Khách bộ hành đeo khẩu trang phòng chống lây nhiễm Covid-19 ở thành phố Fargo, bang Bắc Dakota, Mỹ.
Trong 24 tiếng đồng hồ qua, thế giới ghi nhận thêm 320.513 ca mắc mới Covid-19 và 3.899 ca tử vong mới do bệnh này.
10 nước sau có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới: (1) Mỹ, (2) Ấn Độ, (3) Brazil, (4) Nga, (5) Argentina, (6) Tây Ban Nha, (7) Colombia, (8) Pháp, (9) Peru, và (10) Mexico. Như vậy, danh sách này có tới 6 nước châu Mỹ. Nước Anh mới thoát khỏi danh sách này (tụt xuống vị trí 11).Trong khi đó, 10 quốc gia sau
đứng đầu về số ca tử vong Covid-19 trên toàn cầu: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Ấn Độ, (4) Mexico, (5) Anh, (6) Italy, (7) Tây Ban Nha, (8) Peru, (9) Pháp, và (10) Iran. Nước Anh tạm thoát danh sách thứ nhất nhưng lại đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách thứ 2 này.
Các nước Mỹ, Ấn Độ, và Brazil tiếp tục “giữ vững” vị trí 3 ổ dịch hàng đầu thế giới hiện nay. Mỹ hiện có 8.386.998 ca mắc Covid-19 (tăng 44.140 ca sau 1 ngày), Ấn Độ có 7.547.762 ca mắc Covid-19 (tăng 55.035 ca sau 1 ngày), và Brazil có 5.235.344 ca mắc Covid-19 (tăng 10.982 ca sau 1 ngày).
Tại châu Á, 10 nước sau đứng đầu khu vực về số ca mắc Covid-19: (1) Ấn Độ, (2) Iran, (3) Iraq, (4) Bangladesh, (5) Indonesia, (6) Philippines, (7) Thổ Nhĩ Kỳ, (8) Saudi Arabia, (9) Pakistan, và (10) Israel.Indonesia và Philippines hiện vẫn là 2 đại diện duy nhất của Đông Nam Á trong danh sách này, đồng thời là 2 ổ dịch Covid-19 hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Riêng Indonesia nay đã vượt Philippines cả về số ca mắc lẫn số ca tử vong do Covid-19. Indonesia có 361.867 ca mắc Covid-19 và 12.511 ca tử vong do bệnh này. Con số tương ứng của Philippines là 356.618 và 6.652. Như vậy, riêng con số tử vong do Covid-19 ở Philippines cũng đã vượt xa Trung Quốc đại lục (nơi ghi nhận 4.634 trường hợp tử vong do Covid-19 tính đến lúc này).
Mỹ đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ ba
Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về dịch với gần 8,4 triệu ca mắc và 224.725 bệnh nhân tử vong. Theo CNBC, số ca bệnh tăng mạnh trở lại làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba tại nước này.
Kết quả phân tích các dữ liệu thống kê hàng tuần của Đại học Johns Hopkins cho thấy, số ca mắc Covid-19 đang tăng hơn 5% ở 38/50 bang của Mỹ. Xứ sở cờ hoa ghi nhận trung bình thêm gần 55.000 ca bệnh mỗi ngày, tăng hơn 16% so với cách đây một tuần.
Cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới vẫn là quốc gia bị dịch nặng nhất, với hơn 217.000 người chết. Hậu quả của khủng hoảng y tế tại Hoa Kỳ rất nặng nề, với mức thâm thủng ngân sách đã đạt mức kỷ lục hơn 3.000 tỷ USD.
Châu Âu gia tăng các trường hợp mắc mới
Châu Âu vừa vượt qua mốc 250.000 ca tử vong vì virus. Cụ thể, tổng số người thiệt mạng hiện lên tới 250.030 người trong tổng số gần 7,4 triệu ca mắc trên toàn châu lục. Trong đó, 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Anh, Italia, Tây Ban Nha, Pháp và Nga chiếm tới hơn 2/3 tổng số ca tử vong.
Số ca nhiễm mới Covid-19 ở châu Âu đang có chiều hướng gia tăng, với khoảng 1/3 số ca bệnh hàng ngày được phát hiện ở các nước Tây Âu. Châu lục đang ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều hơn cả Mỹ, Ấn Độ và Brazil cộng lại.
