1,5 tỷ người ở châu Á - Thai Bình Dương thiếu sạch sạch

(SK&MT) - Mặc dù trong nhiều thập kỷ qua, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ghi nhận nhiều thành tựu tích cực, nhưng vẫn có khoảng 1,5 tỷ người sống ở khu vực nông thôn và 600 triệu người ở thành thị không được tiếp cận dịch vụ nước sạch và vệ sinh.

1,5 tỷ người ở châu Á - Thai Bình Dương thiếu sạch sạch

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Nguồn nước châu Á (AWDO) 2020 công bố ngày 18/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá rằng, trong số 49 thành viên khu vực của ADB, hiện có 27 nước đang phải đối diện với sức ép về nguồn nước đối với sự phát triển kinh tế và chỉ có 18 nước thành viên vẫn đủ khả năng bảo vệ người dân của mình trước các thảm họa liên quan đến vấn đề nước.

Chính vì điều này, các nền kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phải đặt vấn đề an ninh nước lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình nhằm phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng như thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu.

AWDO 2020 đã miêu tả tình trạng an ninh nguồn nước trong khu vực, trong đó ước lượng về nguồn nước sẵn có đủ an toàn, đảm bảo vệ sinh cũng như giá cả phải chăng để cung cấp cho mọi người, cải thiện sinh kế và hệ sinh thái lành mạnh cùng với giảm thiểu các bệnh liên quan đến vấn đề nước và lũ lụt; nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt vấn đề nước vào trung tâm của viêc phát triển nông thôn bền vững bằng cách thúc đẩy nông nghiệp thủy lợi tiết kiệm nước, các dịch vụ nước và vệ sinh dựa vào cộng đồng và giảm thiểu rủi ro thiên tai có khả năng chống chịu tại địa phương; tính cấp thiếp phải đạt được đối với vấn đề an ninh nước tại khu vực đô thị thông qua việc đầu tư vào các dịch vụ cung cấp nước, vệ sinh và cơ sở hạ tầng để giảm thiểu rủi ro thiên tai không chỉ ở các thành phố mà còn ở các khu vực sống của người nghèo cũng như khu vực ngoại ô.

ADB kêu gọi các nước thành viên cung cấp một môi trường lành mạnh bằng cách giảm ô nhiễm, thúc đẩy vòng tuần hoàn kinh tế, tăng cường bảo vệ đất cũng như áp dụng các phương pháp tiếp cận dựa vào thiên nhiên.

Báo cáo của ADB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống nước để tránh các thảm họa liên quan tới nước. Để cải thiện vấn đề an ninh nước trong khu vực, ADB cho biết ngân hàng đã xây dựng một chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật trị giá hơn 6 tỷ USD để hỗ trợ các biện pháp cấp nước, vệ sinh và nước thải an toàn trong giai đoạn 2020-2022. Ngoài ra, ADB cũng cho biết một khoản tiền trị giá hơn 2 tỷ USD sẽ được ADB sử dụng để quản lý vấn đề rủi ro lũ lụt trong giai đoạn này.

Trước đó, trong báo cáo về Tình trạng Nông nghiệp và Lương thực (SOFA) 2020 của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố gần đây, cơ quan này đã kêu gọi cần phải giải quyết kịp thời tình trạng khan hiếm nước ở cấp độ toàn cầu, bởi điều này đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 3 tỷ người trên thế giới.

Theo báo cáo của FAO, nguồn nước sạch hiện có cho mỗi người dân trên thế giới trung bình đã giảm hơn 20% trong hai thập kỷ qua. Điều này làm gia tăng nhu cầu cải tạo việc sử dụng nước của các thành phần kinh tế khác nhau, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp - lĩnh vực có nhu cầu dùng đến nước lớn nhất hiện nay.

FAO nêu rõ thiếu hụt nguồn nước là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Bắc Phi và Tây Á, nơi lượng nước bình quân đầu người hàng năm đã giảm hơn 30% và "hiếm khi" đạt 1.000 m3 - cột mốc được coi là ngưỡng khan hiếm nước nghiêm trọng.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của FAO Andrea Cattaneo nhấn mạnh, hiện 1,2 tỷ người sống ở những vùng nông nghiệp có khả năng sẽ phải hứng chịu tình trạng hạn hán và khan hiếm nước triền miên. Ông Cattaneo cho rằng áp lực ngày càng tăng đối với nguồn nước sẽ đe dọa cả an ninh lương thực toàn cầu và các hệ sinh thái thủy sinh.

Trong báo cáo trên, các chuyên gia của FAO đã đưa ra một số khuyến nghị cụ thể để vượt qua những thách thức về nước trong nông nghiệp, ví dụ như đầu tư vào việc sử dụng nước không tiêu hao (nuôi trồng thủy sản) và vào các nguồn nước bất thường, đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng thủy lợi để tăng lượng nước, tận dụng tốt hơn nguồn nước mưa, đặc biệt là ở những vùng đất trồng trọt xảy ra tình trạng hạn hán thường xuyên.

Linh Đức

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/15-ty-nguoi-o-chau-a-thai-binh-duong-thieu-sach-sach-12161.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.