Ghé thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp, bề thế nằm dưới chân nghĩa địa của xã Thạch Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) không ai nghĩ chủ nhân của nó là một chàng trai trẻ từng là kỹ sư xây dựng.
Quyết định táo bạo
Bùi Quang Huỳnh, SN 1984 là con út trong gia đình có 6 anh em ở xóm 1, xã Thạch Sơn (Anh Sơn, Nghệ An). Năm 2005, Huỳnh tốt nghiệp Đại học Thủy lợi với tấm bằng kỹ sư công trình xây dựng. Ra trường, Huỳnh được nhận vào làm việc ở một công ty xây dựng chuyên giám sát công trình xây dựng ở các tỉnh Đắc Lắc, Ninh Thuận.
Do đi làm xa nhà, công việc lại nay đây mai đó nên cuối năm 2013, Huỳnh quyết định bỏ việc về quê làm giàu. Tháng 1/2014, tận dụng 1 héc ta đất khai hoang của bố mẹ để lại ở vùng Cầu Mào, xóm 1 xã Thạch Sơn, Huỳnh quyết định cải tạo để xây dựng một trang trại tổng hợp. Là vùng đất hoang hóa, cằn cỗi nên bước đầu, chàng trai trẻ phải thuê xe chở đất phù sa ngoài bãi sông về cải tạo để trồng cây, xây dựng chuồng trại nuôi gà, vịt. Huỳnh ước tính số tiền bỏ ra bước đầu ngót nghét đã tiền tỷ.
Ngoài số tiền tích góp sau bao năm đi làm, cộng với vay mượn anh em Huỳnh còn vay ngân hàng 400 triệu đồng. Sau khi nghiên cứu sách báo và thực tế thị trường khu vực trong tỉnh, Huỳnh mua giống nuôi 5.000 con gà cỏ thịt, 600 con gà đẻ, 1.000 con vịt đẻ và đào ao thả cá trê phi, trê phi.
Huỳnh cho biết, để xây dựng trang trại, anh tự mày mò, học hỏi qua sách báo. Sau khi thị sát thực tế, Huỳnh nhận thấy trên địa bàn huyện Anh Sơn, trang trại lợn thì đã có nhưng chưa có một trang trại gà nào. Và anh quyết định khởi nghiệp bằng giống gà cỏ thịt để cung cấp cho thị trường rộng lớn của tỉnh Nghệ An, nhất là thành phố Vinh - nơi món thịt gà cỏ rất được ưa chuộng.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, lại không qua trường lớp tập huấn chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc gia cầm nên đàn gà của Huỳnh bị dịch và chết sạch. Huỳnh cho biết, khi đó từ tối 30 đến ngày mồng 5 Tết, đàn gà của anh thi nhau chết vì dịch. Khi người ta đang vui chơi ngày Tết, Huỳnh cùng 4 anh em phải đào hố chôn gà. Riêng 1.000 con vịt đẻ, vì sợ lây dịch từ gà nên ngày mồng 7 Tết, anh cũng phải bán chạy với giá rẻ và chấp nhận lỗ.
Bùi Quang Huỳnh bên đàn gà sắp xuất chuồng. Ảnh Duy Ngợi
Huỳnh ước tính, đợt dịch đó đã khiến anh bị lỗ 600 triệu đồng và trắng tay. “Khi đó cả làng ai cũng nghĩ em bị mất số tiền lớn như vậy thì chỉ có nước bỏ trang trại đi Nam làm thuê để kiếm tiền về trả nợ”, Huỳnh nhớ lại.
Đứng lên từ gian khó
Sau lần dịch đó, đàn gà của Huỳnh còn sót được 500 con gà thịt nuôi nhốt ở nhà. Sau một thời gian chăm nuôi, anh xuất chuồng và dùng số tiền bán được đầu tư mua giống nuôi gà trở lại. Thấy Huỳnh không nản chí, anh em họ hàng thương tình, người cho vay ít vốn để anh dựng lại cơ nghiệp.
Nhờ đó, trang trại tổng hợp của Huỳnh ngày càng phát triển. Có năm, đàn vịt trong trang trại của anh lên tới hàng vạn con. Trong chuồng trại của Huỳnh lúc nào cũng có từ 3.000 - 4000 con gà thịt cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Ngoài ra, anh còn nuôi 1.000 con gà đẻ để lấy trứng ấp bán giống. Mỗi lần xuất chuồng trừ chi phí, đàn gà, vịt cũng mang về cho Huỳnh hàng trăm triệu đồng.
Từ quyết định táo bạo, Huỳnh đã gây dựng được trang trại tổng hợp bạc tỷ giữa vùng đất cằn cỗi. Ảnh Duy Ngợi
Để mở rộng trang trại, Huỳnh lấy đất ruộng của gia đình đổi thêm 1 héc-ta đất hoang hóa ngay bên cạnh trang trại của mình. Tiếp đó, đầu năm 2016, anh nuôi thử nghiệp 150 con lợn thịt.
Huỳnh cho biết, sau khi tìm hiểu trên mạng xã hội, nhận thấy mô hình nuôi lợn, cho lợn nghe nhạc mang hiệu quả cao, vậy là anh làm thử. Ngoài đầu tư hệ thống chuồng nuôi thoáng mát, anh bỏ gần 3 triệu đồng mua thêm bộ loa máy để mở hàng ngày vào thời điểm cho lợn ăn.
Theo Huỳnh, dòng nhạc được anh chọn mở đó là dòng nhạc trữ tình, với âm độ vừa phải. Phương pháp này đã giúp cho đàn lợn hay ăn, ngủ nhiều nên chóng lớn, thời gian xuất chuồng cũng sớm hơn từ 10-15 ngày so với lợn nuôi không được nghe nhạc. Riêng năm đầu tiên, trừ chi phí đàn lợn đã mang về cho anh 250 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, đầu tháng 4/2017, Huỳnh nuôi thử nghiệm 20 con kỳ đà để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, chàng kỹ sư xây dựng ngày nào còn trồng 250 gốc mít Thái, 100 gốc bưởi da xanh, ươm 1.000 gốc đinh lăng để trồng dưới tán cây. Theo Huỳnh nhẩm tính, những cây này từ năm sau sẽ giúp anh có nguồn thu không nhỏ. Huỳnh khẳng định: “Mô hình kinh tế tổng hợp đa cây, đa con không chỉ là biện pháp lấy ngắn nuôi dài mà còn giúp mình có nguồn thu nhập đáng kể”.
Trong thời gian tới, Huỳnh dự tính xây dựng thêm chuồng trại để nuôi 50 con lợn nái sinh sản và mở rộng quy mô đàn lợn thịt.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết: Xã Thạch Sơn về vấn đề diện tích đất để phát triển trang trại thì rất là ít. Bản thân anh Bùi Quang Huỳnh từ khi về quê đã nhận đất 5% do xã quản lý để xây dựng trang trại. Trong quá trình xây dựng trang trại, anh là một thanh niên rất tích cực, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đến nay, toàn xã Thạch Sơn chỉ có mô hình trang trại của anh Huỳnh nên rất được chính quyền quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện để anh phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình.
Duy Ngợi
Đường dẫn bài viết: https://suckhoemoitruong.com.vn/tu-bo-bang-ky-su-ve-que-gay-du-ng-trang-tra-i-ba-c-ty-13053.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2023 https://suckhoemoitruong.com.vn/ All right reserved.