Bà con Khmer trang trí bàn thờ tổ tiên đón lễ Sene Đôn Ta.
Viên Bình là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống của huyện Trần Đề nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung. Đầu năm 2022, Viên Bình được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, các tuyến lộ từ trung tâm xã đến các ấp đều được nhựa hóa, bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và dân sinh, góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đời sống của bà con cũng từ đó từng bước khởi sắc, hộ khá giàu ngày càng tăng lên và hộ nghèo mỗi năm đều giảm.
Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, đồng bào Khmer ở Viên Bình đã cùng nhau tăng gia sản xuất, phát triển kinh doanh, sớm phục hồi kinh tế, đưa cuộc sống trở lại ổn định. Hình ảnh về những ngôi trường khang trang với đông đảo các em học sinh là con em đồng bào theo học, cho đến đường xá trong phum sóc được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới giúp xe gắn máy, xe ô tô di chuyển thuận lợi, hay những ngôi nhà tường được xây kiên cố, phía trước nhà là những cây xanh, cây hoa được trồng và cắt tỉa khá bắt mắt như đã chứng minh cho sự khởi sắc của vùng quê ở Viên Bình, vùng nông thôn của sự văn minh, tiến bộ.
Lộ nông thôn thông thoán giúp các em học sinh đi lại thuận tiện hơn.
Đồng chí Sơn Huôl, Phó Bí thư Đảng ủy xã Viên Bình, huyện Trần Đề cho biết, từ lâu, bà con nông dân ở Viên Bình đã áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, trồng lúa tập trung với mô hình cánh đồng lớn, đặc biệt, là sử dụng những giống lúa cao sản, đặc sản vào sản xuất nên luôn đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng vụ Hè Thu năm nay, đã có hơn 2.200/2.535ha diện tích lúa được trồng theo mô hình cánh đồng lớn, trong đó tập trung chủ yếu là các giống lúa đặc sản như: ST24, ST25… Hiện tại bà con đang vào vụ thu hoạch, với việc thương lái thu mua các loại giống ST giá từ trên 7000 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận về khoảng 30 triệu đồng/1ha.
Qua lời kể của lãnh đạo Đảng ủy xã Viên Bình, chúng tôi tìm về các ấp như: Trà Ông, Lao Vên… cảm nhận được sự phấn khởi của bà con. Nhiều nông dân trồng các loại giống lúa ST trúng mùa, bán được giá còn khoe, bình quân mỗi ha, bà con thu về từ 7-8 tấn lúa tươi. Anh Cao Sel, nông dân ở ấp Trà Ông chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 2ha lúa ST24, giờ đã thu hoạch được 50% diện tích, năng suất cũng đạt 900kg/công (1.300m2), với giá thương lái thu mua 7.200 đồng/kg, trừ đi tất cả các chi phí sản xuất, còn lợi nhuận từ 2,5 đến 3 triệu đồng/công.
Ghé thăm nhà anh Hồ Hường, ở ấp Lao Vên, chúng tôi thật sự bị thu hút bởi xung quanh nhà được anh trồng nhiều loại cây hoa, cây xanh, cho không gian xanh-sạch-đẹp. Anh Hường cũng trang hoàng nhà cửa, trang trí bàn thờ tổ tiên, đón lễ Sene Đôn Ta khá tươm tất. Anh Hường cho biết, Sene Đôn Ta là một trong ba lễ hội lớn của đồng bào Khmer, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cầu phước cho linh hồn những người đã khuất và mong được tổ tiên phù hộ cho con cháu, phum sóc được an vui… Nay dịch bệnh được kiểm soát tốt, bà con được tiêm vắc xin phòng Covid-19, rồi mùa màng cũng bội thu nên các gia đình trong phum sóc đều đón lễ Sene Đôn Ta vui tươi, phấn khởi hơn.
Vụ mùa bội thu giúp bà con xây dựng nhiều căn nhà khang trang hơn.
Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng nói chung và xã Viên Bình, huyện Trần Đề nói riêng tiếp tục có bước phát triển; đời sống, vật chất tinh thần của bà con được quan tâm chăm lo, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được giữ vững ổn định.
Đồng chí Sơn Huôl, Phó Bí thư Đảng ủy xã Viên Bình cho biết thêm, đời sống, kinh tế khởi sắc, Lễ Sene Đôn Ta đến với đồng bào Khmer trong không khí vui tươi và phấn khởi hơn. Hiện nay, Đảng bộ, quân và dân xã Viên Bình đang tích cực ra sức thi đua, lao động sản xuất, phấn đấu thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà con Khmer xã Viên Bình, huyện Trần Đề phát triển mô hình trồng màu.
Điểm nhấn là xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương gắn với nền kinh tế thị trường, tìm kiếm động lực, tạo bước đột phá, khai thác tiềm năng thế mạnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh mô hình cánh đồng lớn với hơn 2.200 ha, sản xuất các loại giống lúa đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, Viên Bình còn phát triển diện tích trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày, nhất là đưa màu xuống chân ruộng với diện tích 5,4 ha, cho lợi nhuận từ 15 triệu – 20 triệu đồng/ha. Viên Bình cũng đặc biệt quan tâm trong phát triển kinh tế ở lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Toàn xã có 02 hợp tác xã nông nghiệp (30/4 và 1/5); 01 câu lạc bộ bò sữa; 06 tổ hợp tác và có sản phẩm tiềm năng xã đang vận động chủ cơ sở tham gia chương trình OCOP (như sản phẩm bong bóng cá của chủ doanh nghiệp tư nhân Trường Thành tại ấp Đào Viên).... Từ sự nỗ lực này mà thu nhập bình quân đầu người tại xã Viên Bình hiện đạt hơn 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, có hơn 99,3% bà con Khmer ở Viên Bình có điện sử dụng, tất cả hộ dân đều có nước sạch để sinh hoạt.
Có thể thấy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực tự vươn lên của người dân, đến nay, đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ở Viên Bình không ngừng khởi sắc. Cùng với sản xuất được mùa bội thu năm nay, nên bà con Khmer Sóc Trăng sẽ đón lễ Sene Đôn Ta vui tươi, đầm ấm và hạnh phúc hơn mọi năm./.
Bài, ảnh: Thanh Nam
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/ba-con-khmer-soc-trang-da-don-le-sene-don-ta-vui-tuoi-dam-am-12572.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.