Thiệt thòi học sinh vùng cao trước thềm năn học mới

Điểm khu Lót của trường Tiểu học Tam Văn, huyện Lang Chánh lớp học được làm bằng gỗ lợp lá cọ hiện đang xuống cấp.

SK&MT - Trường học xuống cấp, ẩm ướt, dột nát, thiếu sân chơi, phòng học, bàn nghế cũ kỹ… là những khó khăn khi bước vào năm học mới đối với giáo viên, học sinh ở các trường học huyện miền núi xứ Thanh.

Năm học mới, chưa đổi mới

Chúng tôi có mặt tại điểm khu Phá của Trường Tiểu học Tam Văn tại Bản Phá, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh - cách trung tâm xã 4 km. Khu Phá gồm 101 hộ và 503 khẩu với 99% là dân tộc Thái sinh sống có 39% là hộ nghèo, 100% làm nghề nông nghiệp là xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng 135 của chính phủ. Hiện nay, cơ sở vật chất tại điểm trường còn rất nhiều khó khăn với 5 lớp học, 37 học sinh nhưng 3 phòng học cấp 4 đã xuống cấp, 2 phòng còn lại bằng gỗ thì lợp lá cọ.

Điểm khu Lót của trường Tiểu học Tam Văn tại Bản Lót, xã Tam Văn, nằm cách trung tâm xã 6 km, phải qua sông và đi bộ, vượt dốc cao với 89 hộ và 325 khẩu với 99% là dân tộc Thái sinh sống có 42% là hộ nghèo, 100% làm nghề nông nghiệp là xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng135 của chính phủ. Hiện nay cơ sở vật chất tại điểm trường còn rất nhiều khó khăn, có 2 lớp học được làm bằng gỗ rừng lợp lá cọ đã xuống cấp. Điểm khu Lót có 5 lớp học, với 36 học sinh và có 3 phòng học cấp 4 đã xuống cấp.




Khu Năng Cát của trường Tiểu học Trí Nang, tại bản Năng Cát xã Trí Nang huyện Lang Chánh, cách trung tâm xã Trí Nang 12 km về phía tây, đường xá đi lại khó khăn. Có 5 lớp học với 61 học sinh, trong đó có 3 phòng học cấp 4 đã xuống cấp, 2 phòng học làm bằng gỗ lợp lá cọ. Đời sống người dân trong bản Năng Cát còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề nông lâm kết kợp. Bản Năng Cát nói riêng xã Trí Nang nói chung thuộc chương trình 135 và 30a của Chính phủ.

Khu Năng Cát của trường Mầm non Trí Nang , xã Trí Nang, đây là một trong những bản khó khăn nhất của xã Trí Nang về địa hình cũng như đời sống kinh tế của địa phương. Bản Năng Cát cách khu trung tâm xã 14 Km, là bản thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 theo qui định của Chính phủ , đa số các cháu đến trường phải đi bộ cùng anh chị do cha mẹ không có phương tiện đi lại. 100% số trẻ đến trường đều được ăn, ở bán trú sinh hoạt tại trường và học chương trinh Giáo dục Mầm non theo quy định. Khu Năng Cát có tổng số 03 lớp học gồm 1 lớp trẻ và 2 lớp mẫu giáo với 57 học sinh.

Khu Cơn của trường Tiểu học Yên Thắng 2, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, là khu nằm xa trung tâm xã Yên Thắng, thuộc vùng 135 của chính phủ, đường đi lại khó khăn. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều, học sinh còn phải học ở nhà tranh tre tạm bợ. Cả khu có 3 lớp học với 24 học sinh.





Khu Cơn của trường tiểu học Yên Thắng 2, huyện Lang Chánh, có cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều, học sinh còn phải học ở nhà tranh tre tạm bợ.

Điểm trường khu Vịn của trường Tiểu học Yên Thắng 1 tại bản Vịn, xã Yên Thắng có 5 lớp học đang xuống cấp với 48 học sinh. Điểm trường khu Tráng của trường Tiểu học Yên Thắng 1 tại bản Tráng, xã Yên Thắng có 5 phòng học cũng đã xuống cấp với 69 học sinh. Hai điểm trường trên cách điểm trường chính khoảng 5km, cách trung tâm Huyện 25km, có đường giao thông đi lại. Nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 135 của Chính phủ.

Trường Mầm non Giao Thiện là một trường thuộc xã vùng sâu, vùng xa, nằm cách trung tâm huyện Lang Chánh 20km. Địa hình nơi đây hiểm trở, bị chia cắt nhiều do vậy việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Trường có 4 khu điểm lẻ thuộc vùng sâu, vùng thuộc diện 135 của CP, tại điểm lẻ khu Khụ cách khu chính là 5 Km, tổng số học sinh ở khu Khụ là 142 cháu, hiện tại mới có 3 phòng học, còn thiếu 5 phòng nên các cháu học tạm ở vòm chơi và học dồn lớp.

