Ấn Độ triển khai giai đoạn 7 kế hoạch sơ tán các công dân về nước

(SK&MT) - Từ ngày 1/10, Ấn Độ đã bắt đầu triển khai giai đoạn 7 của sứ mệnh "Vande Bharat" để sơ tán các công dân từ 19 quốc gia về nước.

Ấn Độ triển khai giai đoạn 7 kế hoạch sơ tán các công dân về nước

Xe cấp cứu để chở bệnh nhân Covid-19 tại Ấn Độ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava cho biết, đã có 820 chuyến bay được lên lịch để đưa 150.000 công dân về nước. Hầu hết các chuyến bay được thực hiện ở 14 nước mà New Delhi đã có thỏa thuận lập “cầu hàng không” và sẽ đáp xuống 24 sân bay trên khắp Ấn Độ.

Tính đến ngày 30/9, sứ mệnh Vande Bharat đã hồi hương tổng cộng 1.645.000 công dân Ấn Độ thông qua các phương thức vận chuyển khác nhau. Trong giai đoạn 6 vừa kết thúc, Ấn Độ hồi hương khoảng 175.000 người từ 24 quốc gia.

Trước đó, Ấn Độ đình chỉ tất cả các chuyến bay chở khách thương mại từ ngày 25/3 sau khi ban hành lệnh phong tỏa trên toàn quốc để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Đúng 2 tháng sau, các chuyến bay nội địa mới dần được nối lại.

Hiện Ấn Độ đang có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới với gần 6.392.000 trường hợp, nhưng lại đang có tốc độ lây lan nhanh nhất với trung bình hơn 80.000 ca/ngày, gấp đôi tốc độ tăng ở Mỹ.

Một nghiên cứu quy mô lớn gần đây tại bang Tamil Nadu và Andha Pradesh của Ấn Độ cho thấy virus SARS-CoV-2 được lây truyền chủ yếu từ những người "siêu lây nhiễm", trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ lớn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một tỷ lệ rất nhỏ 8% bệnh nhân đã lây nhiễm cho 60% số bệnh nhân mới, trong khi hơn 70% bệnh nhân không lây nhiễm cho bất cứ người nào. Nghiên cứu cũng nhận thấy tỷ lệ lây nhiễm cao ở những trẻ em tiếp xúc với các đối tượng cùng tuổi.

Phát hiện trên cho thấy một cái nhìn mới về tình hình lây nhiễm dịch bệnh ở một quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Cả số ca mắc bệnh và tử vong ở hai bang nói trên đều tập trung ở nhóm trẻ hơn so với các quan sát ở các nước có thu nhập cao hơn. Nghiên cứu lưu ý rằng những người cùng tuổi tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, đặc biệt ở trẻ em từ 0-14 tuổi và ở người lớn trên 65 tuổi.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn là quốc gia châu Á chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19, trong khi nhà chức trách lại đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế. Nhiều chuyên gia lo ngại Ấn Độ có thể vượt qua Mỹ trở thành nước có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới.

Trang thống kê toàn cầu Worldometer cập nhật tình hình Covid-19 vào lúc 6h13 ngày 2/10/2020 (giờ Việt Nam) như sau: Thế giới có 34.442.935 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19), 1.023.522 ca tử vong do đại dịch này, và 25.634.071 người đã khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp này.

Trong khoảng 24 tiếng đồng hồ, thế giới ghi nhận thêm 292.374 ca mắc mới Covid-19 và 5.310 ca tử vong mới do căn bệnh này.

Theo số liệu mới của Worldometer, danh sách 10 nước có số bệnh nhân Covid-19 nhiều nhất thế giới như sau: (1) Mỹ, (2) Ấn Độ, (3) Brazil, (4) Nga, (5) Colombia, (6) Peru, (7) Tây Ban Nha, (8) Argentina, (9) Mexico, và (10) Nam Phi.

Trong khi đó, 10 quốc gia sau đây ghi nhận số ca tử vong cao nhất do dịch Covid-19: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Ấn Độ, (4) Mexico, (5) Anh, (6) Italy, (7) Peru, (8) Pháp, (9) Tây Ban Nha, và (10) Iran.

Hiện mới có 2 quốc gia Đông Nam Á xuất hiện trong danh sách top 10 châu Á này, đó là Philippines và Indonesia – hai ổ dịch Covid-19 lớn nhất Đông Nam Á. Philippines ghi nhận 314.079 ca mắc Covid-19 (tăng 2.415 ca sau 1 ngày) và 5.562 trường hợp tử vong do đại dịch này. Indonesia có 291.182 ca mắc Covid-19 (tăng 4.174 ca sau 1 ngày) và 10.856 ca tử vong do căn bệnh này.

L.Đ

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/an-do-trien-khai-giai-doan-7-ke-hoach-so-tan-cac-cong-dan-ve-nuoc-12053.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.