Thanh Hóa: Dân mong mỏi được sử dụng lòng hồ thủy điện làm... kế sinh nhai

Khi đời sống chưa ổn định
Không còn nhiều đất để sản xuất người dân mong các cấp chính quyền tạo điều kiện được tiếp tục mưu sinh ổn định cuộc sống lâu dài bằng nghề đánh bắt, nuôi cá lồng trên vùng đất sản xuất đã bị ngập nước.

Ái Thượng là một xã nghèo thuộc huyện Bá Thước có nhiều hộ dân đang mưu sinh bằng nghề đánh bắt chài lưới, nuôi cá lồng. Trước kia, vào năm 2012, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Thanh Hóa tiến hành xây dựng thủy điện Bá Thước 2, phía nhà máy đã đền bù cho người dân toàn bộ phần đất ngập lụt khi thủy điện dâng nước (Sau đây sẽ gọi là vịnh: Một vùng nước nằm sâu trong đất liền, được đất liền bao bọc ở ba phía – PV).

Sau khi hồ thủy điện dâng nước một phần đất đai của người dân đã bị ngập lụt, vùng vịnh trên đã được bà con tận dụng để tiến hành đánh bắt, nuôi trồng thủy sản chủ yếu là nghề chài, lưới thô sơ, nuôi cá lồng. Kể từ đó đến nay vùng vịnh trên của hồ thủy điện đã trở thành nơi mưu sinh cho người dân, cuộc sống người dân luôn ổn định, không có kiện cáo hay thắc mắc đối với phía nhà máy thủy điện, cũng như chính quyền địa phương.


Các hộ dân mong muốn giữ lại vùng đất đã bị ngập nước để hàng ngày đánh bắt cá, nuôi cá lồng tăng thêm thu nhập.

Các thôn Mý, Vèn, Côn, Đan của xã Ái Thượng nằm trong vùng vịnh kể trên nhiều năm nay người dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt, nuôi cá bè đã giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên đầu năm 2017, UBND huyện Bá Thước có thông báo thu hồi toàn bộ vùng vịnh kể trên giao quyền sử dụng cho một số hộ trong xã đã trúng thầu sử dụng, các hộ trúng thầu đã tiến hành san lấp, đắp bờ… và nghiêm cấm các hộ dân không được phép xuống vùng vịnh để tiến hành đánh bắt, nuôi cá bè nếu muốn đánh bắt buộc phải ra xa tận phía lòng hồ thủy điện ngoài sông Mã.

23 hộ dân thôn Mý (xã Ái Thượng) bức xúc cho hay: “Trước khi giải phóng mặt bằng, đền bù phía lãnh đạo nhà máy thủy điện và UBND huyện đã tuyên truyền cho bà con rằng: Chúng tôi đền bù và giải tỏa, giải phóng mặt bằng phần đất nào ngập lụt thì bà con đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, phần đất nào chưa ngập lụt thì bà con có thể trồng hoa màu, nếu không may có mưu lũ, thiên tai ngập lụt đến thì bà con không được kiện cáo”.

“Tuy nhiên, sau đó phần đất không ngập nước nói trên chúng tôi vẫn không được phép trồng hoa màu đất bỏ hoang, đến nay lại thu mất lòng hồ không cho chúng tôi đánh bắt, nuôi cá bè ở đó thì chúng tôi biết mưu sinh kiếm sống bằng nghề gì đây”.

Bác Trương Văn Thông (SN 1961, thôn Mý) nêu mong muốn: “Trước kia nhà máy thủy điện mua cá giống về giúp miễn phí về cho bà con nuôi cá lồng. Ven lòng hồ thủy điện từ khi dâng nước là nguồn mưu sinh của người dân bây giờ bị thu hồi nguồn mưu sinh của bà con không còn, cuộc sống của bà con sẽ trở nên khó khăn”.