Ông Lê Minh Thư – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Lang Chánh cho biết: “Trên địa bàn của huyện hiện có các khu điểm lẻ như khu Lót, khu Cơn, khu Vịn, khu Tráng... có cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Trong năm học mới các xã, nhà trường đã có kế hoạch tu bổ cơ sở vật chất bổ xung thêm trang thiết bị cho các điểm lẻ. Nguồn vốn sẽ huy động từ ngân sách tiết kiệm của xã giúp đỡ cho nhà trường. Huy động người dân tu sửa những lớp học cố ván gỗ lợp cọ bị hư hại, sửa lai bàn nghế, quét dọn phát quang bụi rậm trong khuân viên nhà trường”.

Còn nhiều khó khăn, thiệt thòi

Chúng tôi đến các khu điểm lẻ của trường Mầm non Sơn Điện 1, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn. Khu Xa Mang có hai lớp học với 23 học sinh, lớp học được người dân trong bản làm bằng tre, gỗ mái lợp ngói pro xi măng, hàng rào là những thanh tre. Những cây tre, tấm ván gỗ trên rừng được người dân tận dụng chế tạo thành đồ chơi như bập bênh, đánh đu để làm sân chơi cho học sinh. Đặc biệt tại điểm lẻ Xa Mang hiện nay vẫn chưa có điện thắp sáng phục vụ cho việc học của học sinh.





Các em học sinh trường Mầm non Sơn Điện 1, huyên miền núi Quan Sơn năm học mới vẫn học trong những phòng tranh tre dột nát, thiếu trò chơi, sân chơi.

Tại điểm Na Hồ của trường Mầm non Sơn Điện có 2 lớp học, với 28 học sinh, phòng học làm bằng gỗ, tre lợp lá cọ. Đồ chơi, khu vui chơi cho học sinh mầm non hoàn toàn được người dân trong bản làm bằng cây tre, lá cọ.

Sau bản Na Hồ là bản Sủa và bản Na Phường, 2 bản trên nằm biệt lập, bị chia cắt với các bản còn lại bởi con sông Luồng, muốn sang hai bản trên buộc phải đi qua hai chiếc cầu tre bắc ngang qua hai nhánh sông Luồng. Bản Sủa và bản Na Phường nơi có Khu điểm lẻ Sủa – Na Phường dành cho học sinh mầm non hai bản Sủa – Na Phường. Khu có ba lớp học với 44 học sinh, lớp học được người dân bản xây dựng hoàn toàn bằng tre, gỗ, lá cọ. Sân trường có một bãi đá xanh to lớn đã trở thành nơi vui chơi cho học sinh. Các loại đồ chơi như đu quay, bập bênh được làm đơn sơ bằng gỗ, tre. Lốp xe máy, ô tô, xe đạp được các cô giáo xin từ những quán sửa xe đem về trường sơn mầu lại để làm trò chơi cho các em học sinh.

Cô Vi Thị Chiến – Hiệu trưởng trường Mầm non Sơn Điện 1, chia sẻ: “Hiện trước năm học mới nhà trường vẫn chưa có kế hoạch để đảm bảo cơ sơ vật chất cho việc dạy học ở các khu điểm lẻ, vấn đề này còn phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của các cấp chính quyền xã, huyện. Lớp học ở các điểm lẻ nếu có xuống cấp thì sẽ huy động người dân đến cùng khắc phục, xây dựng lại.

Tại huyện Mường Lát, hiện nay có 53 điểm lẻ của các trường Tiểu học, có 58 điểm lẻ cho các trường Mầm non, các trường THCS không có điểm lẻ.

Ông Mai Xuân Giang – Trưởng phòng Giáo dục&Đào tạo huyện Mường Lát, cho biết: Trước thềm năm học mới, về cơ bản các trường cấp 2 trên địa bàn của huyện đã có phòng học kiên cố và phòng học cấp 4. Đối với các trường điểm lẻ Mầm non hiện nay đang triển khai xây dựng hơn 60 phòng học và có một số phòng học sẽ được sử dụng vào năm học mới. Nếu trong trường hợp chưa triển khai xong trong dịp khai giảng năm học mới sẽ cố gắng hoàn thiện để đi vào sử dụng trong năm. Trong trường hợp chưa có phòng học, chúng tôi sẽ cố gắng cho học ở những phòng làm tạm, tận dụng lại các phòng học cũ.

(Số liệu học sinh trong bài được lấy từ năm học 2016 – 2017)

Sông Lô

Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/thiet-thoi-hoc-sinh-vung-cao-truoc-them-nan-hoc-moi-13027.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.