Nỗi lo tiền điện của dân nghèo thành thị

(SK&MT) - Những ngày qua, mặc dù thời tiết nắng nóng khủng khiếp, nhiều người dân nghèo Hà Nội vẫn tìm mọi cách, hạn chế sử dụng các thiết bị điện làm mát, vì sợ cuối tháng phải “cõng” hóa đơn tiền điện cao ngất ngưởng.

Thấp thỏm nỗi lo tiền điện tháng 6

Dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, kinh tế của toàn xã hội. Mặc dù mọi thứ đang bắt nhịp trở lại, nhưng hệ lụy của dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, nhất là với người dân nghèo Hà Nội. Trong bối cảnh đó, việc tăng đột biến hóa đơn tiền điện tháng 5 vừa qua, đã khiến không ít người dân lao động có thu nhập thấp cảm thấy áp lực.

Chị Trần Luyến, giáo viên dạy mầm non tại Long Biên (Hà Nội) chia sẻ, chị mới đi làm trở lại được gần 2 tháng. Chồng chị làm phụ hồ, ngày công bấp bênh, hôm có việc hôm không. Tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng không đầy 8 triệu đồng. Sau khi chi trả tiền nhà, tiền học của con, số ít ỏi còn lại chị phải tính toán, tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu, sinh hoạt cho cả gia đình.

Nhận hóa đơn tiền điện tháng 5 lên đến 900 nghìn đồng, trong khi những tháng trước không đến 400 nghìn đồng, đã làm chị Luyến vô cùng bất ngờ. Dù chưa biết chắc lý do tại sao tiền điền tăng đột ngột như vậy, nhưng với khó khăn hiện tại của gia đình, đó là một khoản tiền khiến chị Luyến cảm thấy lo lắng và băn khoăn. Từ tháng 6, gia đình chị đã cố gắng giảm tối thiểu sử dụng các thiết bị điện, và mong hóa đơn tiền điện sẽ giảm hơn tháng 5.

Nỗi lo tiền điện của dân nghèo thành thị

Nhiều người dân bất ngờ về hóa đơn tiền điện.

Em Lê Hiệp, trú tại Ba Đình (Hà Nội), làm đại lý vé máy bay online tâm sự, do nhu cầu bay của khách hàng tháng 5 còn ít, nên để tăng thêm thu nhập, trang trải cho mọi chi tiêu, em phải ra ngoài làm thêm. Nhận hóa đơn tiền điện tháng 5 với số tiền lên đến 1.082.000 đồng khiến Hiệp rất ngạc nhiên, vì các tháng trước chỉ hết khoảng 300.000 đồng. “Từ tháng 6, em đã chuyển sang ở chung với bạn và cắt hẳn điều hòa, hy vọng tiền điện tháng này sẽ đỡ hơn” - em Hiệp giãi bày.

Cùng chung nỗi niềm, anh Nguyễn Văn Lộc (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, nhà anh neo người, ban ngày đều đi làm. Cả gia đình chỉ về nhà vào buổi tối và sử dụng các thiết bị điện cơ bản như, nồi cơm điện, tivi, máy quạt…và không có điều hòa. Trung bình, mỗi tháng nhà anh Lộc chỉ hết khoảng trên dưới 300.000 đồng tiền điện. Tháng 5 nhận hóa đơn tiền điện hơn 800.000 đồng, khiến vợ chồng anh đều bất ngờ và vô cùng thắc mắc. Anh Lộc thấp thỏm đợi xem hóa đơn tiền điện tháng 6 này có còn cao như vậy không.

Đó chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều những người có cùng nỗi buồn lo, băn khoăn về hóa đơn tiền điện tăng đột biến của tháng 5 vừa qua. Dù không phải là một khoản lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, nhưng cũng là cả một vấn đề đáng suy ngẫm đối với người có thu nhập thấp.

Muôn cách tránh nóng

Để giảm thiểu việc tiêu thụ điện cho gia đình, mà vẫn tránh được nóng, người dân đã tìm ra nhiều cách chống nóng hữu hiệu.

Tuy phòng trọ có lắp điều hòa, nhưng em Hoàng Minh (sinh viên trọ ở Cầu Giấy, Hà Nội) và hai người bạn cùng phòng, hạn chế tối đa việc sử dụng bằng cách, hết giờ học ở trường, Minh và các bạn tìm đến siêu thị, hiệu sách gần nhất để nghỉ ngơi hoặc học bài.

Nỗi lo tiền điện của dân nghèo thành thị

Một cách giảm nóng ở phòng trọ.

Chị Trần Luyến (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ thêm, gia đình chị chỉ bật điều hòa khoảng 1-2 tiếng buổi tối cho cô con gái nhỏ, đến khi phòng mát thì tắt. Còn buổi trưa, chồng chị cũng không về nhà mà chạy ra siêu thị Big C Long Biên để tránh nóng.

Chị Nguyễn Thu Hậu (Long Biên, Hà Nội) tâm sự, mặc dù đã dành dụm đủ tiền nhưng gia đình vẫn không dám lắp điều hòa. Những hôm nóng quá, chị Hậu đóng nhiều chai nước đá dự trữ trong tủ lạnh, đem treo các chai đá đó trước quạt để làm giảm nhiệt độ phòng.

Rõ ràng rằng, trong lúc kinh tế còn khó khăn, thời tiết nắng gắt đã làm người lao động nghèo rơi vào tình trạng mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng chi trả. Bên cạnh đó, việc có nhiều hóa đơn điện “nhảy vọt” cũng gây không ít băn khoăn, lo lắng cho người dân.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), giải thích trên truyền thông: Về nguyên nhân tiền điện tháng 5 tăng cao so với các tháng trước đó là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân nhiều hơn. Đặc biệt, điều hòa, máy lạnh là thủ phạm “ngốn” điện ở mức độ chóng mặt. Mặc dù trước đó, EVN đã thực hiện các giải pháp như giảm giá điện trong đợt dịch Covid-19, hướng dẫn và tuyên truyền người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, kiểm tra lại đường dây, công tơ… nhằm giảm chi phí tiền điện. Tuy nhiên đây chỉ là những biện pháp “giải quyết tình thế”, người dân vẫn mong ngành điện tiếp tục có thêm các giải pháp phù hợp, thỏa đáng hơn nữa.

TÚ NGUYÊN

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/noi-lo-tien-dien-cua-dan-ngheo-thanh-thi-12346.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.