Bác Thông nhấn mạnh: Cả thôn Mý có hơn 100 hộ mưu sinh nhờ nghề đánh bắt nuôi cá lồng, mỗi hộ nuôi ít nhất 2 lồng cá, mỗi một lồng cá hàng năm đạt 3–4 tạ cá đem bán ra thị trường. Hàng ngày một người dân xuống hồ đánh cá có thu nhập ít nhất cũng được 100.000 đồng, nay thu hồi lòng hồ không cho đánh cá nuôi cá lồng thì chúng tôi biết làm thêm nghề gì đây, trồng cây mía thì năng xuất lại bấp bênh”.

Bà Trương Thị Then (SN 1942) cho biết : “Tôi già rồi giờ không mong muốn gì hơn, chỉ mong cho người dân được xuống hồ để bắt con cá con tôm, mò cua bắt ốc, được thả lồng cá xuống hồ, chỗ nào đất không ngập nước thì cho dân làm hoa màu”.

Trao đổi về sự việc trên, ông Trương Ngọc Hoàng – Chủ tịch UBND xã Ái Thượng cho biết: “Chúng tôi chỉ thực hiện theo kế hoạch chỉ đạo của UBND huyện chứ không dám làm sai hay tự ý làm, tất cả đều thực hiện theo chủ trương của huyện”.

Nên quan tâm đến nguyện vọng của dân

Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước: Năm 2013 Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 tiến hành tích nước, do việc tích nước của nhà máy đã khiến cho 1.000 ha diện tích đất ngập lụt, diện tích đất ngập lụt nằm trên địa bàn các xã: Điền Lư, Ái Thượng, Lương Ngoại, Hạ Trung, Tân Lập, Lâm Xa, Ban Công, Thiết Ống bao gồm toàn bộ lòng sông Mã cũ và các vùng đất ngập nước đã được đền bù giải phóng mặt bằng với hơn 30 ngàn người sinh sống hai bên lòng hồ.

Diện tích đất cũ đã ngập nước không thể sản xuất được người dân tận dụng để nuôi cá lồng nay đã bị thu hồi và sau này sẽ không được nuôi cá tại vùng vịnh trên.

Đặc biệt có 31 hộ với 122 dân khẩu thuyền chài sinh sống lâu năm và làm ăn trên lòng hồ. Kể từ khi lòng hồ thủy điện được hình thành, cấp ủy, chính quyền các xã giáp lòng hồ đã có chủ trương cho nhân dân tận dụng diện tích mặt nước để đánh bắt và nuôi trồng nước ngọt. Đến năm 2015 có 911 lồng cá vởi tổng diện tích nuôi 8.199 m3, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an toàn hồ đập.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại việc khai thác, sử dụng lòng hồ vẫn chưa được phát huy bọc lộ nhiều hạn chế nên chưa phát huy được tiềm năng. Để khai thác lòng hồ thủy điện có hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân toàn bộ vùng lòng hồ nêu trên sẽ buộc phải thu hồi giao cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển mở rộng quy mô.

Trao đổi với ông Võ Minh Khoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: “Diện tích đất thu hồi của các hộ đã được nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đền bù khi giải phóng mặt bằng nên đã không thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình, diện tích này thuộc quyền quản lý của nhà máy thủy điện Bá Thước 2 nên các hộ không được sử dụng diện tích đã được thu hồi kể trên. Diện tích đất thu hồi kể trên nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đã bàn giao lại cho huyện quản lý, sử dụng nên việc xã cho đấu thầu là đúng với sự chỉ đạo của UBND huyện”.

Ông Võ Minh Khoa cũng nhấn mạnh: “Diện tích mặt nước thuộc vùng vịnh của lòng hồ thủy điện đã giao cho các cá nhân tiến hành đấu thầu, sử dụng nên các hộ dân sẽ không được phép vào đó đánh bắt cá hay nuôi cá lồng, nếu các hộ dân muốn đánh bắt cá nuôi cá lông thì phải ra sông Mã”.


Lô Giang

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/thanh-hoa-dan-mong-moi-duoc-su-dung-long-ho-thuy-dien-lam-ke-sinh-nhai-12997.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.