Chủng virus G4 đã xuất hiện tại ít nhất 10 tỉnh của Trung Quốc

(SK&MT) - Một chủng virus cúm mới có khả năng bùng phát thành đại dịch trên người vừa được phát hiện và xác định danh tính tại Trung Quốc. Nó xuất hiện gần đây và được những con lợn mang trên mình, nhưng hoàn toàn có thể lây sang người. Thậm chí các nhà khoa học lo sợ nó có thể đột biến hơn nữa khiến chủng này có thể lây lan dễ dàng từ người sang người.

Chủng virus G4 đã xuất hiện tại ít nhất 10 tỉnh của Trung Quốc

Loại virus mới này được các nhà khoa học gọi là G4 EA H1N1, có thể phát triển và nhân lên trong các tế bào nối với đường thở của con người. Họ tìm thấy bằng chứng về sự lây nhiễm gần đây bắt nguồn ở những người làm việc trong lò mổ và ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Science (PNAS) hôm 29/6, G4 EA H1N1 là sự kết hợp của cúm được tìm thấy ở các loài chim châu Âu và châu Á và virus H1N1 – khiến nửa triệu người trên thế giới tử vong trong năm 2009. G4 EA H1N1 có thể thích nghi, lây truyền từ heo sang người và lây lan từ người sang người.

Chủng virus mới này hiện đang được phát hiện trên ít nhất 10 tỉnh thành tại Trung Quốc.

Virus G4 được coi là rất đáng sợ, bởi theo một số nghiên cứu, loài này « có đầy đủ các đặc tính » để dễ dàng lây nhiễm sang người. G4 là một biến chủng của virus H1N1, từng gây đại dịch toàn cầu năm 2009.

Trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2018, các nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy 30 000 dịch phẩm ở heo tại nhiều lò mổ ở 10 tỉnh và một cơ sở thú y, cho phép xác định được 179 loại virus gây bệnh cúm ở lợn, trong đó có loại virus G4 nói trên. Đa số các virus mới xuất hiện từ năm 2016. Điểm đáng chú ý là virus G4 được phát hiện ở 10% nhân viên làm việc trong ngành thịt heo, và có đến khoảng 4,4% dân cư có khả năng bị nhiễm loại virus này.

Virus ở loài heo gây bệnh cho người là một thách thức rất đáng sợ với Trung Quốc, do thịt lợn là thực phẩm hết sức phổ biến tại Trung Quốc và chăn nuôi lợn cũng là hoạt động phổ biến. Quốc gia 1,4 tỷ dân này tiêu thụ hàng năm 60 triệu tấn thịt lợn, chiếm gần một nửa sản lượng lợn toàn thế giới. Trong vòng một thập niên, lượng tiêu thụ tại Trung Quốc tăng gấp 8 lần.

Theo nhiều nhà quan sát, rất nhiều chuồng trại chăn nuôi heo ở Trung Quốc không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Đây là một nguồn gốc chính dẫn đến tình trạng bệnh dịch trong ngành chăn nuôi tại Trung Quốc xảy ra liên tục trong những năm gần đây. Dịch tả lợn châu Phi năm 2018-2019 khiến Trung Quốc mất gần một nửa đàn lợn nuôi (khoảng 500 triệu con).

Khoa học gia Anh James Wood, đứng đầu khoa Thú Y, Đại học Cambridge, hoan nghênh kết quả nghiên cứu nói trên. Theo ông, nghiên cứu vừa được công bố tái khẳng định là nhân loại đang ngày càng phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện các virus gây bệnh mới, có nguồn gốc động vật, từ động vật nuôi cũng như từ các động vật hoang dã. Các hoạt động khai thác triệt để môi trường thiên nhiên, phá rừng, mở rộng diện tích chăn nuôi, trồng trọt, khiến thế giới sinh vật hoang dã ngày càng có cơ hội đến với con người.

Theo nhiều nhà khoa học, đây chính là nguồn gốc sâu xa của đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay, khi một loài virus vốn cư trú ở loài dơi, sống trong các hang động xa xôi, đột biến để gây bệnh cho người.

Theo các nhà nghiên cứu, việc kiểm soát virus virus G4 EA H1N1 ở heo và theo dõi chặt chẽ trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là những người lao động chăn nuôi, giết mổ heo, cần được triển khai khẩn cấp.

Phát biểu với báo giới tại Geneve (Thụy Sĩ), Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Christian Lindmeier, cho biết WHO sẽ nghiên cứu cẩn thận báo cáo của Trung Quốc để hiểu về chủng virus mới. Ông nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là cần hợp tác để nghiên cứu về phát hiện này và kiểm tra tổng số các đàn heo.

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/chung-virus-g4-da-xuat-hien-tai-it-nhat-10-tinh-cua-trung-quoc-11936.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.