Châu Âu căng thẳng trước viễn ảnh tái phong tỏa

(SK&MT) - Không chỉ riêng nước Pháp đang phải hứng chịu đợt bùng phát dữ dội của virus corona mà cả châu Âu. Có thể nói là khắp châu lục, các nước đều đã và đang khẩn trương ban hành những biện pháp nghiêm ngặt, đồng thời vẫn cố gắng tìm cách duy trì hoạt động kinh tế.

Châu Âu căng thẳng trước viễn ảnh tái phong tỏa

Italy mở lại bệnh viện dã chiến ở thủ đô Roma.

Cho tới nay có ít nhất 8,54 triệu ca lây nhiễm và 251.000 người chết vì virus corona được báo cáo tại Châu Âu, theo dữ liệu của Reuters. Lục địa này ghi nhận 230.892 ca hôm 26/10, số cao kỷ lục.

Chính phủ hầu hết các nước châu Âu đang chuẩn bị tung ra những biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn đà bùng phát dữ dội của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.

Một trong những lãnh đạo cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 27/10 lưu ý châu Âu phải tìm cách đạt một bước tiến lớn trong việc phòng chống Covid-19. Theo WHO, 46 nước châu Âu hiện chiếm 46% tổng số ca nhiễm virus corona và 1/3 số ca tử vong trên toàn thế giới.

Phong tỏa không còn là kiêng kỵ nữa. Một số nước như Ý đã áp dụng phong tỏa cục bộ từng vùng. Tây Ban Nha thì siết thêm lệnh giới nghiêm… Các báo đều có chung nhận xét “những tháng tới dự báo sẽ còn rất khó khăn”. Báo Le Monde chạy tựa: “Châu Âu căng thẳng trước viễn ảnh tái phong tỏa “.

Ngay cả nước Đức, được ca ngợi rộng rãi về đáp ứng thoạt tiên với đại dịch, cũng có dấu hiệu lo ngại vào ngày 27/10 về lây nhiễm gia tăng. Bộ trưởng kinh tế Altmaier nói nước Đức chắc chắn sẽ lên tới 20.000 ca một ngày vào cuối tuần này.

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmeier ngày 27/10 nhận định, chỉ trong 1-2 ngày nữa, số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Đức sẽ lên đến 20.000-30.000 ca. Hàng loạt quan chức Đức bắt đầu nhắc nhiều đến kịch bản phong tỏa hạn chế, dự kiến được chính phủ Đức công bố trong ngày 28/10, sau khi Thủ tướng Angela Merkel có cuộc họp khẩn với lãnh đạo 16 bang tại Đức.

Dù Đức được đánh giá là có hạ tầng y tế tốt nhất châu Âu, với số giường hồi sức cấp cứu cao gấp 3-4 lần các nước như Pháp, Anh, nhưng bà Angela Merkel ngày 27/10 cũng cảnh báo, hệ thống y tế nước này đang đứng trước “thời điểm đổ vỡ” nếu không quyết liệt ngăn chặn số ca bệnh.

Trong ngày 27/10, Nghị viện Hà Lan đã thông qua một luật mới mang tên “luật corona”, qua đó cho phép chính phủ nước này được áp dụng các biện pháp hạn chế khắt khe hơn nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19. Một trong các biện pháp đầu tiên dự kiến được chính phủ Hà Lan đưa ra là việc bắt buộc mọi người dân phải đeo khẩu trang trong các không gian công cộng khép kín. Trước đó, do việc điều hành công tác chống dịch bằng các sắc lệnh khẩn cấp, chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte gặp nhiều khó khăn khi muốn siết chặt các biện pháp hạn chế. Hiện tại, với số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày hơn 10.000 ca, Hà Lan đang là một trong các nước có tỷ lệ mắc Covid-19 trên dân số cao nhất tại châu Âu, gây ra sức ép cực kỳ lớn cho các bệnh viện. Từ tuần trước, chính quyền Hà Lan bắt đầu phải chuyển một số bệnh nhân Covid-19 sang nước Đức láng giềng.

Tại Anh, theo quyết định mới của chính phủ Anh, thêm vùng Nottingham ở miền Trung nước này bị xếp vào cấp độ 3, là cấp độ báo động cao nhất, qua đó buộc phải áp dụng các hạn chế dưới dạng bán phong tỏa. Tổng cộng, hơn 7 triệu người Anh đang phải tuân thủ các biện pháp này, trong khi dịch Covid-19 ngày 27/10 đã cướp đi sinh mạng của 367 người, cao nhất kể từ ngày 27/5/2020.

Trong lúc đó tại Italy, các biện pháp hạn chế mới được áp dụng từ ngày 26/10 đang vấp phải sự phản đối lớn của một bộ phận dân chúng. Các cuộc biểu tình chống các biện pháp này đã diễn ra đêm thứ 4 liên tiếp tại một số thành phố lớn của Italy, bao gồm cả thủ đô Roma, buộc cảnh sát chống bạo động Italy phải can thiệp. Tình hình dự đoán sẽ còn phức tạp hơn trong những ngày tới, khi số ca nhiễm trung bình hàng ngày tại Italia hiện trên 21.000 ca. Trong ngày 27/10, Italy cũng ghi nhận 221 ca tử vong vì Covid-19, cao nhất từ giữa tháng 5/2020.

Chính phủ Czech sẽ yêu cầu các nhà lập pháp gia hạn quyền lực khẩn cấp cho đến ngày 3/12, Thủ tướng Andrej Babis loan báo hôm 27/10 trong lúc chính phủ nỗ lực chặn đứng một trong những đà tăng lây nhiễm mạnh mẽ nhất tại Châu Âu.

Nga báo cáo 1,55 triệu ca nhiễm COVID, đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Nhà chức trách ra lệnh cho dân chúng mang khẩu trang tại một số nơi công cộng và yêu cầu các chính quyền địa phương cứu xét đóng cửa các quán rượu và tiệm ăn trong đêm.

Các ca lây nhiễm mới tại Bỉ, trong số những nước chịu tác hại nặng nề nhất Châu Âu, vượt trên 18.000 hôm 20/10, gia tăng gần gấp 10 lần điểm cao của đợt đại dịch mùa xuân.

Người đứng đầu Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Chủ tịch Gianni Infantino đã dương tính với COVID-19, cả đất nước Thụy Sĩ nháo nhào, cơ quan chức năng đang truy tìm nhóm F1. Nhóm F1 ở đây tức những người đã họp với vị chủ tịch 50 tuổi ngày gần đây nhất là hôm 16/10.

Chủ tịch Infantino có những dấu hiệu nhiễm bệnh nhẹ và phải tự cách ly ít nhất 10 đến 14 ngày để được theo dõi bệnh tình.

Đức Linh


Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/chau-au-cang-thang-truoc-vien-anh-tai-phong-toa-12107.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.