Diễn biến dịch phức tạp buộc nhiều chính phủ trong khu vực phải tăng cường và siết chặt các biện pháp ứng phó.
Từ 18/10, khoảng 20 triệu dân của vùng Paris và 8 thành phố lớn khác chuẩn bị sống với đêm giới nghiêm đầu tiên, một trong những biện pháp mà chính phủ đã quyết định thi hành nhằm ngăn chận đà bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Trước mắt lệnh giới nghiêm có hiệu lực trong 4 tuần, nhưng có thể được triển hạn thành 6 tuần. Kể từ 0 giờ hôm nay, người dân vùng Paris và các thành phố Lyon, Lille, Toulouse, Montpellier, Saint-Etienne, Aix-Marseille, Rouen và Grenoble phải ở nhà trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, chỉ được ra ngoài trong những trường hợp cấp thiết. Cũng như trong thời gian phong tỏa vào mùa xuân vừa qua, những người ra ngoài trong lúc giới nghiêm phải mang theo giấy phép di chuyển.
Theo Bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin, khoảng 12.000 cảnh sát và hiến binh, với sự yểm trợ của cảnh sát địa phương ở các thành phố nói trên, sẽ được huy động để bảo đảm việc tuân thủ lệnh giới nghiêm. Những ai vi phạm sẽ bị phạt 135 euro và nếu vi phạm đến 3 lần thì có thể lãnh án tù 6 tháng và bị phạt tiền 3.750 euro.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hôm 18/10 thông báo, các thị trưởng sẽ có quyền áp lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối tại các thành phố và thị trấn của họ nếu thấy cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh nguy hiểm. Ông cũng công bố một loạt biện pháp giới hạn mới nhằm dập dịch. Theo đó, các nhà hàng sẽ phải đóng cửa vào lúc nửa đêm và không phục vụ quá 6 người mỗi bàn. Các quán bar đóng cửa lúc 6 giờ tối và tạm thời không được phục vụ đồ ăn cho khách. Các trường học sẽ vẫn mở cửa, trong khi các phòng tập gym và bể bơi có thời hạn 1 tuần để siết chặt các biện pháp an toàn. Một số vùng, kể cả Campania đã cho đóng cửa các cơ sở giáo dục tới tận cuối tháng 10.
Thông báo của ông Conte được phát đi sau khi Italia hôm 18/10 trải qua một ngày lây nhiễm nghiêm trọng nhất từ trước tới nay với 11.705 ca mắc mới, phá kỷ lục 10.925 ca nhiễm của một ngày trước đó, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên hơn 414.000 trường hợp. Số ca tử vong tại quốc gia này hiện là 36.543 người, tăng 69 trường hợp trong vòng 24 giờ qua.
Bộ trưởng Giáo dục đại học Ireland, Simon Harris cho biết, chính phủ nước này sẽ cho triển khai các biện pháp giới hạn "quyết liệt" khắp toàn quốc nhằm dập dịch từ ngày 19/10, nhưng sẽ không tái áp đặt lệnh phong tỏa như hồi đầu năm nay.
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia hôm 18/10, ông Harris, người từng giữ chức Bộ trưởng Y tế trong giai đoạn Ireland áp phong tỏa nghiêm ngặt từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5 cho biết, cách đây 2 tuần, chính phủ nước này đã từ chối đề xuất của các lãnh đạo y tế về việc nâng cuộc chiến chống dịch lên mức cao nhất (mức 5). Thay vào đó, nhà chức trách chỉ siết chặt các biện pháp giới hạn theo từng vùng. Song, theo ông Harris, các biện pháp mức độ 3 này không hiệu quả.
Tại Bỉ, lệnh giới nghiêm cũng được ban hành từ nửa đêm cho đến 5 giờ sáng, bắt đầu có hiệu lực từ thứ Hai 19/10. Các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa trong thời gian ít nhất một tháng.
Trong khi đó, tại Anh Quốc, kể từ hôm nay, người dân Luân Đôn không được tiếp xúc với người ngoài trong nhà của mình. Tại Ba Lan, các trường học sẽ đóng cửa tại Vácxava và các thành phố lớn khác bị xem là « vùng đỏ », người dân không được tổ chức đám cưới và số người vào các cửa hàng, phương tiện chuyên chở công cộng và những nơi thờ tự sẽ bị hạn chế.
Linh Đức
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/dai-dich-covid-19-van-dang-tang-toc-12101.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.