Cảnh báo trên được Liên hợp quốc đưa ra ngày 27/7 trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để lại những hệ lụy nghiêm trọng tới nền kinh tế của các nước.
Ngay cả trước khi “cơn bão” COVID-19 ập đến, ước tính có khoảng 47 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở thể gầy còm mức vừa hoặc nghiêm trọng đã được ghi nhận trên thế giới, phần lớn sống ở tiểu vùng Sahara của châu Phi và Đông Nam Á. Giờ đây, trong bối cảnh các nước trên thế giới triển khai các biện pháp phong tỏa và hạn chế để phòng chống dịch, làm gián đoạn các nguồn cung cấp viện trợ quan trọng, Liên hợp quốc cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể tác động tới hàng triệu người thuộc nhiều thế hệ về mặt sức khỏe.
Trong bài viết đăng trên tạp chí y khoa The Lancet số ra mới đây, một nhóm chuyên gia đã công bố các kết quả ước tính dựa trên việc mô phỏng máy tính về nguồn cung thực phẩm ở 118 quốc gia nghèo và thu nhập trung bình. Họ phát hiện rằng tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi ở thể gầy còm mức vừa hoặc nghiêm trọng sẽ tăng 14,3% - tương đương với 6,7 triệu trường hợp. Trong trường hợp xấu nhất, đại dịch COVID-19 có thể khiến trẻ nhỏ bỏ lỡ 50% dịch vụ chăm sóc và điều trị dinh dưỡng, đồng nghĩa gần 180.000 người có thể tử vong trong năm nay.
Các nhà nghiên cứu viết: "Tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 đối với vấn đề dinh dưỡng đầu đời có thể gây ra hậu quả liên thế hệ đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, cũng như để lại những hệ lụy suốt đời đối với giáo dục, nguy cơ mắc bệnh mãn tính và sự hình thành vốn nhân lực".
Tình trạng gầy còm xảy ra khi cơ thể bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng đến mức các cơ bắp và chất béo dần suy giảm và biến mất.
Một loạt nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa gầy còm và tình trạng sức khỏe mãn tính và nghiêm trọng sau này trong cuộc sống.
Tình trạng gầy còm là nguyên nhân khiến cứ 10 trẻ sơ sinh lại có 1 em tử vong tại các nước thu nhập thấp và trung bình.
Trong khi đó, nghiên cứu gần đây cho thấy đại dịch COVID-19 sẽ đẩy thêm 140 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực - nghĩa là sống dưới mức 1,9 USD/ngày.
Ở các quốc gia đã trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã cảnh báo có tới 100% dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu có thể bị gián đoạn.
Người đứng đầu UNICEF, Henrietta Fore, đã đưa ra cảnh báo trên sau khi một nghiên cứu của LHQ cho thấy có ít nhất 40 triệu trẻ em đã bỏ lỡ chương trình giáo dục mầm non do các biện pháp hạn chế mà nhiều nước đã triển khai nhằm phòng chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo nghiên cứu, việc đóng cửa các trường học đã khiến các bậc phụ huynh phải tìm cách cân bằng giữa việc chăm sóc con cái với công việc được trả lương, tình huống này làm gia tăng gánh nặng đối với phụ nữ vốn là người dành thời gian chăm sóc con cái và làm việc nhà nhiều hơn 3 lần so với nam giới. Ở những nước nghèo hơn, việc đóng cửa đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình có trẻ nhỏ trở nên khó khăn hơn khi mà trường học là nơi cung cấp một loạt các dịch vụ bao gồm dinh dưỡng, phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức.
Nghiên cứu cho thấy tại 54 nước có mức thu nhập thấp và trung bình, có khoảng 40% trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5, không được hỗ trợ phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và nhận thức từ người lớn trong gia đình.
Thông qua báo cáo trên, UNICEF kêu gọi đảm bảo quyền của mọi trẻ, đó là được hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng và phù hợp, từ lúc sinh ra cho đến những nằm đầu đời ngồi trên ghế nhà trường.
UNICEF cũng công bố bản hướng dẫn để chính phủ và người sử dụng lao động ở các nước cải thiện các chính sách chăm sóc sức khỏe và giáo dục từ sớm cho trẻ em. Cụ thể, các khuyến nghị bao gồm thành lập các trung tâm chăm sóc trẻ em chất lượng cao, phù hợp, có sự sắp xếp lịch trình linh hoạt để giải quyết nhu cầu của những cha mẹ làm việc, cung cấp chế độ bảo hiểm xã hội, bao gồm chuyển tiền mặt cho các gia đình làm việc trong khu vực không chính thức.
Người đứng đầu UNICEF khẳng định chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng nền tảng phát triển toàn diện ở trẻ em. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến nền tảng này bị đe dọa nghiêm trọng và tình trạng giáo dục bị gián đoạn khiến trẻ em không được hưởng dịch vụ giáo dục để có được sự khởi đầu tốt đẹp nhất.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/covid-19-lam-tram-trong-them-cuoc-khung-hoang-cham-soc-tre-em-11952.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.