Gỡ vướng trong triển khai Nghị quyết 68
Theo bà Bùi Thị Hương, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Hoài Đức, triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3642 của UBND thành phố Hà Nội, đến nay, huyện Hòa Đức đã rà soát và lập danh sách 1.835 doanh nghiệp giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Với các đối tượng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND huyện, Phòng LĐTB&XH đã rà soát, thống kê 1.228 hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế trên địa bàn huyện phải tạm dừng hoạt động do giãn cách xã hội. Huyện Hoài Đức cũng đã hỗ trợ lao động nghỉ việc không hưởng lương (đợt 1) cho 13 lao động với số tiền hơn 59,230 triệu đồng cùng nhiều hình thức chi trả khác ngay trong ngày 3/8.
Theo bà Bùi Thị Hương, huyện Hoài Đức đã cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra hồ sơ online, chỉ khâu cuối cùng hoàn thiện hồ sơ thì đơn vị mới phải đến nộp trực tiếp.
Tuy nhiên, hiện nay một số khó khăn đặt ra đối với triển khai Nghị quyết do thực tế tình hình dịch bệnh phức tạp và việc thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Thành phố nên người lao động và người sử dụng lao động chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu.
Bà Vũ Tuyết Trương, Trưởng Phòng LĐTB&XH quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo Nghị quyết 68; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…
Hà Nội đang thúc đẩy giải quyết hồ sơ cho các lao động mất việc theo Nghị quyết 68
Ở quận Tây Hồ, cùng với việc triển khai Nghị quyết 68, quận quyết định bổ sung kinh phí hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trên địa bàn với kinh phí đợt 1 là hơn 19 tỷ đồng.
Trước những khó khăn của người lao động trên địa bàn, Bảo hiểm Xã hội quận Tây Hồ đã giải quyết việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho một số doanh nghiệp…
Không phải tất cả người lao động mất việc đều được hỗ trợ, mức hỗ trợ tại các địa phương có thể khác nhau
Theo Trưởng Phòng LĐTB&XH quận Hoàn Kiếm, thực tế triển khai cho thấy một số vướng mắc như chưa có quy định cụ thể những trường hợp, ngành nghề là lao động tự do dẫn đến việc khó khăn trong quá trình rà soát.
Do trong thời gian đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc xác nhận thường trú, tạm trú là không thực hiện được.
Bên cạnh đó, do không có danh mục cụ thể về ngành nghề của đối tượng lao động tự do nên việc hướng dẫn người lao động và việc xét duyệt hồ sơ gặp khó khăn. Có những trường hợp do dịch bệnh không tìm được việc làm từ năm 2020 thì nay lại không đúng tiêu chí “mất việc từ tháng 5/2021”.
Với các trường hợp F1 đã hoàn thành cách ly tập trung nhưng tại thời điểm kết thúc cách ly (25/5/2021), cơ sở cách ly tập trung không cấp các giấy tờ liên quan đến kinh phí thực hiện cách ly nên công dân chưa thể lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Đối với lao động tự do khi làm việc tại địa bàn khác ngoài quận Hoàn Kiếm hoặc ngoài phường thì việc xét duyệt hồ sơ cũng không đủ cơ sở (theo Quyết định của Thành phố không yêu cầu công dân phải cung cấp bằng chứng chứng minh nghề nghiệp, nơi làm việc).
Việc triển khai trong thời gian thực hiện giãn cách chủ yếu qua hệ thống loa truyền thanh và qua công văn của UBND phường nên nhiều cán bộ cơ sở, người dân còn chưa nắm rõ các nội dung cụ thể vì họ phải ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, điều kiện, tiêu chí, quy trình, thủ tục để triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 đã được quy định rõ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nên về cơ bản, Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng cần hỗ trợ theo định hướng của Trung ương.
Riêng với các hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, trước khi có Nghị quyết số 68, Hà Nội đã thống nhất chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này (Cục Thuế Thành phố chủ trì thực hiện). Để tránh trường hợp chồng chéo, trùng lặp, ngành LĐTB&XH và ngành Thuế sẽ cùng rà soát, sàng lọc, bảo đảm 1 người chỉ nhận được 1 chính sách hỗ trợ mức cao nhất.
Đối với nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên được đề xuất hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng về việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với đó là những người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND Thành phố và các địa phương (như người bán nước vỉa hè, cắt tóc, gội đầu, spa…).
Tuy nhiên, ngành LĐTB&XH cũng khẳng định người được hỗ trợ là người phải có hoàn cảnh khó khăn chứ không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ. Điều này đồng nghĩa với việc có thể cùng là lao động tự do, nhưng người ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác; địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn địa phương khác. Tiêu chí, điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng ở các địa phương có thể cũng khác nhau.
BT
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ha-noi-go-vuong-de-day-nhanh-ho-tro-theo-nghi-quyet-68-12481.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.