi nhận hiện tượng khí hậu ấm lên vượt qua tạm thời ngưỡng 1,5°C. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang tiến gần đến giới hạn ấn định của Thỏa thuận Paris một cách nguy hiểm. Phải mất nhiều thời gian thì các hành động chúng ta tiến hành mới có tác động tích cực lên khí hậu. Nhưng nhìn vào quy mô ấm lên của khí hậu những năm qua, thì các dự báo nhiệt độ trên trái đất sẽ có thể còn đen tối hơn.

Dưới góc độ này, 2020 có vẻ đã là năm của kỷ lục mới. Bắc bán cầu ấm thêm 0,8 độ so với thập kỷ trước. Tốc độ ấm lên của khí hậu Nam Cực nhanh gấp đôi phần còn lại của địa cầu. Thí dụ như ngày 20 tháng 6 vừa rồi, nhiệt độ trong vùng Siberia lên tới 38°C. Đây là nhiệt độ cao nhất chưa từng có ở vòng cực bắc bán cầu.

Báo cáo trước đó của WMO được công bố vào cuối năm 2019 cho thấy, nồng độ CO2 trung bình toàn cầu đạt 407,8 phần triệu (ppm) trong năm 2018, tăng từ mức 405,5ppm vào năm 2017; cao hơn 50% so với năm 1750, trước khi cuộc cách mạng công nghiệp châm ngòi cho việc đốt than và dầu khí vô tội vạ. Chỉ số của các loại khí nhà kính quan trọng đo được trong năm 2018 đều cao hơn mức trung bình trong thập kỷ qua. Điều này cho thấy, các hoạt động nhằm đối phó tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu đến nay chưa phát huy tác dụng.

Trên toàn cầu, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái đất trong 12 tháng tính đến tháng 5/ 2020 tăng gần bằng 1,3 C so với giai đoạn trước, theo dữ liệu của C3S được công bố đầu tháng này.

(WMO) cũng đang nỗ lực tìm cách xác nhận các báo cáo về chỉ số nhiệt độ hơn 38 độ C ở Siberia, mức nhiệt cao nhất được ghi nhận tại khu vực phía Bắc của Bắc Cực. “Điều đáng lo ngại là Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới”, ông Carlo Buontempo – Giám đốc Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu của Copernicus nhấn mạnh.

Sức nóng bất thường đã làm bốc hơi ẩm từ khắp các khu rừng và lãnh nguyên rộng lớn của khu vực, làm bùng phát các vụ cháy rừng dữ dội kể từ giữa tháng 6.

Cơ quan Lâm nghiệp nước Nga cho biết, tính đến ngày 6/7, có 246 vụ cháy rừng với diện tích 140.073 ha rừng bị tàn phá và nước này đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 khu vực. Theo EU, lượng khí thải CO2 phát ra từ các vụ cháy rừng ở khu vực này trong tháng 6 ước tính lên đến 59 triệu tấn, cao hơn so với 53 triệu tấn hồi năm 2019.

Bắc Cực là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất trên thế giới, mức nóng lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Siberia dù được xem là nơi có nhiều băng vĩnh cửu của Trái đất, nhưng gần đây nơi này đã chứng kiến mức tăng nhiệt độ đột ngột.

Nhiệt độ ở đó tăng vọt 10 C so với mức trung bình tháng trước, khiến nhiệt độ toàn cầu trong tháng 5 lên mức cao nhất, theo mạng lưới theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S) cho hay.

Kể từ năm 1990, sự gia tăng nồng độ khí nhà kính đã làm cho hiệu ứng sưởi ấm của khí quyển mạnh hơn 43%, mà CO2 là nguyên nhân chủ yếu.Các loại khí nhà kính khác như metan và oxit nitơ cũng tăng mạnh vào năm 2018. Cụ thể, nồng độ metan đo được hiện tại nhiều gấp đôi mức tiền công nghiệp, chịu trách nhiệm cho 17% hiệu ứng nóng lên toàn cầu. Oxit nitơ hiện cao hơn 23% so với năm 1750.

WMO cho biết, khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế còn đang rất lớn, thậm chí sẽ còn xa hơn nếu không kiểm soát sự gia tăng liên tục của khí thải toàn cầu.

Các nhà khoa học trên thế giới tính toán, lượng khí thải phải giảm 50% vào năm 2030 để kiểm soát nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 1,5 độ C. Nếu tăng vượt mức này, hàng trăm triệu người sẽ phải chịu thiên tai khắc nghiệt, dẫn đến nghèo đói, kém phát triển kinh tế.

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/khi-hau-toan-cau-van-tiep-tuc-tang-nhanh-11927.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.