Tự nguyện làm F1

(SK&MT) - Khi nói về những người làm báo trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, một cựu chiến binh vùng Tây Bắc đã nhận xét: Nếu các y, bác sĩ là chiến sĩ xung phong trên mặt trận, thì nhà báo là lính thông tin góp phần quan trọng trong cuộc chiến ấy.

Tự nguyện làm F1

Phóng viên tác nghiệp thời Covid.

Những “chiến sĩ thông tin”

Sinh năm 1996 và mới có một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí, Mai Xuân Quỳnh (cộng tác viên Văn phòng đại diện miền Trung, báo Sài Gòn Giải Phóng) là cô gái trẻ nhất trực tiếp tác nghiệp về dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. Điều Quỳnh nhớ nhất là những đêm cùng các anh chị phóng viên túc trực đến khuya tại bệnh viện để đưa tin, chụp ảnh.

Mai Xuân Quỳnh nhớ lại: “Trước khi Đà Nẵng phát hiện ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra công tác chuẩn bị tại các bệnh viện, cơ sở y tế tại Đà Nẵng. Hôm đó, lịch làm việc là buổi chiều nên tôi tới bệnh viện từ khá sớm để chờ, nhưng chuyến bay bị trễ nên đến 21 giờ thì buổi làm việc mới bắt đầu. Đến 23 giờ 30 phút, khi tác nghiệp xong và về đến nhà tôi mới nhớ ra mình còn chưa ăn tối. Trong những lúc “chạy đua” đưa tin như vậy, tôi không còn cảm thấy đói, mệt mỏi hay sợ đêm tối nữa”.

Để có thể tiếp xúc và đưa tin về các bệnh nhân dương tính với virus SARS–Cov-2, các phóng viên phải mang theo những bộ đồ bảo hộ y tế đặc biệt, đảm bảo an toàn khi tiếp cận, tác nghiệp ở cự ly cho phép. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, rất có thể họ sẽ trở thành những… F1 chủ động.

Tự nguyện làm F1

Việc tiếp cận "điểm nóng" rất có thể biến các PV trở thành ... F1 chủ động.

Một cô gái trẻ thường xuyên tác nghiệp tại các “điểm nóng” khác là Tâm An, phóng viên Văn phòng miền Trung, Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Cô gái trẻ một mình chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng nhận địa bàn công tác, luôn sẵn sàng “tay bút, tay máy” cập nhật thông tin về dịch Covid-19 cho độc giả. Cô đã thực hiện hàng trăm tin bài, chùm ảnh về cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. Thường xuyên túc trực tại các bệnh viện, khu cách ly, bài học đầu tiên mà Tâm An ghi nhớ là phải luôn giữ an toàn khi tác nghiệp.

Nguyễn Khánh hiện đang giữ vai trò phóng viên ảnh của báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là một trong những người đã bám sát thông tin về dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu. Anh chia sẻ: “Gần như là chạy đua, chúng tôi không có khoảng trống để run sợ nữa. Nếu không chụp được những bức ảnh tốt nhất, sẽ không còn nhiều cơ hội để quay lại lần thứ hai”.

Quy trình tác nghiệp dành cho các phóng viên mùa dịch cũng hết sức đặc biệt. Theo Phạm Ngọc Thành, để đi tác nghiệp, trước hết, anh cần nhận được sự đồng ý của cơ quan chủ quản. “Sau đó, chúng tôi phải có một bộ trang bị bảo hộ thật tốt. Khi vào vùng dịch, các phóng viên phải được cấp thẻ. Toàn bộ đồ nghề cũng phải được phun khử trùng liên tục. Bên cạnh đó, bản thân chúng tôi cũng tự trang bị những kiến thức phòng, chống cơ bản”, anh nhấn mạnh.

Một dòng tin giá trị hơn nghìn lời giải thích

Song song với cuộc chiến bền bỉ chống lại dịch Covid-19 còn có một cuộc chiến khác cũng không kém phần cam go và thử thách: Cuộc chiến chống lại những làn sóng tin giả. Trên mặt trận này, những người làm báo vừa xông pha vào “điểm nóng” đại dịch, vừa dùng chính những bức ảnh, video, bài viết của mình làm vũ khí chống tệ nạn này. Là lực lượng đang ngày đêm trực tiếp tác nghiệp tại các điểm nóng nhất của dịch Covid-19, những người cầm bút hơn ai hết ý thức được sự nguy hiểm của tin giả trong bối cảnh đại dịch đang lây lan với tốc độ khó kiểm soát.

Tự nguyện làm F1

Phóng viên Huy Khâm (Reuters) cho rằng, nếu như mức độ nguy hiểm của dịch bệnh trong cộng đồng được đánh giá bằng chỉ số lây nhiễm thì hiểm họa tin giả lại để lại những "di chứng" khó lường hơn nhiều.

“Một thông tin sai sự thật có thể gây tâm lý tiêu cực trên diện rộng. Tin giả thậm chí có thể gây hoang mang dư luận, làm đổ vỡ công sức, nỗ lực của cả cộng đồng nếu không có sự kiểm soát và can thiệp kịp thời”, phóng viên ảnh của Reuters bày tỏ sự quan ngại. Cùng có chung quan điểm, phóng viên Phạm Ngọc Thành cho rằng, tin giả bùng phát có khả năng tác động tiêu cực lớn hơn nhiều lần so với bản chất của sự việc. Trong cuộc chiến chống lại tin giả, mỗi phóng viên cần phát huy hết vai trò đi đầu của mình. Bất kỳ một nhà báo nào cũng phải xác định nhiệm vụ cốt lõi là đưa tin đúng và đính chính thông tin sai lệch với dư luận. Thông tin phải chính xác tuyệt đối, giảm bớt tin giả.

Với quan điểm “một hình ảnh hơn vạn lời nói,” nhà báo Hoàng Mạnh Thắng (Báo điện tử Tiền phong) cho rằng, đối với một phóng viên ở tuyến đầu chống đại dịch tin giả, cần tiếp cận các sự việc một cách chân thực nhất, qua đó, đem tới cho độc giả những hình ảnh gần gũi, sinh động nhưng luôn phải đảm bảo tính thực tế.

“Theo tôi, mỗi người cầm bút cần có ý thức tự nâng cao kỹ năng để phân biệt tin thật - giả, có những nguồn tin tin cậy để kiểm chứng. Đồng thời, phải có mạng lưới liên lạc, đặc biệt là với cơ quan chức năng để có thể liên hệ phỏng vấn đính chính hoặc bác bỏ các tin sai sự thật nhanh nhất có thể”, phóng viên Phùng Trang (Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ.

TRANG PHƯƠNG

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/tu-nguyen-lam-f1-12462.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.